|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 2/3 - 6/3: Dịch virus corona bao trùm các cuộc họp quan trọng của giới tài chính

06:49 | 02/03/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh lo ngại về tác động của dịch virus corona chưa dứt, nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao bình luận từ các quan chức Fed, diễn biến bầu cử Mỹ năm 2020, cuộc họp chính sách tiền tệ của BoC và phiên nhóm họp của OPEC về cắt giảm sản lượng dầu thô.

Tuần này sẽ bắt đầu tương đối ảm đạm sau dữ liệu kinh tế "buồn" mà chính phủ Trung Quốc công bố vào ngày 29/2 vừa qua, trong đó cho thấy lĩnh vực sản xuất và dịch vụ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vừa có đợt thu hẹp kỉ lục do ảnh hưởng của dịch virus corona (COVID-19).

Theo tổng hợp của Investing.com, các chỉ số kinh tế trên cho thấy tác động tiềm tàng của dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu chứ không chỉ dừng lại ở Trung Quốc.

Nhà đầu tư do đó sẽ theo dõi sát sao bình luận từ các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng như diễn biến bầu cử Mỹ năm 2020 và cuộc họp của OPEC về cắt giảm sản lượng.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 2/3 - 6/3: Dịch virus corona bao trùm các cuộc họp quan trọng của giới tài chính - Ảnh 1.

Dịch virus corona sẽ là chủ đề bao trùm sự kiện tài chính tuần này. (Ảnh: Action Forex)

1. Dữ liệu kinh tế Mỹ và bình luận của quan chức Fed

Kết quả hai cuộc khảo sát về hoạt động sản xuất của nền kinh tế Mỹ từ Markit và Viện Quản lí Nguồn cung (ISM) - dự kiến công bố hôm 2/3 - sẽ cho nhà đầu tư cơ hội đánh giá tác động kinh tế của dịch virus corona.

Bên cạnh đó, báo cáo thị trường việc làm tháng 2 cũng sẽ thu hút nhiều sự chú ý trong bối cảnh nhà đầu tư muốn nắm bắt sức mạnh của thị trường việc làm Mỹ trước khi dịch virus corona lan rộng hơn nữa.

Theo dự báo, thị trường việc làm Mỹ trong tháng 2 sẽ đón nhận thêm 175.000 việc làm mới, chững lại so với 225.000 việc làm trong tháng 1.

Ngoài ra, nhiều quan chức Fed cũng sẽ có bài phát biểu trong tuần này, gồm Chủ tịch Fed khu vực Cleveland Loretta Mester, Chủ tịch Fed khu vực St. Louis James Bullard, Chủ tịch Fed khu vực Dallas Robert Kaplan, Chủ tịch Fed khu vực Minneapolis Neel Kashkari và Chủ tịch Fed khu vực New York John Williams.

Khả năng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 3 tới đã tăng lên trong tuần qua, khi mà nền kinh tế Mỹ dường như cũng không thể tránh được con sóng dữ mang tên virus corona. Hôm 28/2, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho hay ngân hàng trung ương Mỹ sẽ "hành động phù hợp" khi dịch virus corona gây ra "rủi ro ngày càng lớn" với nền kinh tế này.

2. Thứ Ba nhộn nhịp

Vào ngày thứ Ba (3/3), nhà đầu tư trên toàn cầu sẽ hướng đến cuộc bỏ phiếu sơ bộ tại 14 tiểu bang của Mỹ nhằm tìm kiềm ứng viên đại diện Đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống năm nay.

Thị trường đang chờ xem liệu Thượng nghị sĩ Bernie Sanders có thể củng cố vị thế dẫn đầu của mình trước các đối thủ như cựu Phó Tổng thống Joe Biden hay cựu Thống đốc thành phố New York Michael Bloomberg hay không.

Trong khi nhà đầu tư chủ yếu theo dõi diễn biến của dịch virus corona hơn, một số nhà phân tích cho hay sự trỗi dậy của ông Sanders trong các cuộc bỏ phiếu sơ bộ cũng góp phần đẩy mạnh hoạt động bán tháo thời gian gần đây.

Một số nhà đầu tư còn lưu ý rằng biến động liên tục trên thị trường do lo ngại suy thoái kinh tế có thể làm xói mòn niềm tin của công chúng Mỹ dành cho ông Donald Trump.

3. Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) có khả năng hạ lãi suất

BoC sẽ tổ chức cuộc họp chính sách vào ngày 4/3 tới. Biến động trên thị trường tài chính do lo ngại dịch virus corona có thể làm tăng khả năng BoC cắt giảm lãi suất, mặc dù các số liệu kinh tế như thị trường việc làm và lạm phát đều duy trì ổn định và phù hợp với mục tiêu của ngân hàng trung ương này.

"BoC nổi tiếng là hay hành động sớm và đôi khi gây bất ngờ cho thị trường. Chúng tôi nghĩ họ có thể cắt giảm lãi suất nhẹ tay trong cuộc họp tới. Nhìn chung, BoC có nhiều không gian để củng cố chính sách tiền tệ hơn so với hầu hết thị trường phát triển khác", nhóm nhà phân tích tại ING cho hay.

4. OPEC nhóm họp để bàn về các thách thức đối với triển vọng nhu cầu dầu mỏ

OPEC và các đồng mình như Nga, được gọi là OPEC+, sẽ gặp mặt tại Vienna hôm 5/3 và 6/3 tới để thảo luận về tác động của dịch virus corona đối với nhu cầu dầu mỏ thế giới.

Trong phiên giao dịch hôm 28/2, giá dầu Brent và WTI đều sụt giảm mạnh. Chỉ tính trong tuần trước, giá dầu Brent đã lao dốc gần 14% - mức giảm mạnh nhất theo tuần kể từ tháng 1/2016, trong khi giá dầu WTI tụt hơn 16% - mức giảm mạnh nhất theo tuần kể từ tháng 12/2008.

"OPEC+ sẽ phải thực hiện cắt giảm sản lượng dầu mỏ mạnh tay hơn do giá dầu tiếp tục đà giảm", ông Edward Moya - chiến lược gia cao cấp tại OANDA cho hay.

Khả Nhân