|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 16/3 - 20/3: Fed ấn định lãi suất, Bộ trưởng tài chính EU nhóm họp và tác động của dịch COVID-19 qua những con số

06:07 | 16/03/2020
Chia sẻ
Thu hút sự chú ý nhiều nhất trong tuần này có thể kể đến cuộc họp chính sách của Fed, tại đó nhà đầu tư dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất mạnh tay để bù đắp thiệt hại của dịch COVID-19. Ngoài ra, COVID-19 còn là chủ đề bao trùm nội dung cuộc họp của nhóm bộ trưởng tài chính EU, phiên họp chính sách của BoJ cùng loạt dữ liệu kinh tế khác.

Sau một tuần chứng kiến thị trường toàn cầu lao dốc vì tác động của dịch COVID-19, các ngân hàng trung ương (NHTW) thế giới sẽ phải chịu nhiều áp lực hơn để có thể duy trì dòng chảy hỗ trợ cho nền kinh tế và cho các đối tượng chịu thiệt hại nặng nề nhất trong dịch.

Sau đợt hạ lãi suất khẩn cấp hiếm hoi 50 điểm cơ bản hồi đầu tháng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ xuống gần mức 0 vào ngày 18/3 tới.

Một số NHTW khác như của Nhật Bản, Thụy Sĩ và Nga cũng dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp chính sách trong tuần nay.

Theo Reuters, nhà đầu tư sẽ quan sát kĩ thông tin về diễn biến dịch COVID-19 tại Mỹ cũng như cuộc họp cấp bộ trưởng tài chính tại Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài ra, dữ liệu kinh tế Mỹ, Trung Quốc và khu vực Eurozone cũng sẽ là tâm điểm thu hút sự chú ý trong tuần.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 16/3 - 20/3: Fed ấn định lãi suất, bộ trưởng tài chính EU nhóm họp và tác động của dịch COVID-19 qua dữ liệu kinh tế mới - Ảnh 1.

Nguồn: poundsterlinglive.com

Fed sẽ hạ lãi suất mạnh tay đến đâu?

Trước thềm cuộc họp ấn định lãi suất của Fed vào ngày 18/3 tới, câu hỏi quan trọng lúc này là NHTW Mỹ sẽ hạ lãi suất bao nhiêu và có thêm biện pháp nào khác dưới hình thức nới lỏng định lượng hoặc tín dụng để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ hay không.

Theo dự đoán của nhiều nhà phân tích, Fed sẽ hạ lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp này, thậm chí Fed sẽ hạ lãi suất về mức 0 vào tháng 4 để củng cố nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Tại cuộc họp tới, Fed cũng sẽ cập nhật dự báo tăng trưởng GDP, từ đó nhà đầu tư có thể biết liệu nền kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái hay không, và nếu có thì trong bao lâu và nghiêm trọng như thế nào.

Các NHTW khác cũng đau đầu chẳng kém

Vào ngày 19/3, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) và Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (SNB) sẽ họp ấn định lãi suất, chỉ vài giờ sau khi quyết định lãi suất của Fed được công bố.

SNB sẽ phải đưa ra quyết định liệu các biện pháp can thiệp thường xuyên để đẩy đồng franc (CHF) xuống giá vẫn còn khả thi mà không cần hạ lãi suất hay không.

BoJ dự kiến sẽ nới lỏng chính sách để giảm bớt rủi ro kinh tế từ dịch COVID-19 và củng cố niềm tin doanh nghiệp tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Đồng thời, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe cũng đang nghiên cứu gói chi tiêu ngân sách mới trị giá đến 20 nghìn tỉ yen (tương đương 190 tỉ USD) để ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế.

Nga, cho đến nay được coi là một trong các nền kinh tế mới nổi có vị thế tốt nhờ lập trường vững chãi của NHTW, đã bất ngờ gặp khó khăn khi giá dầu giảm xuống còn 30 USD/thùng, khiến đồng rúp lao dốc. NHTW Nga do đó sẽ họp mặt vào ngày 20/3 để bàn hướng giải quyết vấn đề.

Nhóm bộ trưởng tài chính khu vực EU tọa đàm

Các bộ trưởng tài chính của EU sẽ nhóm họp vào ngày 16/3 để thảo luận về tác động của dịch COVID-19 và các biện pháp cần thực hiện để khởi động nền kinh tế thông qua hình thức hội nghị trực tuyến, sau khi Pháp, Tây Ban Nha và Italy áp lệnh phong tỏa qui mô lớn để kiểm soát dịch.

Ông Mario Centeno - người đứng đầu nhóm "Eurogroup" gồm các bộ trưởng tài chính khu vực EU, cho biết trong một dòng tweet hôm 14/3 rằng mức độ nguy cấp và nỗ lực phối hợp giữa các nước lúc này là chưa từng có trong quá khứ.

Trọng tâm của cuộc tòa đàm là về kế hoạch tăng chi tiêu ngân sách cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 cũng như cho phép các nước thâm hụt ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp của Ủy ban châu Âu (EC).

Ngoài ra, vào ngày 16/3, G7 cũng sẽ tổ chức một hội nghị trực tuyến qua video để thảo luận về chính sách tài khóa cần thiết để bảo vệ nền kinh tế trong dịch COVID-19. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ tiếp tục là người chủ trì cuộc họp.

Dữ liệu kinh tế mới

Vào ngày 16/3, Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu về sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư tài sản cố định cho tháng 2, giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về thiệt hại do các lệnh phong tỏa ngăn dịch COVID-19 gây ra cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mỹ cũng sẽ công bố dữ liệu về sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ tháng trước. Từ đó, thị trường có thể nắm bắt được hoạt động của nền kinh tế Mỹ khi dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, các chỉ số về chế tạo và lĩnh vực nhà ở có thể chỉ ra một số tác động của dịch.

Tại khu vực EU, chỉ số niềm tin nhà đầu tư ZEW của Đức dự kiến sẽ giảm mạnh trong bối cảnh nền kinh tế trụ cột của EU bị gián đoạn nghiêm trọng do dịch COVID-19.

Khả Nhân