Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 3/2 - 7/2: Virus corona tiếp tục đeo bám, Mỹ công bố báo cáo việc làm, RBA quyết định lãi suất
Thị trường tài chính ở Trung Quốc đại lục sẽ mở cửa trở lại vào ngày 3/2 sau khi chính quyền Bắc Kinh kéo dài kì nghỉ Tết Nguyên đán do chủng virus corona mới bùng phát.
Theo Reuters, nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi tác động của virus corona đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 20h (giờ Việt Nam) ngày 2/2, ngoài Trung Quốc đã có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận các ca nhiễm dịch viêm phổi Vũ Hán. Số trường hợp nhiễm bệnh trên toàn thế giới hiện đã chạm mốc 14.642 và số ca tử vong là 305.
Ngoài ra, thị trường cũng sẽ để mắt đến báo cáo việc làm đầu tiên của Mỹ trong năm 2020 và cuộc họp chính sách của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA).
1. Thị trường tài chính Trung Quốc giao dịch trở lại, nhà đầu tư có khả năng bán tháo mạnh tay
Thị trường tài chính ở Trung Quốc đại lục sẽ mở cửa trở lại vào ngày 3/2. Nhà đầu tư có thể sẽ phải chuẩn bị tâm lí để bắt kịp thị trường toàn cầu khi mà hoạt động bán tháo diễn ra mạnh mẽ trong thời gian gần đây do sự bùng phát của dịch virus corona.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đang chuẩn bị áp dụng các biện pháp kích thích mới như bơm thêm hơn 174 tỉ USD thanh khoản vào hệ thống tài chính và hỗ trợ các doanh nghiệp chịu thiệt hại bởi virus corona.
Nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus đã gây ra sự gián đoạn lớn và có thể giáng đòn mạnh vào tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cũng như toàn cầu.
Chỉ riêng vào năm ngoái, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã kéo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống 6% - mức thấp nhất trong gần ba thập kỉ và thậm chí còn kéo tụt tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ mức 3,6% trong năm 2018 xuống còn 3%.
2. Tác động kinh tế của virus corona trên toàn cầu
Trung Quốc vốn đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, do đó hiệu ứng gợn sóng bắt nguồn từ dịch viêm phổi Vũ Hán ở nước này cũng đang được cảm nhận sâu rộng ở nhiều nền kinh tế khác.
Các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của Trung Quốc cũng đã chứng kiến đồng tiền của họ rớt giá mạnh. Đồng đô la Úc (AUD) đã giảm gần 5% trong tháng 1, tháng tồi tệ nhất kể từ năm 2016.
Chứng khoán toàn cầu cũng sụt giảm, với các chỉ số chính của Phố Wall giảm hơn 1,5% vào hôm 1/2, đánh dấu tuần tồi tệ nhất trong 6 tháng qua.
Các nhà kinh tế lo ngại virus corona có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đại dịch SARS năm 2003 vì đóng góp vào nền kinh tế thế giới của Trung Quốc hiện nay còn lớn hơn trước rất nhiều.
Họ từng ước tính tổng thiệt hại của nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch SARS là khoảng 33 tỉ USD.
3. Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 1, quan chức Fed phát biểu
Theo Reuters, các chuyên gia dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ đón nhận thêm 161.000 việc làm mới trong tháng 1, trong khi tăng trưởng tiền lương dự kiến sẽ tăng lên 3% sau khi giảm xuống còn 2,9% trong tháng 12/2019.
Bất kì dấu hiệu đình trệ nào trong mức tăng trưởng tiền lương đều có thể báo hiệu rằng chi tiêu của người dân Mỹ đang giảm xuống. Bản báo cáo việc làm trên dự kiến sẽ được công bố vào ngày 7/2.
Trong khi đó, chỉ số sản xuất của Viện Quản lí Nguồn cung (ISM) được dự đoán sẽ tăng nhẹ sau khi Mỹ - Trung đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Số liệu này sẽ được công bố hôm 3/2.
Một số quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra bình luận trong tuần này sau khi giữ nguyên lãi suất chuẩn tại cuộc họp chính sách tháng 1. Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng sẽ có đưa ra Thông điệp Liên bang vào hôm 4/2.
Ở diễn biến khác, khu vực Eurozone sẽ công khai doanh số bán lẻ tháng 12 vào ngày 5/2, trong khi Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde sẽ điều trần về triển vọng kinh tế trước các nhà lập pháp châu Âu vào hôm 6/2.
4. RBA có cắt giảm lãi suất hay không?
RBA dự kiến sẽ công bố quyết định chính sách mới nhất vào hôm 4/2. Bất chấp tỉ lệ thất nghiệp gần đây khá thấp, tình trạng khẩn cấp sau đợt cháy rừng kéo dài cùng mối đe dọa đối với triển vọng kinh tế do virus corona gây ra có thể buộc RBA hạ lãi suất 25 điểm cơ bản.
Ngay cả khi các nhà hoạch định chính sách giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp này, một tuyên bố ôn hòa hơn có thể chỉ ra rằng việc cắt giảm lãi suất sớm muộn sẽ xảy ra.
Lạm phát của Australia đã tăng cao hơn trong quí cuối cùng của năm 2019, tuy nhiên vẫn ở dưới mức mục tiêu 2 - 3% của RBA. Việc lạm phát liên tục không đạt ngưỡng mục tiêu là một trong những lí do RBA hạ lãi suất ba lần xuống mức thấp nhất mọi thời đại (1,75%) hồi năm ngoái.