|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc: Còn sớm để lo ngại giảm phát kéo dài

12:03 | 12/08/2023
Chia sẻ
Với nhiều yếu tố, biểu hiện rõ nhất cho những khó khăn mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt là việc nước này chính thức rơi vào tình trạng giảm phát.

Cảng hàng hóa ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Nền kinh tế Trung Quốc đang suy yếu. Sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 đang dần mất đà. Kim ngạch thương mại với phần còn lại của thế giới đang sụt giảm mạnh. Và sự tăng mạnh của giá nhà kéo dài 10 năm qua cũng đang khép lại.

Biểu hiện rõ nhất cho những khó khăn mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đối mặt là việc nước này chính thức rơi vào tình trạng giảm phát. Tại Mỹ, Anh và Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (eurozone), giá cả đang tăng lên, dù không còn mạnh như vài tháng trước, nhưng tình hình lại đang diễn biến theo chiều ngược lại tại Trung Quốc.

Số liệu cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc giảm 0,3% trong tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái đã làm dấy lên những đồn đoán rằng Trung Quốc sắp rơi vào tình trạng giảm phát kéo dài, như trường hợp của nước láng giềng Nhật Bản sau khi bong bóng bất động sản vỡ vào cuối những năm 1980.

Tuy nhiên, còn quá sớm để lo ngại về điều đó, ít nhất là ở thời điểm này. Có nhiều yếu tố chỉ xảy ra một lần ảnh hưởng đến giá thực phẩm dẫn đến sự sụt giảm giá cả trong tháng trước. Lạm phát cốt lõi, không tính giá năng lượng và thực phẩm vốn dễ biến động, không những không giảm, mà trên thực tế còn tăng từ 0,4% lên 0,8%.

Tuy nhiên, giới chức Trung Quốc rõ ràng đang lo ngại về thể trạng của nền kinh tế, và nỗi lo này là có lý do. Những nỗ lực để xoay chuyển nền kinh tế từ phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu, sang dựa trên chi tiêu tiêu dùng vẫn đang ở giai đoạn đầu. Các nhà máy đang ghi nhận nhu cầu sụt giảm do nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Không chỉ có giá tiêu dùng giảm, mà giá sản xuất tại Trung Quốc cũng giảm hơn 4% trong năm qua, điều này sẽ khiến giá hàng hóa xuất khẩu của nước này giảm xuống. Bất cứ yếu tố nào có khả năng khiến lạm phát giảm xuống đều là tín hiệu đáng mừng đối với ngân hàng trung ương ở các nước phát triển.

Giới chức Trung Quốc đang đón nhận thêm nhiều tin xấu. Tương tự những diễn biến dẫn đễn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giá nhà tại Trung Quốc đang giảm xuống và giá bất động sản nói chung cũng bị ảnh hưởng. Country Garden, một trong những công ty phát triển bất động sản tư nhân hàng đầu của Trung Quốc, đã quá hạn thanh toán hai hạng mục trái phiếu trong tuần này.

Có lẽ điều đáng lo ngại nhất đối với giới chức Trung Quốc là tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ của nước này hiện đang ở mức 20% và có thể còn tăng cao hơn nữa, với một lứa sinh viên mới tốt nghiệp phải chật vật tìm kiếm việc làm trong một nền kinh tế đang tăng trưởng ì ạch.

Trong dài hạn, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không còn lựa chọn nào khác ngoài việc kiên trì với chiến lược tái cân bằng nói trên của mình.

Nguyên nhân khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm trước đại dịch COVID-19 là chính phủ nước này duy trì thanh khoản cao trên thị trường.

Nhà nước đầu tư mạnh tay để tăng cường năng lực sản xuất, còn các công ty bất động sản khởi sắc nhờ nguồn cung vốn lãi suất thấp dồi dào. Hệ quả là, Trung Quốc hiện có một lượng lớn các nhà máy vận hành dưới công suất và nhà ở không có người mua.

Vậy tình trạng này có khiến Chính phủ Trung Quốc tránh can thiệp vào nền kinh tế hay không? Câu trả lời gần như chắc chắn là không. Giảm phát, kể cả khi chỉ là tạm thời, sẽ buộc giới chức nước này phải kích thích nhu cầu bằng cách hạ lãi suất và tăng chi tiêu công. Tuy nhiên, rất có thể là chính phủ sẽ chỉ có những can thiệp nhỏ hơn và có mục tiêu rõ ràng hơn trước đây.

Khánh Ly (Theo The Guardian)