Quan điểm mới của Fed về lạm phát có thể giữ lãi suất ở mức thấp trong thời gian dài
Theo CNBC, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã công bố một sự thay đổi chính sách lớn trong hôm nay (27/8) cho rằng họ sẵn sàng cho phép lạm phát tăng nóng hơn bình thường để hỗ trợ thị trường lao động và nền kinh tế.
Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Fed đã chính thức đồng ý với chính sách "mục tiêu lạm phát trung bình". Điều đó có nghĩa là họ sẽ cho phép lạm phát chạy "vừa phải" trên ngưỡng mục tiêu 2% trong một thời gian sau giai đoạn lạm phát duy trì dưới ngưỡng này.
Những thay đổi này đã được hệ thống hóa trong một kế hoạch chi tiết chính sách có tên "Tuyên bố về các mục tiêu dài hạn và chiến lược chính sách tiền tệ", được thông qua lần đầu vào năm 2012, cho biết về cách tiếp cận của Fed đối với lãi suất và tăng trưởng kinh tế nói chung.
Trên thực tế, động thái này có nghĩa là Fed sẽ ít có khả năng tăng lãi suất khi tỉ lệ thất nghiệp giảm, miễn là lạm phát không tăng lên. Từ trước đến nay, giới chức của Fed cho rằng tỉ lệ thất nghiệp thấp khiến lạm phát tăng cao hơn là điều rất nguy hiểm và họ đã chủ động đổi hướng tiếp cận.
Ông Powell nói rằng "nhiều người nhận thấy rằng Fed muốn đẩy lạm phát lên cao là điều trái ngược với trực quan", tuy nhiên lạm phát liên tục ở mức quá thấp có thể gây ra rủi ro nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Bài phát biểu của ông ban đầu không gây phản ứng mạnh mẽ nhưng sau đó thị trường chứng khoán tương lại đã tăng cao hơn.
Ông cũng lưu ý rằng mặt bằng lãi suất đã giảm đáng kể trong những năm qua và có khả năng vẫn ở đó. Ông so sánh tình hình hiện tại với những gì Fed phải đối mặt cách đây 40 năm, khi Chủ tịch Paul Volcker đưa ra một loạt đợt tăng lãi suất gây tranh cãi nhằm giảm lạm phát.
Trong những năm qua, những thay đổi về các yếu tố cơ bản của nền kinh tế, chẳng hạn như nhân khẩu học và công nghệ đã chuyển trọng tâm chú ý của Fed sang lạm phát, chỉ đang ở mức rất thấp.
Theo ông Powell, tình huống này có thể dẫn đến kì vọng về lạm phát trong dài hạn giảm và kéo mức lạm phát thực tế xuống thấp hơn nữa. Từ đó, dẫn tới một chu kì bất lợi là lạm phát và kì vọng lạm phát ngày càng thấp. Khi đó, các nhà hoạch định chính sách không còn nhiều dư địa để hạ lãi suất trong thời kì căng thẳng kinh tế.
Các quan chức hi vọng rằng cách tiếp cận mới sẽ thay đổi cục diện, nâng cao kì vọng và cho phép lạm phát tăng cao hơn.