|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 13/12 - 17/12: Bộ tứ NHTW quyền lực nhất thế giới cùng nhóm họp

07:09 | 13/12/2021
Chia sẻ
Trong tuần này, bộ tứ ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ tổ chức cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2021, trong bối cảnh lạm phát tăng vọt và biến chủng Omicron lan rộng.

Trong tuần này, 4 ngân hàng trung ương (NHTW) quyền lực nhất thế giới gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ lần lượt tổ chức cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2021.

Các phiên họp này diễn ra trong bối cảnh lạm phát leo thang trên khắp thế giới và siêu biến chủng Omicron ngày càng lan rộng. Giới đầu tư ngoại hối sẽ rất quan tâm đến thông điệp mà các nhà hoạch định chính sách muốn truyền đạt tới thị trường.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng sẽ công bố các báo cáo về chỉ số giá sản xuất (PPI) và doanh số bán lẻ. Các nhà đầu tư có thể dựa vào số liệu lạm phát PPI để dự đoán động thái chính sách của Fed trong thời gian tới.

Sự kiện thị trường ngoại hối tuần này 13/12 - 17/12: Bộ tứ NHTW quyền lực nhất thế giới cùng nhóm họp - Ảnh 1.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu về tình hình nền kinh tế Mỹ. (Ảnh: Reuters).

Investing.com đã tổng hợp một số sự kiện có thể tác động đến giao dịch ngoại hối tuần này, cụ thể gồm:

1. Fed tiếp tục bàn chuyện "rút tiền"

NHTW Mỹ sẽ tổ chức cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm vào hai ngày 14 và 15/12. Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp được dự đoán là sẽ tiếp tục thảo luận về việc giảm tốc độ bơm tiền vào nền kinh tế (tapering), hay nói cách khác là thu hẹp chương trình thu mua tài sản trị giá 120 tỷ USD/tháng.

Hồi tháng 11, Fed đã bắt đầu kế hoạch tapering và dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu vào giữa năm 2022. Các nhà phân tích nhận định, nếu Fed đẩy nhanh tiến độ thì kế hoạch tapering có thể kết thúc vào khoảng tháng 3 năm sau. Từ đó, NHTW quyền lực bậc nhất thế giới có thể tiến tới tăng lãi suất ít nhất hai lần vào năm 2022.

Ngoài chương trình tapering, các nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi lập trường của Fed về vấn đề lạm phát. Tháng trước, ông Powell nhấn mạnh rằng "nhất thời" không còn là từ phù hợp để mô tả xu hướng lạm phát tại Mỹ.

Dữ liệu hồi cuối tuần trước cho thấy, lạm phát giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã tăng vọt lên mức đỉnh 4 thập kỷ, càng chứng tỏ Fed sẽ sớm tăng lãi suất hơn nữa.

2. Quyết định chính sách của BoE, ECB

Hai NHTW quyền lực khác là BoE và ECB sẽ công bố quyết định chính sách tiền tệ cuối cùng của năm 2021 trong ngày 16/12. Cả hai thông báo này đều có khả năng khiến thị trường biến động mạnh.

Sự xuất hiện của siêu biến chủng Omicron có thể khiến BoE tạm hoãn kế hoạch tăng lãi suất cho đến tháng 2 năm sau, giới chuyên gia phân tích dự đoán.

Các số liệu về việc làm và lạm phát cũng sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn cụ thể về sức khỏe của nền kinh tế Anh trước thềm cuộc họp. Số liệu lạm phát của Anh được dự đoán là sẽ chạm mức đỉnh 10 năm.

Ở diễn biến khác, thị trường đồn đoán ECB sẽ thông báo kết thúc chương trình kích thích thời đại dịch (trị giá khoảng 1,85 nghìn tỷ euro) vào tháng 3/2022. Tuy nhiên, làn sóng COVID thứ 4 và biến chủng Omicron đã che mờ triển vọng phục hồi của nền kinh tế khu vực đồng euro, điều này sẽ gây thêm áp lực cho ECB.

3. Dữ liệu kinh tế của Mỹ

Mỹ sẽ công bố dữ liệu về lạm phát giá sản xuất vào ngày 14/12, đây sẽ là điểm nổi bật trên lịch kinh tế tuần này. Số liệu lạm phát tại Mỹ tăng cao vốn bắt nguồn từ tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong bối cảnh các vấn đề của chuỗi cung ứng chưa được tháo gỡ, mà doanh nghiệp lại phải tăng lương để thu hút lao động, vô hình trung giá hàng hóa cũng sẽ đi lên. Điều này sẽ góp phần giúp lạm phát tiếp tục leo thang trong năm 2022.

Cùng với chỉ số CPI hồi tuần trước, số liệu PPI tuần này sẽ càng gây thêm áp lực lên các nhà hoạch định chính sách của Fed.

Cũng trong tuần này, Mỹ còn công bố thêm số liệu về doanh số bán lẻ vào ngày 15/12, tiếp theo là sản lượng công nghiệp và số lượng hồ sơ xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vào ngày 16/12.

4. BoJ cũng nhóm họp

BoJ sẽ kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào thứ Sáu (17/12). Các nhà phân tích dự đoán NHTW Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo để hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách có thể sẽ tranh luận về việc có nên gia hạn chương trình kích thích kinh tế thời đại dịch đến sau hạn chót tháng 3/2022 hay không.

Ngoài ra, NHTW Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ nhóm họp vào ngày 16/12 để quyết định có nên giảm lãi suất theo như yêu cầu của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan hay không, trong bối cảnh lạm phát tại đất nước Trung Á tăng cao và đồng lira suy yếu.

Các NHTW tại Thụy Sĩ, Nga và Hungary cũng sẽ tổ chức cuộc họp chính sách cuối cùng của năm 2021 trong tuần này. Đáng chú ý, NHTW Nga và Hungary cũng đang cân nhắc tăng lãi suất.

Khả Nhân