|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 31/8 - 4/9: Dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế thế giới qua các dữ liệu mới

06:50 | 31/08/2020
Chia sẻ
Tuần này, nhà đầu tư ngoại hối sẽ theo dõi báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ, chỉ số PMI của Trung Quốc và số liệu của châu Âu để có một cái nhìn tổng quan hơn về sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh báo cáo việc làm của Mỹ, PMI Trung Quốc, thị trường ngoại hối cũng sẽ để mắt đến bài phát biểu của các quan chức hàng đầu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sau loạt bình luận của Chủ tịch Jerome Powell tuần trước.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 31/8 - 4/9: Đà phục hồi của nền kinh tế thế giới qua các dữ liệu mới - Ảnh 1.

Nhà đầu tư chắc chắn sẽ quan tâm đến khả năng phục hồi của nền kinh tế Mỹ. (Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images)

1. Báo cáo việc làm tháng 8 của Mỹ

Nhà đầu tư đang nín thở chờ đợi báo cáo việc làm chính thức của tháng 8 do lo ngại rằng sự phục hồi của thị trường việc làm Mỹ đang bị đình trệ vì số đơn xin nhận trợ cấp thất nghiệp liên tục dao động ở mức 1 triệu hồ sơ/tuần. Theo Investing.com, bản báo cáo này dự kiến công bố ngày 4/9.

Các chuyên gia dự đoán nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ có thêm 1,4 triệu việc làm trong tháng 8, giảm nhẹ so với con số 1,76 triệu hồi tháng 7. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ giảm từ 10,2% của tháng 7 xuống 9,8%.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác suy đoán rằng báo cáo việc làm có thể yếu hơn sau khi dữ liệu về niềm tin người tiêu dùng gần đây khá tiêu cực, cho thấy người dân đang lo lắng về số ca nhiễm COVID-19 liên tục tăng và cơ hội việc làm không ổn định trong tương lai.

Ngoài ra, số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần (công bố vào ngày 3/9 tới) sẽ cung cấp một cái nhìn sơ bộ về thị trường lao động Mỹ, đặc biệt là sau khi số liệu của các tuần trước cho thấy giai đoạn phục hồi tiếp theo của thị trường đang chững lại đáng kể.

2. Quan chức cấp cao của Fed phát biểu

Nhà đầu tư sẽ có cơ hội lắng nghe quan điểm của ba quan chức Fed trong khi tiếp tục phân tích chiến lược mới của ngân hàng trung ương Mỹ mà Chủ tịch Jerome Powell thông báo tuần trước tại hội nghị chuyên đề ở Jackson Hole.

Phó Chủ tịch Richard Clarida sẽ phát biểu về khuôn khổ chính sách tiền tệ mới của Fed vào ngày 31/8. Một ngày sau, Thống đốc Lael Brainard cũng dự kiến đưa ra nhận xét về khung chính sách mới. Cuối cùng, Chủ tịch Fed khu vực New York John Williams sẽ thảo luận về nền kinh tế Mỹ và đại dịch COVID-19 vào ngày 2/9.

Sau đó, Fed sẽ bước vào giai đoạn "im ắng" trước thềm cuộc họp chính sách tiếp theo, dự kiến diễn ra trong hai ngày 15 và 16/9.

3. Khả năng phục hồi kinh tế của EU

Theo dự đoán của các chuyên gia, số liệu lạm phát của khu vực đồng euro (công bố ngày 1/9) có thể không tăng đáng kể trong tháng 8. Trong khi đó, số liệu thất nghiệp công bố cùng ngày dự kiến sẽ tăng nhẹ.

Dữ liệu về số lượng đơn đặt hàng công nghiệp của Đức tháng 7 - công bố ngày 4/9, có thể chỉ phục hồi chậm.

Nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi bình luận từ một số nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) gồm Phó Chủ tịch Luis de Guindos, nhà kinh tế trưởng Phillip Lane cùng hai thành viên Hội đồng Thốc đốc Jens Weidmann và Klaas Knot.

4. PMI của Trung Quốc

Báo cáo PMI tháng 8 của Trung Quốc, công bố trong hai ngày 31/8 và 1/9, sẽ cung cấp thông tin về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Chỉ số PMI sản xuất chính thức công bố ngày 31/8 dự kiến tăng nhẹ từ 51,1 điểm hồi tháng 7 lên 51,2 điểm trong tháng 8. Còn chỉ số PMI sản xuất của Caixin (công bố ngày 1/9) dự kiến giảm từ 52,8 điểm tháng 7 xuống 52,7 điểm trong tháng 8.

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc đang dần quay trở lại mức trước đại dịch. Nhu cầu tăng nhanh, cơ sở hạ tầng nhận được nhiều kích thích của chính phủ và hoạt động xuất khẩu ổn định là những yếu tố thúc đẩy đà phục hồi. Tuy nhiên, tiêu dùng cá nhân đang tụt lại phía sau vì người dân Trung Quốc vẫn còn khá thận trọng về chi tiêu tiêu dùng.

Khả Nhân