|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 4/1 - 8/1: Đối mặt thách thức lớn đầu tiên của năm 2021

06:34 | 04/01/2021
Chia sẻ
Thị trường ngoại hối sẽ đối mặt với thách thức lớn đầu tiên của năm 2021 với cuộc chạy đua vào Thượng viện Mỹ của bang Georgia. Kế hoạch triển khai vắc xin sẽ tăng tốc khi kì nghỉ lễ kết thúc, song biến thể virus SARS-CoV-2 mới có thể làm chậm tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

Ngoài cuộc đua vào Thượng viện Mỹ và chiến dịch triển khai vắc xin, báo cáo việc làm tháng 12 của Mỹ và cuộc họp mới của liên minh dầu mỏ OPEC+ cũng nhiều khả năng sẽ thu hút sự chú ý của nhà đầu tư.

1. Căng thẳng trên mặt trận chính trị Mỹ

Theo Investing.com, thị trường dường như cảm thấy hài lòng với bố cục chính quyền tương lai, khi Tổng thống đắc cử Joe Biden lên nắm quyền, Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát và Thượng viện do Đảng Cộng hòa lãnh đạo.

Kịch bản trên giúp các gói kích thích quy mô lớn trong tương lai dễ dàng được thông qua, nhưng các đề xuất tăng thuế và thay đổi chính sách tiến bộ khác nhiều khả năng sẽ bị Đảng Cộng hòa cản trở.

Cuộc chạy đua ở bang Georgia sẽ quyết định đảng nào kiểm soát Thượng viện. Nếu một hoặc cả hai thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đương nhiệm có thể giữ vững ghế, tỷ lệ đa số mong manh của Đảng Cộng hòa ở Thượng viện sẽ được bảo toàn.

Tuy nhiên, cuộc đua hiện lại khá suýt soát. Nếu Đảng Dân chủ chiếm cả hai ghế thượng nghị sĩ trên, mỗi đảng sẽ có 50 ghế trong Thượng viện. Khi đó, Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ là người định đoạt kết quả cuối cùng.

Ở diễn biến khác, khoảng 11 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa dự kiến sẽ thách thức chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden khi Quốc hội nhóm họp vào ngày 6/1 để kiểm phiếu đại cử tri.

Mặc dù động thái của 11 thượng nghị sĩ trên được dự đoán sẽ không gây tác động lớn đến kết quả cuộc bầu cử, tình trạng bất đồng sâu sắc giữa lưỡng đảng có thể là điềm xấu cho chính trường Mỹ trong năm 2021.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 4/1 - 8/1: Đối mặt thách thức lớn đầu tiên của năm 2021 - Ảnh 1.

Cuộc chạy đua vào Thượng viện Mỹ dự kiến sẽ tác động mạnh đến thị trường ngoại hối tuần này. (Ảnh minh họa: Getty Images).

2. Triển khai vắc xin

Khi số ca nhiễm COVID-19 mới tại Mỹ tiếp tục tăng cao và tốc độ tiêm chủng chậm hơn dự kiến, Thượng nghị sĩ Mitt Romney đã thúc giục chính phủ Mỹ yêu cầu các bác sĩ thú y và chuyên gia y tế đặc biệt tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19.

Dù Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt hai vắc xin ngừa COVID-19, công việc triển khai vắc xin lại diễn ra chậm hơn so với tính toán của chính phủ. Tính đến ngày 31/12/2020, chỉ khoảng 2,8 triệu người Mỹ tiếp nhận vắc xin, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 20 triệu người.

Trung bình, Mỹ đang báo cáo khoảng 186.000 ca nhiễm mới/ngày, giảm so với mức đỉnh hơn 218.000 ca/ngày hồi giữa tháng 12/2020. Các quan chức y tế cảnh báo rằng số ca bệnh mới có thể tăng đột biến trở lại sau kì nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới.

3. Báo cáo việc làm tháng 12 của Mỹ

Điểm nhấn dữ liệu đáng chú ý đầu năm 2021 sẽ là báo cáo việc làm tháng 12 của Mỹ, công bố vào ngày 8/1. Theo giới phân tích, số liệu mới nhất có thể cho thấy thị trường lao động Mỹ đang mất dần đà phục hồi.

Dữ liệu tháng 11 đã chỉ ra rằng thị trường việc làm của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang suy yếu. Trong tháng 11, nền kinh tế Mỹ chỉ tạo thêm 245.000 việc làm, mức thấp nhất trong 6 tháng. Tháng 12, thị trường lao động Mỹ được dự đoán chỉ đón nhận thêm 100.000 việc làm mới.

Ngoài báo cáo việc làm tháng 12, nhà đầu tư cũng có thể đón đọc chỉ số sản xuất của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), công bố vào ngày 6/1; và số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần, công bố ngày 7/1.

Ngoài ra, một số diễn giả của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), bao gồm Phó Chủ tịch Richard Clarida, sẽ có bài phát biểu trong ngày 8/1.

4. OPEC+ tranh luận về cung - cầu dầu thô

Ngày 4/1, liên minh dầu mỏ OPEC+ sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến. Sau khi hợp đồng tương lai dầu thô rơi xuống khu vực âm lần đầu tiên trong lịch sử hồi tháng 4/2020, giá dầu kết thúc năm 2020 với mức tăng tương đối tích cực.

Trong cuộc họp tháng 12, OPEC+ đã hoãn kế hoạch tăng sản lượng 2 triệu thùng/ngày sau khi thực hiện giảm nguồn cung kỉ lục 7,7 triệu thùng/ngày hồi giữa năm 2020 để thúc đẩy giá dầu.

Thay vào đó, OPEC+ chỉ nhất trí tăng nguồn cung khiêm tốn 500.000 thùng/ngày và nhất trí rằng mức điều chỉnh bổ sung hàng tháng trong tương lai sẽ không vượt qua mức này.

Nga dường như ủng hộ tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày từ tháng 2/2021, bất chấp lo ngại từ các thành viên OPEC+ khác rằng vẫn còn quá sớm để thực hiện thay đổi đó.

Yên Khê

Đánh thuế BĐS: Kiểm soát đầu cơ hay tạo thêm gánh nặng?
Nếu chỉ áp dụng mỗi biện pháp đánh thuế thì sẽ khó ngăn chặn hiệu quả việc thao túng giá bất động sản mà ngược lại còn có tác dụng tiêu cực nếu chính sách tiền tệ và tài khóa đi theo xu hướng ngược lại là hỗ trợ tăng trưởng.