|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sứ mệnh đem ‘Made in China’ trở lại một lần nữa với thế hệ thừa kế thứ hai tại Trung Quốc

08:31 | 14/08/2023
Chia sẻ
Những nhà máy gia công nhỏ lẻ từng là hạt nhân đưa Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới đang chật vật với việc giữ vững vị thế đó. Và gánh nặng đó được đặt lên những người thừa kế đời thứ hai.

Dù là con gái độc nhất của chủ nhà máy nhưng mãi đến năm 2021, Rachel He mới quyết định trở về Trung Quốc sau gần 10 năm lăn lộn ở nước ngoài. Cô trở về để tiếp quản một nhà máy 30 năm tuổi do cha mẹ thành lập. Họ đã ngoài 60 tuổi, không còn đủ sức khỏe để tiếp tục vận hành bộ máy có khoảng 50 công nhân đang làm việc.

“Tôi là đứa con duy nhất của họ. Nếu tôi không trở về, nhà máy có nguy cơ bị đóng cửa. Vậy còn những nhân viên đã theo cha tôi hơn 10 hay 20 năm thì sao?”, người thừa kế 34 tuổi trải lòng.

Tọa lạc tại Phật Sơn, thuộc tỉnh Quảng Đông, nhà máy của He là một phần của cụm công nghiệp địa phương, chuyên mạ nhôm. Đây là vật liệu xây dựng dùng cho trần nhà trong các tòa nhà văn phòng và thang cuốn của trung tâm thương mại.

Nỗi lòng của Rachel He rối như tơ vò. Cô vốn dĩ không có một chút kiến thức gì về ngành sản xuất và không biết cách vận hành một nhà máy, từ các thủ tục thuế cho đến tuyển dụng. Giờ đây, cô là bà chủ và phải đối mặt với những thách thức giữa thời buổi suy thoái kinh tế. Bên cạnh đó, cô vừa phải làm chủ vừa chăm lo cho người cha già đang nằm viện.

Những nhà máy gia công nhỏ lẻ từng là hạt nhân đưa Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới đang chật vật với việc giữ vững vị thế đó. (Ảnh: Wall Street Journal).

“Đôi khi tôi cảm thấy rất mệt mỏi, rất bối rối và không biết phải làm gì,” cô nói. Rachel cho biết biết cô thường trò chuyện trong một chat có tên là "Changerdai". Đây là nơi tập hợp của hàng trăm người thừa kế đời thứ hai của các nhà máy tại Trung Quốc. Họ cùng nhau bàn luận cách điều hành nhà máy, ví dụ cách thuê người mới, cách quản lý và thậm chí cả cách rút lui an toàn trong trường hợp nhà máy thực sự không thể tiếp tục hoạt động.

Theo SCMP, “Changerdai” bắt đầu trở thành xu hướng vào đầu năm nay và tạo ra hàng trăm hội nhóm trên khắp đất nước Trung Quốc. Họ là những người thuộc thế hệ Z hay Millenials. Những người thừa kế này được vạch sẵn con đường để thành công, trái ngược với cha mẹ của họ.

Thế hệ đi trước của Trung Quốc xuất phát điểm ở vị trị rất khó khăn và họ đã cùng nhau làm nên kỳ tích của Trung Quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Các công xưởng có quy mô nhỏ chính là trụ cột giúp đất nước tỷ dân vươn lên thành “công xưởng của thế giới” và nền kinh tế lớn thứ hai toàn cầu.

Sau ba thập kỷ, thế hệ tiếp nối của những người này được thừa hưởng nền tảng giáo dục tốt từ nước ngoài, am hiểu internet hơn. Tuy vậy, họ phải đối mặt với môi trường vĩ mô ưu đãi biến mất, lĩnh vực bất động sản sa sút, nền kinh tế trong nước chậm lại, chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi, cạnh tranh gay gắt hơn từ các nước đang phát triển khác và căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Đáng nói hơn, gánh nặng của các nhà máy đổ lên vai thế hệ thứ hai, điều đó cũng khiến họ phải chịu trách nhiệm về tương lai của “Made in China”. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể tiếp tục giữ vững vị thế này và phát triển nó hay không?

Khi tỷ lệ văn phòng trống tiếp tục tăng ở các thành phố lớn của Trung Quốc và các dự án cơ sở hạ tầng mới vẫn bị đình trệ kể từ sau đại dịch, Rachel He không mấy lạc quan về triển vọng kinh doanh của nhà máy.

Giờ đây ở Quảng Đông, khi một dự án xây dựng mới ra mắt, hàng trăm nhà máy giống như Rachel sẽ cạnh tranh để có được quyền cung cấp vật liệu cho dự án, không cần biết là có lãi hay không. Cô than thở: “Cha tôi luôn nói rằng thời có thể kiếm bộn tiền trong ngành này đã qua lâu rồi".

Tương lai mờ mịt khiến người thừa kế 34 tuổi muốn bỏ cuộc nhưng đó không phải là một lựa chọn thực sự khả thi khi cô phải chăm lo cho những công nhân của nhà máy. Nhiều người trong số họ đã chứng kiến ​​cô lớn lên và công việc tại nhà máy đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của họ.

“Bây giờ thật khó để tìm một công việc khác cho những người ở độ tuổi của họ. Tôi không thể đơn giản bỏ mặc họ được", Rachel He nói.

Suy thoái bất động sản cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến Zheng Shijie. Năm 2019, anh chính thức tiếp quản một nhà máy sản xuất ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, từ người chú của mình. Nhà máy sản xuất thiết bị phân phối điện và sản lượng công nghiệp hàng năm gần 20 triệu nhân dân tệ (2,78 triệu USD).

Nhưng hiện tại, các khoản phải thu trên bảng cân đối kế toán của nhà máy chỉ có tổng trị giá gần 10 triệu nhân dân tệ. Zheng Shijie thừa nhận ngành này đang suy yếu và mọi thứ đều rất khó khăn. Một nguồn doanh thu chính khác cho công việc kinh doanh của nhà máy đến từ các dự án của thành phố, nhưng số tiền từ những dự án này cũng đang bị thu hẹp khi chính quyền địa phương ngày càng siết chặt chi tiêu tài chính.

Do áp lực dòng tiền ngày càng lớn, một số người quen trong ngành của Zheng gần đây đã rời khỏi thị trường. Điều này thể hiện một sự tương phản rõ rệt với thời kỳ trước đó khi các thế hệ cha chú đổ xô vào lĩnh vực này.

Đối với các nhà sản xuất định hướng xuất khẩu, thị trường năm nay cũng không tốt hơn là bao vì suy thoái kinh tế toàn cầu đã kìm hãm nhu cầu ở nước ngoài đối với các sản phẩm Trung Quốc, bên cạnh xu hướng gia tăng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thay vì đặt Trung Quốc làm trung tâm như trước đây.

Xu hướng này đặc biệt rõ ràng đối với ngành may mặc, khi các công ty thời trang Mỹ đang giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và chuyển các đơn đặt hàng sang các nước khác ở châu Á. Đối với Jenny Jiao, 27 tuổi, việc của cô là cần phải nhanh chóng trưởng thành để chia sẻ gánh nặng gia đình.

Sau khi lấy bằng thạc sĩ tại Đại học Johns Hopkins và có một thời gian ngắn làm việc trong lĩnh vực tài chính, Jiao quyết định quay trở lại nhà máy may vest của cha cô có trụ sở tại tỉnh Liêu Ninh vào cuối năm ngoái.

“Một công ty thương mại nói rằng nếu họ không chuyển nguồn cung ứng sang Campuchia, khách hàng của ở Mỹ sẽ chấm dứt hợp tác với họ,” Jiao cho biết nhà máy của cha cô vừa bị mất hợp đồng khi họ mới đầu tư xây dựng nhà máy mới có hơn 200 công nhân.

Jenny Jiao đang tạo ra các mẫu thiết kế mới, thay đổi phương thức kinh doanh kiểu cũ của nhà máy. (Ảnh: SCMP).

Với những đơn đặt hàng bị mất và các khoản nợ lớn, Jiao cảm thấy áp lực đè nặng lên vai cô vì nếu khoản vay không thể trả được, điều đó có nghĩa là những nỗ lực trong suốt 20 năm của cha cô sẽ trở nên vô ích.

“Thành thật mà nói, trong năm nay hoặc 6 năm tới, miễn là chúng tôi có thể tồn tại thì đó sẽ là một thành công", Jenny Jiao nói. Cô cho biết trong khi cha tiếp tục tập trung vào công việc quản lý hai nhà máy may mặc, cô sẽ tập trung thử nghiệm những thứ mới mẻ.

Bên cạnh việc đưa doanh nghiệp của họ thoát khỏi tình trạng khó khăn trong bối cảnh những bất ổn bên ngoài gia tăng, hầu hết các chủ nhà máy thuộc thế hệ thứ hai cũng rất muốn chứng tỏ bản thân, đặc biệt là với cha mẹ và những nhân viên lâu năm - những người có thể vẫn coi họ như trẻ con.

“Ở những công ty nhỏ như của chúng tôi, bất kỳ ai nhận được đơn đặt hàng mới đều đủ tiêu chuẩn làm ông chủ,” Rachel He nói. “Trước khi bạn mang được về những hợp đồng thực sự, sẽ không ai tôn trọng bạn", cô nói thêm.

Mặc dù cô ấy đã chính thức tiếp quản nhà máy, nhưng các nguồn lực và khách hàng cũ do thế hệ đi trước thiết lập không thể đơn giản là được kế thừa. Cô ấy cần phải làm việc nhiều hơn để đảm bảo tập khách hàng mới của riêng mình.

“Thực tế, tôi không nghĩ chúng tôi là Changerdai, mà là những doanh nhân thế hệ đầu tiên,” He nói.

Thùy Trang

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).