Sự hấp dẫn của VN Diamond: Lực hút dòng tiền mới đổ vào thị trường?
Việt Nam điểm đến hấp dẫn của dòng vốn ETF, nhưng còn nhiều hạn chế
ETF là kênh đầu tư ngày càng phổ biến trên thế giới với sự tiện lợi về hoạt động và chi phí thấp. Tại Việt Nam, xu hướng phát triển các ETF không phải là ngoại lệ. Giá trị 10.700 tỉ đồng (tương đương 460 triệu USD) từ ETF đổ thị trường chứng khoán trong ba năm gần đây cho thấy Việt Nam hiện vẫn đang là điểm đến hấp dẫn.
Theo số liệu từ Bloomberg, ETF mua ròng trên thị trường chứng khoán Việt kể từ đầu năm đến ngày 19/11 đạt gần 234 triệu USD, tương đương 5.760 tỉ đồng.
Qua theo dõi, trạng thái dòng tiền ETF vào thị trường chứng khoán Việt Nam đang tốt hơn so với một số thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Philippines.
Đáng chú ý, ETF đang rút ròng mạnh tại một số thị trường chứng khoán châu Á. Điển hình, từ đầu năm đến ngày 19/11, ETF rút ròng 1,7 tỉ USD tại thị trường chứng khoán Đài Loan, Hong Kong (759 triệu USD), Hàn Quốc (608 triệu USD).
Với bối cảnh thị trường tài chính có những biến động mạnh kể từ đầu năm, động thái tăng qui mô của các quĩ ETF tại Việt Nam đã phần nào phản ánh kì vọng của các quĩ chỉ số.
Tương quan so sánh, mặc dù dòng vốn ETF vào Việt Nam kể từ đầu năm nay thấp hơn so với quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Singapore. Nhưng số lượng ETF giữa các thị trường cho thấy sự khác biệt đáng kể.
Dữ liệu được người viết tổng hợp từ Bloomberg cho thấy, hiện TTCK Việt Nam có 7 ETF, nhỉnh hơn so với Philippines (5 ETF) nhưng lại thấp hơn so với các quốc gia còn lại như Malaysia (12 ETF), Thái Lan (19 ETF), Singapore (14 ETF). Thậm chí tại TTCK Indonesia đang có tới 31 ETF đang hoạt động.
Thực tế này cho thấy tiềm năng cho các ETF mới tại Việt Nam là rất lớn, nhưng việc phát triển số lượng ETF vẫn đang là hạn chế do sự thiếu vắng chỉ số mới trên thị trường.
Vai trò lớn của ETF nội trong việc dẫn dắt dòng tiền
Hiện các quĩ ETF trên TTCK Việt Nam giao dịch với hai chỉ số tham chiếu quen thuộc là VN30 và MSCI Vietnam, ngoài ra còn có VN50. ETF nội lớn nhất là VFMVN30 - đơn vị sở hữu chứng chỉ quĩ E1VFVN30 đang tham chiếu chỉ số VN30.
Xét trên phương diện tăng trưởng qui mô tại thị trường, E1VFVN30 đang dẫn đầu. Theo đó, quĩ này tăng qui mô 247,42 triệu USD (tương đương 5.740 tỉ đồng) trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong ba năm gần đây.
Theo sau đó, qui mô KIM ETF - KINDEX Vietnam VN30 ETF (Synth) cũng tăng gần 165 triệu USD. VNM ETF cũng vào ròng khoảng 124,3 triệu USD trong 3 năm gần đây, trong khi FTSE ETF rút ròng 101 triệu USD.
Ra mắt trong năm 2019, ETF đến từ Hong Kong là Premia MSCI Vietnam ETF đang có qui mô tài sản khoảng 25 triệu USD.
Với kết quả tăng trưởng ấn tượng của VFMVN30 thông qua ccq E1VFVN30 trong ba năm gần đây cho thấy vai trò lớn của ETF nội trên thị trường.
VN Diamond ra mắt - Thêm "hàng hóa" cho các ETF mới
Trong bối cảnh, TTCK Việt Nam đang chỉ có hai rổ quen thuộc là VN30 và MSCI Vietnam. Việc phát triển các rổ chỉ số mới để tạo thêm sản phẩm cho thị trường là điều cần thiết để tạo thêm mức hút với dòng tiền mới.
Động thái HOSE ra mắt VN Diamond mới cho thấy những "điểm sáng" trong việc kích hoạt dòng tiền mới thông qua việc có thêm ETF.
Đánh giá về thông tin ra mắt ba chỉ số mới gồm VN Diamond, VNFIN Lead và VNFIN Select, Chứng khoán Ngân hàng BIDV (BSC) đánh giá việc này tiền đề để hình thành các quĩ ETF chỉ số, qua đó giải quyết điểm nghẽn hết "room" nước ngoài tại một số cổ phiếu.
Thực tế là các công ty quản lí quĩ cũng đã có những bước "chạy đà" cho việc ETF mới dựa trên rổ chỉ số này.
Thông tin trên truyền thông vào giữa tháng 8, CTCP Quản lý Quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) cho biết đang huy động vốn cho 2 ETF, trong đó có ETF dựa trên chỉ số VN-Diamond Index. VFM là đơn vị quản lý VFMVN30 ETF. Kết quả phát triển dòng vốn qua E1VFVN30 như phân tích trên khiến giới đầu tư kì vọng vào kinh nghiệm phát triển ETF từ đơn vị này.
Sức hút lớn từ nhóm cổ phiếu hết room
Trở lại câu chuyện, liệu VN Diamond với nhóm các cổ phiếu hết room ngoại có sức hấp dẫn như thế nào với giới đầu tư, đặc biệt là khối ngoại?
Nguồn: Dragon Capital
Ghi nhận của người viết tại sự kiện chứng khoán tổ chức đầu tháng 5 tại Hà Nội, Phó Tổng Giám đốc Quĩ Dragon Capital - Ông Lê Anh Tuấn chia sẻ: Tổng vốn hóa của TTCK Việt Nam đạt khoảng 145 tỉ USD cuối tháng 3, tổng vốn hóa cho NĐTNN theo luật khoảng 72 tỉ USD, tương đương 49% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, sau khi trừ đi free-float, giá trị mà khối ngoại thực sự được mua tối đa khoảng 53 tỉ USD, trong khi đang sở hữu 35 tỉ USD. Như vậy, Room còn lại cho NĐT nước ngoài khoảng 18 tỉ USD.
Trong số 18 tỉ USD đó, khoảng 40% là nhóm cổ phiếu Vingroup (7,2 tỉ USD), PV Power (0,5 tỉ USD), NVL (0,6 tỉ USD), Vinamilk (1 tỉ USD). Theo đó, 751 cổ phiếu còn lại chiếm 50% tương đương 8,5 tỉ USD, giá trị trung bình là 11 triệu USD/công ty.
"Điều này có nghĩa nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào Việt Nam rất khó, không có cổ phiếu để đầu tư, dẫn đến sự bất cân đối về giá", ông Lê Anh Tuấn đánh giá.
Nguồn: Dragon Capital
Dẫn chứng số liệu, Top20 công ty trên TTCK có P/E khoảng 20 lần, trong khi đó các công ty còn lại được định giá khoảng 9,5 lần. Ở những công ty hết room, P/E chỉ còn khoảng 8,6 lần. Điều này cho thấy khoảng cách lớn giữa nhóm cổ phiểu hết room với những cổ phiếu còn lại và sự hấp dẫn lớn về định giá của nhóm cổ phiếu hết room.
Trong tiêu chí lựa chọn rổ VN Diamond, HOSE đã xem xét đến tính thanh khoản và qui mô vốn hóa của các công ty. Quan sát 14 cổ phiếu trong rổ VN Diamond, đây đều là "khẩu vị ưa thích" của khối ngoại và xuất hiện trong danh mục của nhiều quĩ lớn trên thị trường như MWG, FPT, TCB, MBB...
Tuy nhiên, hầu hết các mã này đều đang giao dịch với mức P/E thấp hơn với P/E của toàn thị trường, điển hình như FPT, TCB, MBB, REE, PNJ. Do đó, việc phát triển ETF với rổ VN Diamond được kì vọng giúp cổ phiếu kín room được định giá sát với thị trường hơn.
Điều này cũng đồng nghĩa rằng VN Diamond là "cửa sáng" để đón dòng tiền ETF với sức hấp dẫn về định giá?
Chờ đợi dòng vốn ETF vào thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua việc xây dựng chỉ số mới. Đồ họa: Alex Chu
Từ thành lập chỉ số VN Diamond đến tiền "đổ vào" thị trường chứng khoán Việt Nam mất bao lâu?
Bước đầu tiên là thành lập chỉ số, HOSE ban hành quy tắc xây dựng và quản lí ba bộ chỉ số cho 3 chỉ số là VN Diamond, VNFIN Select and VNFIN Lead.
Cập nhật mới đây, HOSE công bố danh mục của ba rổ VN Diamond (14 cổ phiếu), VNFIN Select (17 cổ phiếu) và VNFIN Lead (14 cổ phiếu), chính thức đưa vào vận hành ba chỉ số vào ngày 18/11.
Quy trình tiếp theo là IPO ETF. Theo đó, công ty quản lí quĩ nộp hồ sơ xin Ủy ban Chứng khoán cấp giấy chứng nhận đăng kí chào bán chứng chỉ quĩ ETF. Thời gian xét hồ sơ của UBCK là 30 ngày. Khi chào bán ETF phải đảm bảo thời gian đăng kí mua chứng chỉ quỹ cho nhà đầu tư, tối thiểu là 20 ngày. Trong vòng 90 ngày kể từ ngày có giấy chứng nhận chào bán chứng chỉ quỹ ETF, công ty quản lí quĩ phải hoàn tất việc phân phối chứng chỉ quĩ ETF.
Bước thứ ba là thành lập quĩ. Trong vòng 5 ngày khi kết thúc đợt chào bán, công ty quản lí quĩ phải gửi UBCKNN hồ sơ đăng kí thành lập quĩ. Trong thời hạn 15 ngày, UBCK sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập quỹ.
Cuối cùng, trong thời hạn tối đa 30 ngày từ khi có giấy chứng nhận đăng ký thành lập quĩ. Công ty quản lí quĩ phải hoàn tất thủ tục niêm yết chứng chỉ quĩ ETF tại HOSE.