Sự bùng nổ tiền ảo và những lo ngại về các mánh khóe rửa tiền của tội phạm qua tiền điện tử
Theo The Guardian, các vụ án liên quan tới tiền điện tử không chỉ giới hạn ở việc tội phạm tấn công mạng và đánh cắp số tiền mà còn nghiêm trọng hơn thế - những kẻ phạm tội sử dụng tiền bẩn để đầu tư vào tiền ảo.
Hành động rửa tiền này làm dấy lên lo ngại về một thế giới mà tài sản kỹ thuật số nói chung, tiền điện tử nói riêng đang ngày càng bị lạm dụng.
Trường hợp rửa tiền bằng tiền điện tử của kẻ lừa đảo tại Australia
Khi cảnh sát bắt giữ kẻ lừa đảo người Australia Evan Leslie McMahon vào tháng 3/2019, họ đã tìm thấy nhiều chiến lợi phẩm. Có thể kể đến như thông tin đăng nhập Netflix của những nạn nhân bị đánh cắp cơ sở dữ liệu và thông tin của 9 ví tiền điện tử gồm có bitcoin, bitcoin cash, ethereum, digibyte, XRP, stratis, bitcoin gold và litecoin - mà kẻ lừa đảo này đã mua bằng tiền thu được từ "tội ác" của mình.
McMahon đã được thả khỏi nhà tù sau khi bị kết án vào tháng 4/2021 vì tội "cung cấp dịch vụ vượt tường lửa" và "xử lý số tiền phạm tội", dùng tiền bẩn từ phạm tội đi đầu tư vào tiền điện tử và các tài sản kỹ thuật số. Kẻ lừa đảo tinh vi chỉ phải nhận 2,5 tháng tù treo.
Tuy nhiên, anh ta đã bị thu giữ tất cả số tiền điện tử đã đầu tư, ban đầu trị giá khoảng 460.000 USD nhưng vào thời điểm tuyên án thì giá trị thực của chúng được ước tính là 1,2 triệu USD.
Để đánh cắp dữ liệu từ khách hàng truy cập vào các trang web của mình, HyperGen, WickedGen, Autoflix và AccountBot, McMahon đã sử dụng 175 tài khoản PayPal được giữ bằng tên giả - các bí danh bao gồm Zac Kentish, Izabella Sjogren và Samuel Binns, theo tài liệu của tòa án.
Sau đó, anh ta chuyển đổi một số tiền thu được thành tiền điện tử. Về phần mình, PayPal từ chối bình luận khi được hỏi vì sao McMahon có thể mở tới 175 tài khoản.
Tội phạm tiền điện tử đang gia tăng
Cơ quan an ninh tài chính Austrac, cho biết việc tội phạm sử dụng tiền mã hóa để thực hiện các hành vi xấu không còn chỉ giới hạn ở những kẻ lừa đảo trực tuyến như McMahon, kẻ đã điều hành một loạt trang web bán thông tin đăng nhập cho Netflix, Spotify và các trang web đăng ký khác mà anh ta khai thác bằng phần mềm tự động tạo khóa.
Giám đốc quốc gia về hoạt động tình báo của Austrac, Michael Tink - người điều hành các nhóm tập trung vào tội phạm mạng, an ninh quốc gia và rửa tiền cho biết:
"Khi việc sử dụng hợp pháp tiền điện tử tăng lên, chúng tôi nhận thấy mức độ lạm dụng gia tăng tương đương. Ví dụ trong một số trường hợp, một nhóm tội phạm có thể đã gửi tiền ra nước ngoài bằng cách sử dụng lĩnh vực ngân hàng hoặc đại lý chuyển tiền, trong một số trường hợp - không nhiều - chúng ta có thể thấy chúng đang cố gắng gửi tiền thu được từ tội phạm thông qua một nhà cung cấp trao đổi tiền tệ kỹ thuật số và gửi tiền cho một đối tác ở nước ngoài bằng chính tiền điện tử".
Michael Tink muốn chỉ ra rằng việc sử dụng tiền điện tử để rửa tiền thu được từ tội phạm vẫn là một thị trường ngách "khá hẹp" nhưng nó đang gia tăng.
Vụ thu giữ 9 ví tiền điện tử của McMahon là vụ phá án liên quan đến tiền điện tử lớn nhất ở Úc vào thời điểm đó.
Vào tháng 10/2021, Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc cũng đã nhận được lệnh của tòa án liên bang đóng băng số bitcoin ước tính trị giá từ 7 triệu đến 22 triệu USD được cho là có liên quan đến chương trình đầu tư hưu bổng không có giấy phép do vợ chồng Aryn Hala và Heidi Walters của Gold Coast điều hành. Ít nhất 2,4 triệu USD tiền của nhà đầu tư đã được sử dụng để mua tài sản tiền điện tử.
Các cơ quan thực thi pháp luật ở nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng đã thu giữ một lượng lớn tiền điện tử. Tháng trước, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thu giữ 3.879 bitcoin từ một vụ lừa đảo trị giá 155 triệu USD do nhân viên Rei Ishii thực hiện chống lại công ty bảo hiểm Sony Life. Ishii đã bị buộc tội gian lận ở Nhật Bản và vẫn chưa phải hầu tòa.
Trong một vụ thu giữ tiền điện tử khác tại Mỹ liên quan đến 9.881 bitcoin, các nhà chức trách cáo buộc bitcoin đã được sử dụng để rửa tiền thu lợi bất chính. Trong khoảng thời gian từ tháng 5/2019 đến tháng 2/2021, kẻ tình nghi rửa tiền Fernando Berrocal, một doanh nhân trong lĩnh vực nước hoa đã kiếm được số lượng lớn tiền mặt từ các địa điểm ở cả trong và ngoài nước Mỹ trị giá 2,3 triệu USD.
Số tiền này được tạo thành từ "1 triệu USD tiền thu được từ cờ bạc bất hợp pháp và 1,3 triệu USD tiền thu được từ ma tuý", nhân viên Bộ An ninh Nội địa James Barden cho biết trong bản khai.
Ngoài ra, các tài khoản ngân hàng do Berrocal sở hữu hoặc kiểm soát đã nhận được hơn 1,7 triệu USD tiền thu được từ gian lận tài chỉnh, ví dụ như lừa đảo người cao tuổi ở Mỹ.
Tăng cường biện pháp quản lý và rà soát để ngăn chặn gian lận tiền ảo
Tiền điện tử đã có những khoảnh khắc tuyệt vời vào năm 2021 với việc tăng giá tới hàng trăm phần trăm, nhiều ngân hàng chấp nhận, tung ra dịch vụ lưu trữ và đầu tư tiền ảo,… Tuy nhiên, những người hoài nghi vẫn cho rằng tiền điện tử chỉ phù hợp cho những kẻ đầu cơ và không thực sự thích hợp làm phương tiện trao đổi – trừ khi bạn mua những thứ không nên mua.
David Gerard, tác giả của hai cuốn sách về tiền điện tử và một nhà phân tích nổi tiếng cho rằng: "Mọi người chỉ sử dụng tiền điện tử để thanh toán khi họ không thể sử dụng tiền mặt vì một số lý do, vì vậy họ sử dụng công cụ này để thay thế. Điều đó được mở rộng thành những vụ lừa đảo mã độc, tấn công mạng quy mô lớn. Tin tặc tấn công mạng tồn tại trước tiền điện tử, nhưng không phải ở quy mô như hiện nay".
Trong khi đó, tiền bẩn từ tội phạm tiếp tục rửa trôi vào hệ sinh thái tiền điện tử được điện hóa bởi đầu cơ được cho là một trong những lý do đã khiến giá bitcoin tăng từ vài trăm USD vào năm 2015 lên cao nhất tới gần 70.000 USD vào cuối năm ngoài.
Ông Gerard nói: "Về mặt kỹ thuật, hệ thống tiền điện tử không phải là một kế hoạch lừa đảo - nó chỉ hoạt động giống như một hệ thống". Điều quan trọng là các cơ quan quản lý cần có biện pháp rõ ràng để ngăn chặn các hành vi phạm tội, rửa tiền bằng tiền ảo.