Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này (6/1 - 10/1): Nóng bỏng trên cả mặt trận kinh tế lẫn quân sự
Theo Forex Crunch, đồng USD đã khởi động năm 2020 bằng một sự phục hồi nhẹ khi dần thu hồi lại được mức lỗ mà đồng tiền này phải chịu vào những ngày cuối năm 2019.
Trong tuần này, nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao tranh chấp thương mại Mỹ - Trung khi mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dự kiến sẽ đặt bút kí thỏa thuận giai đoạn một vào ngày 15/1 theo như tuyên bố của Tổng thống Trump.
Đồng thời, thị trường ngoại hối cũng không thể bỏ qua các động thái gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), khả năng Brexit không thỏa thuận và căng thẳng Trung Đông.
Đặc biệt, căng thẳng Mỹ - Iran ngày càng leo thang sau khi Mỹ không kích sân bay Baghdad, khiến tướng Qassem Soleimani thiệt mạng. Tehran khẳng định họ sẽ đáp trả bước đi của Mỹ và tuần này sẽ góp phần kiểm chứng lời đe dọa trên
1. Khu vực Eurozone công bố số liệu lạm phát, 17h ngày 7/1
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 của nền kinh tế khu vực Eurozone được nhận xét là khá đáng khích lệ.
Chỉ số CPI sơ bộ tháng 12 được dự đoán sẽ cho thấy lạm phát cơ bản vẫn duy trì ở mức 1,3%, còn lạm phát tiêu đề (headline CPI) sẽ tăng lên ngưỡng 1,3%. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang chờ đợi các số liệu kể trên để chuẩn bị cho hướng đi chính sách sắp đến.
2. Mỹ công bố chỉ số PMI phi sản xuất của Viện ISM, 22h ngày 7/1
Theo số liệu của Viện Quản lí Nguồn cung (ISM), ngành dịch vụ của nền kinh tế Mỹ đã mở rộng với tốc độ tương đối ổn định trong năm 2019, gần nhất đạt 53,9 điểm vào tháng 11.
Trong tháng 12, chỉ số PMI dịch vụ do Viện ISM tổng hợp dự kiến sẽ tăng lên mức 54,5 điểm. Chỉ số này còn đóng vai trò như một tín hiệu cho nhà đầu tư trước thềm bản báo cáo việc làm chính thức (dự kiến công bố hôm 10/1 tới).
3. Mỹ công bố bảng lương phi nông nghiệp của ADP, 20h15 ngày 8/1
Bảng lương ADP là một số liệu dự báo mức tăng trưởng của thị trường việc làm, không tính lĩnh vực nông nghiệp. Chỉ số này được công bố bởi một tổ chức tư nhân là Automatic Data Processing (ADP).
Tháng 11, ADP cho biết thị trường việc làm Mỹ chỉ đón nhận thêm 67.000 việc làm mới, tức dưới mức kì vọng. Tuy nhiên, thống kê của ADP có phần bị sai lệch do cuộc đình công kéo dài tại hãng chế tạo xe ô tô General Motors.
Số liệu tháng 12 của ADP có thể mang đến thông tin tích cực hơn, tương quan với tín hiệu tốt thể hiện trong báo cáo việc làm chính thức sắp công bố. Nếu hai số liệu này không trùng khớp, các chuyên gia dự đoán thị trường sẽ phản ứng lại.
4. ECB công bố biên bản cuộc họp tháng 12, 20h30 ngày 9/1
ECB sẽ công bố nội dung chi tiết cuộc họp chính sách tháng 12 vừa qua, vốn do tân Chủ tịch Christine Lagarde lần đầu tiên chủ trì.
Tài liệu trên có thể tiết lộ hướng đi trong tương lai của một trong các ngân hàng trung ương (NHTW) hàng đầu thế giới dưới sự quản lí mới của bà Lagarde. Hơn nữa, khi tân Chủ tịch ECB tuyên bố bắt đầu đánh giá chính sách của NHTW này, sẽ rất thú vị nếu biết được ECB đang hướng đến mục tiêu chính sách ôn hòa hay táo bạo hơn.
5. Mỹ công bố báo cáo việc làm chính thức, 20h30 ngày 10/1
Báo cáo việc làm chính thức tháng 11 là một cú hích lớn khi mà hơn 266.000 việc làm được tạo mới tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong tháng 11, số lượng việc làm không chỉ tăng so với các tháng trước mà thu nhập của người lao động cũng tăng 3,1% so với cùng kì năm ngoái, từ đó giúp đồng USD tăng mạnh.
Tuy nhiên, kì vọng cho báo cáo việc làm chính thức tháng 12 lại thận trọng hơn. Các nhà kinh tế dự đoán Mỹ sẽ chỉ tiếp nhận thêm 172.000 việc làm mới, trong khi thu nhập bình quân theo giờ dự kiến giữ nguyên ở mức 3,1%. Fed được cho là đang chờ đợi bản báo cáo này cho quyết định chính sách sắp tới.