|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán lại là mối nguy cho chính nó?

06:17 | 09/06/2020
Chia sẻ
Chính phủ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ giảm bớt sự hỗ trợ khi thấy rằng thị trường chứng khoán đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Trong khi đó, chính hi vọng về gói kích thích mới lại là yếu tố chủ đạo thúc đẩy thị trường đi lên.
Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán lại là mối nguy cho chính nó? - Ảnh 1.

Ảnh: Bloomberg

Nếu chỉ nhìn vào thị trường chứng khoán Mỹ, có thể nhiều người sẽ không mường tượng được rằng 21 triệu người dân vẫn đang thất nghiệp. Họ có thể nghĩ rằng mọi chuyện vẫn ổn, hoặc thậm chí là tuyệt vời.

Chỉ số S&P 500 vừa ghi nhận đợt phục hồi 50 ngày nhanh chóng nhất trong 9 thập kỉ. Chỉ số Nasdaq 100 lập mức đỉnh lịch sử trong ngày (intraday), lấy lại tất cả những gì đã mất trong đại dịch.

Có lẽ diễn biến này là hợp lí, và thị trường chứng khoán vẫn luôn đúng. Nhưng vẫn còn những ý kiến nghi ngờ, nhất là đối với những người nói đà tăng của thị trường có thể sẽ khiến giới lãnh đạo nước Mỹ ngủ quên trong chiến thắng.

Những người nghi ngờ lập luận rằng việc thị trường nhảy vọt như trong ngày 5/6 – chỉ số Dow Jones tăng hơn 800 điểm – sẽ làm giảm tính cấp thiết của gói kích thích kinh tế mới, dù tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn trên 13%. Bất kì điều gì có thể cản trở gói kích thích kinh tế đều là mối lo với nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường hồi phục mạnh mẽ như hiện nay.

Bà Kathy Jones, trưởng nhóm chuyên gia về chứng khoán có thu nhập cố định tại Schwab Center for Financial Research cho biết: "Thị trường đã và đang dựa vào một gói kích thích kinh tế khác". Nếu thị trường tiếp tục cải thiện, Quốc hội Mỹ có thể sẽ quyết định rằng họ không cần cung cấp thêm sự hỗ trợ nữa – hoặc hỗ trợ ít hơn những gì nhà đầu tư kì vọng".

Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán lại là mối nguy cho chính nó? - Ảnh 2.

Rủi ro này chưa hề có tác động nào đến giá cổ phiếu. Theo Bloomberg, chỉ số S&P 500 tăng 5% trong tuần trước, và hiện chỉ còn giảm 1% so với đầu năm 2020.

Một số chuyên gia cho rằng thị trường có thể lên cao hơn nữa. Theo ông Michael Purves, CEO của Tallbacken Capital Advisors, chỉ số S&P 500 có thể tăng đến 3.400 điểm – vượt qua mức đỉnh lịch sử hồi tháng 2.

Chuyên gia Nicholas Colas của DataTrek Research cũng nhìn thấy tiềm năng chỉ số này chạm mức 3.430 điểm.

Ý tưởng rằng thị trường chứng khoán mạnh mẽ có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ và kế hoạch của các nhà hoạch định chính sách là rủi ro mà các nhà đầu tư đã biết quá rõ sau các sự kiện xảy ra vài năm qua.

Chính quyền Tổng thống Trump thường sử dụng chỉ số Dow Jones như là thước đo của thành công. Chỉ số này cũng được coi là có ảnh hưởng tới diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Trong khi đó, Fed thì bị một số người nhận xét là đã đặt thị trường chứng khoán làm "mục tiêu thứ ba" bên cạnh toàn dụng việc làm và ổn định giá cả.

Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán lại là mối nguy cho chính nó? - Ảnh 3.

Nasdaq tại Manhattan. Ảnh: ALAMY STOCK PHOTO

Các biện pháp kích thích từ Washington và Fed có vai trò cực kì quan trọng đối với sự đi lên của thị trường chứng khoán và sự hồi phục của nền kinh tế. Các nhà đầu tư buộc phải tự hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu sự phục hồi của thị trường kết thúc với ít hỗ trợ hơn?

Đây chính là mối lo lớn nhất của ông Peter Tchir, Giám đốc đầu tư tại Academy Securities. Ông lo ngại rằng chính phủ Mỹ sẽ nhanh chóng mất hứng thú về việc bơm thêm tiền vào nền kinh tế khi thấy rằng thị trường đang tăng mạnh.

Ông Willie Delwiche, chuyên gia đầu tư tại Baird cho biết mức độ của chỉ số S&P 500 và sự sẵn lòng hợp tác của các nhà lập pháp nhằm tìm ra giải pháp có mối quan hệ nghịch đảo.

"Nếu thị trường tiếp tục đi lên, cơ hội về việc đạt được thỏa thuận trong Quốc hội Mỹ năm nay sẽ đi xuống và nhiều khả năng xuống gần 0".

Ông Tom Essaye, cựu chuyên gia đầu tư của Merrill Lynch cũng có chung quan điểm: "Mỗi 1% hồi phục của chỉ số S&P đều làm giảm khả năng một dự luật kích thích mới được thông qua".

Dù các nghị sĩ Đảng Cộng hòa chưa hề ám chỉ rằng cuộc phục hồi của chứng khoán Mỹ là lí do để trì hoãn gói kích thích tiếp theo, và các cuộc thảo luận vẫn tiếp diễn, nhưng vẫn chưa có gì chắc chắn cả.

Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump cho rằng gói kích thích tiếp theo có thể cấp thêm khoảng 1.000 tỉ USD cứu trợ, thấp hơn nhiều các con số được bàn luận trước đó.

Kích thích tiền tệ từ Fed cũng có vai trò quan trọng. Chủ tịch Jerome Powell đã nói rõ rằng Fed sẽ không vội vã chấm dứt các biện pháp hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, các nhà quan sát thị trường nổi tiếng bao gồm cựu Chủ tịch chi nhánh New York của Fed đã bộc lộ lo ngại về "rủi ro đạo đức" (moral hazard).

Họ lo rằng việc Fed can thiệp vào thị trường tài chính có thể khuyến khích lãnh đạo doanh nghiệp chất đầy bảng cân đối kế toán bằng trái phiếu và các khoản vay.

Hiện tại, với giá tài sản rủi ro tăng vọt và thị trường lao động mạnh mẽ hơn so với dự đoán, một số người lo rằng Fed sẽ rút lại các biện pháp hỗ trợ đã tung ra.

Ông Mohamed El-Erian, nhà kinh tế trưởng tại Allianz cho rằng đây là một trong những mối nguy lớn nhất của thị trường.

"Điều này có thể thúc đẩy Fed giảm bớt sự hỗ trợ cho thị trường", ông El-Erian nói với Bloomberg Television sau khi dữ liệu việc làm tháng 5 được công bố.

Ông giải thích rằng rủi ro lớn thứ nhất là dữ liệu việc làm sẽ gửi đi thông điệp sai lầm rằng nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng hơn so với thực tế. "Đến mức mà Fed cảm thấy rằng họ đã hoàn thành nhiệm vụ, đó là rủi ro thứ hai".

Ông nói thêm: "Rủi ro thứ ba là tính cấp thiết của việc bổ sung kích thích bị bỏ qua. Liệu mọi người có nghĩ rằng bạn không cần được cứu trợ thêm, nền kinh tế và thị trường chứng khoán sẽ nâng đỡ gánh nặng cho bạn, chính phủ không cần phải lo về cứu trợ hay kích thích nữa?"

Giang