Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 7/12 - 11/12: Hi vọng về gói cứu trợ bổ sung và vắc xin ngừa COVID-19
Khi áp lực gia tăng, các nhà lập pháp tại Đồi Capitol có thể sẽ phải khởi động một vòng đàm phán mới để thảo luận về gói cứu trợ bổ sung nhằm giúp đỡ hàng triệu người lao động và doanh nghiệp đang lao đao vì dịch bệnh.
Các hãng dược và chính phủ nhiều nước cũng đang tích cực triển khai việc phân phối vắc xin ngừa COVID-19, đơn cử như tại Mỹ và Anh.
Tại châu Âu, các cuộc đàm phán Brexit đang đi đến hồi kết và tại cuộc họp chính sách ngày 10/12 tới, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhiều khả năng sẽ mở rộng chương trình kích thích kinh tế hiện có để hỗ trợ nền kinh tế khu vực đồng euro.
Investing.com đã tổng hợp lại một số sự kiện có thể tác động đáng kể đến thị trường ngoại hối tuần này như sau:
1. Quốc hội Mỹ sẽ đàm phán gói cứu trợ bổ sung?
Báo cáo việc làm tháng 11 cho thấy thị trường lao động Mỹ chỉ tạo thêm 245.000 việc làm, thấp hơn nhiều so với kì vọng 440.000 và đe dọa làm chững lại đà phục hồi của nền kinh tế Mỹ.
Mức tăng trưởng việc làm thấp nhất trong 6 tháng qua càng khiến nhà đầu tư kì vọng Quốc hội Mỹ sẽ thông qua một dự luật kích thích tài khóa để giúp phục hồi nền kinh tế. Nếu Quốc hội không hành động nhanh chóng, hơn 13 triệu người lao động sẽ mất trợ cấp thất nghiệp vào ngày 26/12.
Đầu tuần trước, một nhóm nhà lập pháp lưỡng đảng đã đề xuất gói cứu trợ trị giá 908 tỉ USD. Tuy nhiên không rõ liệu Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell có ủng hộ một gói cứu trợ lớn như vậy hay không khi mà ông dường như chỉ muốn cấp khoảng 500 tỉ USD.
Ngoài ra, lưỡng đảng Mỹ cũng sẽ phải đối mặt với một hạn chót khác vào ngày 11/12 để thông qua dự luật chi ngân sách 1.400 tỉ USD hoặc chấp nhận nguy cơ đóng cửa chính phủ.
Các nhà phân tích chính trị cho rằng hai sự kiện trên có thể liên quan đến nhau, song Quốc hội cũng có thể thông qua dự luật chi ngân sách mà không bao gồm các biện pháp kích thích tài khóa bổ sung.
2. Bắt đầu triển khai vắc xin ngừa COVID-19
Trong tuần này, Anh sẽ là quốc gia đầu tiên tung ra loại vắc xin do hai hãng dược Pfizer và BioNTech phát triển.
Người dân Anh dự kiến sẽ được tiêm chủng những liều vắc xin đầu tiên vào ngày 8/12, trong đó ưu tiên cho các cụ già trên 80 tuổi, nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà và các nhóm dân cư khác.
Chính phủ Anh đã phê duyệt sử dụng khẩn cấp vắc xin của Pfizer vào tuần trước, trở thành nước đầu tiên bắt đầu chương trình tiêm chủng ngừa COVID-19 trên diện rộng trong lịch sử.
Tại Mỹ, vào ngày 10/12 tới, Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) sẽ bỏ phiếu về việc có cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin của Pfizer hay không. Sau đó, chính phủ có thể tiến hành đợt tiêm chủng ban đầu sớm nhất từ ngày 11/12 với hi vọng khoảng 20 triệu dân sẽ tiếp cận được vắc xin vào cuối năm nay.
3. Đàm phán Brexit đến hồi kết
Các nhà đàm phán của Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã tổ chức các cuộc thảo luận cuối cùng vào ngày 6/12 nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit trước khi thỏa thuận chuyển tiếp kết thúc trong ngày 31/12.
Nếu hai bên không đi đến thống nhất, sự kiện Brexit kéo dài 5 năm sẽ kết thúc lộn xộn như cách mà Anh và EU đang làm để kiểm soát thiệt hại kinh tế mà đại dịch COVID-19 gây ra.
Giới chuyên gia cảnh báo rằng viễn cảnh không có thỏa thuận sẽ gây ra sự gián đoạn lớn cho nền kinh tế Anh trong dài hạn. EU hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Anh, chiếm gần 47% kim ngạch thương mại của nước này vào năm 2019.
Theo Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách của Anh, nếu hai bên không đạt được thỏa thuận, đồng bảng Anh sẽ chịu ảnh hưởng và GDP của Anh có thể giảm thêm 2% trong năm 2021. Đồng thời, lạm phát cũng có thể gia tăng.
4. ECB thông báo mở rộng kích thích
Nền kinh tế đồng euro sẽ rơi vào suy thoái lần nữa trong quí IV. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch ECB Christine Lagarde dự kiến sẽ công bố một gói kích thích tài khóa khác vào ngày 10/12 tới.
Tháng 11, lạm phát của nền kinh tế EU đã ở mức âm trong tháng thứ 4 liên tiếp, cho thấy tình trạng này có thể kéo dài dai dẳng hơn so với lo ngại của các chuyên gia.
Lạm phát có thể sẽ là nội dung thảo luận chính tại cuộc họp chính sách hôm 10/12 của ECB vì các nhà hoạch định chính sách ngày càng lo lắng rằng một cuộc suy thoái sâu và kéo dài sẽ khiến các yếu tố giảm phát xuất hiện thường xuyên hơn.