Thị trường ngoại hối hôm nay (27/9): Loạt dữ liệu kinh tế 'buồn' cản bước đồng EUR
Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay
Hôm nay (27/9), vào lúc 17h15 giờ Việt Nam có 5/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 5 cặp còn lại tăng điểm.
Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản (Nguồn: Investing.com)
Trong khi đó, cặp EUR/GBP tăng cao nhất với mức tăng 0,25% và cặp GBP/USD giảm nhiều nhất với mức giảm 0,22%.
Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ (Nguồn: Investing.com)
Loạt dữ liệu kinh tế buồn của khu vực đồng tiền chung EUR
Trong phiên giao dịch sớm hôm nay, đồng EUR đã lơ lửng ngay trên mức thấp kỉ lục mới của năm 2019 so với đồng USD, khi mà lo ngại xoay quanh tăng trưởng và lạm phát giữ đồng tiền chung ở thế "phòng thủ", bên cạnh làn sóng quan ngại mới về Brexit vào cuối tháng tới.
Trong khi đó, đồng bảng (GBP) giảm khoảng nửa xu so với đồng USD và sụt nhẹ trước đồng EUR sau khi ông Michael Saunders, "diều hâu" trong Hội đồng Chính sách Tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), cho biết bất ổn về kinh tế phải kéo theo lãi suất thấp hơn.
Ngoài ra, ông Saunders còn nói thêm rằng Brexit không thỏa thuận có thể gây rối bước đi chính sách trên.
Mức sụt giảm của đồng EUR và GBP trong tuần này đã đẩy chỉ số USD Index lên mức cao nhất trong ba tuần. Vào lúc 3h45 sáng (7h45 GMT), chỉ số dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ ghi nhận ở ức 98,917, giảm một nấc so với mức cao đêm qua là 98,958.
Trong phiên giao dịch tại châu Á, đồng EUR đã giảm xuống mức thấp là 1,095 USD vào đêm qua. Tính từ đầu năm đến nay, đồng tiền chung của khu vực Eurozone đang giảm 4,6% so với đồng USD.
Theo Reuters, đây là mức sụt giảm tồi tệ nhất trong số tất cả đồng tiền quan trọng trước đồng bạc xanh.
Vào lúc 3h45 sáng, cặp tỷ giá EUR/USD đang duy trì quanh mức 1,0922 USD, ít thay đổi so với cuối phiên giao dịch hôm 26/9.
Trong một lưu ý ra ngày hôm nay, các nhà phân tích tại Landesbank Hessen-Thueringen cho biết nếu mức đáy 1,0925 USD bị phá vỡ một cách thuyết phục, đồng EUR có thể ổn định trong phạm vi giao dịch 1,087 USD - 1,097 USD.
Dữ liệu mới công bố hôm nay cho thấy giá hàng hóa xuất khẩu của Đức - một chỉ số kinh tế quan trọng dùng để dự đoán xu hướng lạm phát, đã giảm 0,6% trong tháng 8, trong khi dự báo chỉ đưa ra mức giảm 0,3%.
Dữ liệu lạm phát tiêu dùng của Pháp cũng thấp hơn kì vọng của thị trường, báo hiệu nhiều "điềm gở" cho nền kinh tế đồng tiền chung châu Âu.
Loạt số liệu kinh tế này chỉ đến một ngày sau khi bà Sabine Lautenschalaeger từ chức khỏi vị trí hội đồng quản trị của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), một động thái mà nhiều người cho là nhằm phản đối quyết định nới lỏng định lượng của Chủ tịch Mario Draghi hồi tháng 11 tới.
Bà Lautenschlaeger cũng không đưa ra lí do cho sự ra đi của mình, mặc cho có nhiều đồn đoán xoay quanh.
Bên cạnh đó, nhà kinh tế trưởng Philip Lane của ECB cũng gợi ý rằng ngân hàng trung ương này vẫn còn không gian để nới lỏng chính sách tiền tệ khi tân Chủ tịch Christine Lagarde tiếp quản công việc vào tháng 11.
Cũng trong hôm nay, CNBC dẫn nguồn tin thân cận cho biết cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung dự kiến sẽ diễn ra trong hai ngày 10 và 11/10 tại Washington. Cuộc đàm phán này bắt đầu đúng 5 ngày trước khi Mỹ dự định tăng thuế suất lên hàng trăm tỉ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/10.