|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này (30/9 - 4/10): 'Vua của các chỉ số ngoại hối' cùng loạt dữ liệu kinh tế toàn cầu sắp được công bố

07:12 | 30/09/2019
Chia sẻ
Trên thị trường ngoại hối tuần này, số liệu biên chế phi nông nghiệp - "vua của các chỉ số ngoại hối" và nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng khác đang chờ đợi nhà đầu tư.

Triển vọng thị trường ngoại hối tuần 30/9 - 4/10

Sau một tuần giao dịch hỗn loạn làm gia tăng sức mạnh của đồng USD, quí IV bắt đầu với một một loạt dữ liệu kinh tế mới.

Số liệu biên chế phi nông nghiệp và nhiều sự kiện quan trọng khác đang chờ đợi nhà đầu tư. Trong đó, chỉ số PMI của khu vực Eurozone cho thấy nền kinh tế của lục địa già sắp rơi vào một cuộc suy thoái, đè nặng lên đồng EUR. Cùng lúc này, đàm phán thương mại Mỹ - Trung chưa tiến triển nhiều và làm xáo trộn tâm lí chung.

Forex Crunch đã tổng hợp một số sự kiện tiêu biểu sẽ diễn ra trong tuần giao dịch 30/9 - 4/10 như sau:

Chỉ số PMI của Trung Quốc, ngày 30/9

Chính phủ Trung Quốc sẽ công bố chỉ số PMI chính thức vào lúc 1h GMT và số liệu PMI Caixin vào lúc 1h45.

1

Ảnh: ISTOCK

Lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chững lại đáng kể do cuộc chiến thương mại với Mỹ cũng như do sự chuyển đổi của đông đảo người lao động sang lĩnh vực dịch vụ và tiêu dùng.

Hồi tháng 8, chỉ số PMI chính thức đạt 49,5 điểm, chỉ ngay dưới ngưỡng 50 thường dùng để đánh dấu sự co lại hoặc mở rộng của lĩnh vực sản xuất. Trong khi đó, chỉ số PMI Caixin, một khảo sát độc lập khác, đạt 50,4 điểm.

Nếu hai số liệu trên đều giảm xuống dưới ngưỡng 50, tâm lí nhà đầu tư sẽ biến chuyển xấu, từ đó thúc đẩy nhu cầu trú ẩn vào đồng USD và đồng JPY.

GDP chính thức của Anh, ngày 30/9

Theo dữ liệu ban đầu, nền kinh tế Anh đã đình trệ vào quí II sau khi ghi nhận tín hiệu tích cực vào quí đầu tiên của năm 2019. Số liệu chính thức cho quí III nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi xuống.

Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) quyết định lãi suất, ngày 1/10

Sau khi nới lỏng chính sách lần lượt vào tháng 6 và 7/2019, trong hai phiên họp gần nhất, RBA đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 1%.

Mặc dù ngân hàng trung ương Australia vẫn để ngỏ cánh cửa nới lỏng chính sách trong tương lai, họ nhiều khả năng sẽ giữ nguyên "tay cương" một lần nữa. Các bình luận về nền kinh tế nội địa cũng như toàn cầu sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.

Dữ liệu lạm phát khu vực Eurozone, ngày 1/10

Các nhà hoạch định chính sách đã kiểm soát lạm phát tương đối tốt trước đợt suy thoái mới đấy, tuy nhiên sự chững lại của nền kinh tế khu vực có thể gây áp lực lên giá hàng hóa.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sơ bộ của tháng 9 có thể tiếp tục duy trì quanh mức 1% ghi nhận trong tháng 8. Chỉ số CPI chủ chốt, vốn thu hút nhiều sự chú ý hơn, được dự đoán rơi vào khoảng 0,9%. Nhìn chung, bất kì dấu hiệu suy yếu nào cũng có thể đè nặng lên đồng EUR.

Canada công bố GDP, ngày 1/10

Canada sẽ công bố số liệu GDP tháng nhằm cho phép nhà hoạch định chính sách và thị trường đánh giá nền kinh tế nước này. Tăng trưởng đã tăng vượt dự đoán trong 4 tháng qua. Số liệu gần nhất của tháng 6 cho thấy nền kinh tế Canada đã tăng trưởng 0,2%.

Chỉ số PMI sản xuất của Viện Quản lí Cung ứng Mỹ (ISM), ngày 2/10

Mặc dù lĩnh vực sản xuất chiếm tỉ trọng tương đối nhỏ trong nền kinh tế Mỹ, nó vẫn đóng vai trò quan trọng. Chỉ số PMI sản xuất của viện ISM đã gây thất vọng nặng nề vào tháng 8, khi mà nó giảm xuống 49,1 điểm.

Nếu tăng trên mức 50 điểm, chỉ số này có thể giảm bớt lo ngại về suy thoái kinh tế, tuy nhiên nhìn chung chưa có gì đảm bảo trong tầm tay.

PMI dịch vụ của Anh, ngày 3/10

Chuỗi dữ liệu PMI của Markit sẽ tiếp tục với "màn ra mắt" của chỉ số PMI dịch vụ, lĩnh vực giữ vai trò chủ chốt trong nền kinh tế Anh.

Trái với lĩnh vực sản xuất và xây dựng, ngành dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tốt trong tháng 8. Cụ thể, chỉ số PMI thuộc lĩnh vực dịch vụ đã đạt 50,6 điểm vào tháng trước. Nhà đầu tư đang trông ngóng số liệu mới nhất nhằm ghi nhận cái nhìn mới về nền kinh tế Anh khi thời hạn Brexit cận kề.

Số liệu biên chế phi nông nghiệp của Mỹ, ngày 4/10

"Vị vua của các chỉ số ngoại hối" này sẽ khuấy đảo thị trường và đóng vai trò định hình cho quyết định lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.

Tăng trưởng việc làm đã chững lại ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, khi chỉ tăng khiêm tốn 130.000 việc làm trong tháng 8 sau khi ghi nhận kết quả không mấy ấn tượng 159.000 việc làm hồi tháng 7.

Thị trường việc làm cần tăng hơn 200.000 vị trí để thuyết phục thị trường rằng nền kinh tế Mỹ vẫn hoạt động trơn tru. Mặt khác, tăng trưởng tiền lương đã tăng tốc vào tháng 8, ghi nhận bước nhảy vọt 0,4%.

Khả Nhân