Startup Việt trước làn sóng startup ngoại
Không gian làm việc chung The Ventures ở số 9, Nguyễn Trãi, quận 1, TPHCM. Ảnh: Đinh Hiệp |
Từ “startup” mà Tech in Asia dùng không phải như định nghĩa “khởi nghiệp” của ta, tức khởi đầu một việc kinh doanh. Tech in Asia dùng “startup” theo định nghĩa chuẩn của thế giới: “một công ty mạo hiểm, được thiết kế để phát triển rất nhanh dựa trên đổi mới sáng tạo về sản phẩm, dịch vụ”.
Hãng tin Reuters hồi tháng 4-2016 có bài viết nêu nhận xét: hầu hết các startup Việt Nam hoạt động trong ngành thương mại điện tử (e-commerce) và những ngành hỗ trợ cho thương mại điện tử như giao hàng; lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam tăng 35% trong năm qua, lên 4 tỉ đô la Mỹ, nên tạo ra khá nhiều cơ hội.
Trên một trang cũng chuyên đưa tin về cộng đồng khởi nghiệp ở châu Á có tên Deal Street Asia, chuyên gia khởi nghiệp Jamie Camidge từ trung tâm tăng tốc khởi nghiệp Muru-D có trụ sở ở Singapore (và cũng đang hoạt động tại Việt Nam), nhận xét: “Rất nhiều startup Việt Nam đang sao chép mô hình kinh doanh đã thành công trên thế giới về áp dụng ở thị trường địa phương”.
Những cái nhìn từ bên ngoài như trên cho thấy cộng đồng startup Việt khá lớn về số lượng nhưng chưa tinh về chất lượng. Theo nhận xét của chuyên gia khởi nghiệp Vũ Tuấn Anh, Trưởng dự án khởi nghiệp của tập đoàn Hoa Sen, khởi nghiệp e-commerce là khởi nghiệp kiểu low-tech, tức hàm lượng kỹ nghệ không cao.
Nhiều startup Việt lặng lẽ đóng cửa
Nhưng cũng phải nói khởi nghiệp kiểu sao chép mô hình không phải là xấu. Ở đâu cũng vậy, nếu có nhu cầu thì tại sao lại không tìm cách đáp ứng? Ở Việt Nam, đã có nhiều startup cho ra các ứng dụng di động giống trên thế giới, như đặt phòng khách sạn, đặt xe, bán vé sự kiện, thuê quần áo, trang điểm, làm tóc, đi chợ giúp, làm việc nhà, sửa chữa đồ gia dụng... Mỗi loại dịch vụ có tới mấy startup cạnh tranh nhau, còn lĩnh vực giao hàng thì khá nhiều...
Vòng đời một startup thường là: ý tưởng - khởi nghiệp - gọi vốn hạt giống - các vòng gọi vốn tăng trưởng (series A, B, C, D) - mở rộng vốn chuyển đổi hoặc bán công ty - cổ phần hóa chuyển thành công ty đại chúng - các nhà đầu tư thoái vốn thành công. Theo Tech in Asia, số lượng startup ở châu Á tiến đến giai đoạn trở thành công ty đại chúng là rất ít. Ở Việt Nam, startup gọi vốn đến vòng series B như Mo Mo hay Tiki chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hàng tháng, lại thấy có những startup lặng lẽ đóng cửa hoặc tạm ngưng dịch vụ để cải tiến trong khi mới vài tháng trước đó họ còn mang sản phẩm đi giới thiệu ở các cuộc thi hay các hội chợ.
Vẫn Jamie Camidge nhận xét: “Với đa số công ty, gọi vốn là điều cần thiết. Nhưng hiện tại, các công ty quá chú trọng vào việc gọi vốn trong khi trọng tâm phải là phát triển sản phẩm”. Cũng có người phản biện: không có vốn làm sao phát triển sản phẩm? Không hẳn thế. Nếu sản phẩm của bạn nhạt nhòa giữa bao sản phẩm khác, không thực sự giải quyết một nhu cầu bức bách nào đó, hoặc bạn chưa đủ thời gian cần thiết để tạo ra một thói quen tiêu dùng mới ở thị trường của bạn thì bạn cũng chẳng được nhà đầu tư ngó ngàng tới.
Chọn “xây” cái gì hợp lý
Trên thực tế cũng có những startup chưa cần gọi vốn vì họ đã tự kiếm được doanh số nhờ sản phẩm của họ thực sự “chất”. Chẳng hạn như Beeketing - nền tảng giúp các công ty bán hàng theo dõi hành vi người tiêu dùng do Trương Mạnh Quân, 26 tuổi, thành lập. Beeketing đang có doanh thu 2 triệu đô la Mỹ/năm, chủ yếu đến từ các khách hàng Mỹ.
Hay như nền tảng Design Bold giúp kết nối giữa những người thiết kế đồ họa với những người cần các mẫu thiết kế đồ họa phục vụ tiếp thị, bán hàng. Ra mắt ngày 27-10-2016, chỉ sau 12 ngày mở bán gói khuyến mãi, Design Bold đã thu được 132.366 đô la Mỹ. Người sáng lập là ông Đinh Viết Hùng cho biết 98% những người mua gói này là người Mỹ.
Có ý kiến cho rằng, nếu các startup Việt Nam không có sản phẩm “chất”, họ dễ bị các startup đến từ nước ngoài đè bẹp. Trong những hội chợ startup mang tính quốc tế tổ chức ở Việt Nam gần đây, các startup từ Singapore, Malaysia, Ấn Độ, đặc biệt là Hàn Quốc, chiếm phần lớn các gian hàng giới thiệu. Họ cũng có các ứng dụng đáp ứng nhu cầu đặt xe, thuê quần áo, đi chợ giúp, làm việc nhà... nhưng họ làm bài bản hơn. Bên cạnh đó, họ còn có những mô hình sáng tạo mà Việt Nam chưa có, như Krowdpop, Pokkt, Fotoku, Beam AR.
Ông Nguyễn Hưng, đồng sáng lập Offpeak - ứng dụng di động đặt bàn nhà hàng giờ thấp điểm, nêu nhận xét: “Ở Singapore, Ấn Độ và Israel có hầu hết những mô hình startup hiện nay mà Việt Nam đang có. Thị trường của họ phát triển hơn, trình độ người tiêu dùng cao hơn nên họ có những bước phát triển hơn. Họ đủ mạnh về tài chính và kinh nghiệm để tiến sang Việt Nam trong khi các startup vẫn đang chập chững những bước đầu tiên. Dễ hiểu cán cân nghiêng về họ, ngay cả trên thị trường của mình”. Mới đây, Công ty Go Bear thành lập ở Singapore năm 2015 đã cho ra mắt công cụ so sánh cho hai dịch vụ là chọn thẻ tín dụng và vay tín chấp tại TPHCM. Việt Nam là thị trường thứ sáu mà Go Bear bước vào sau Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Malaysia và Philippines.
K-Startup Grand Challenge đưa ra 10 lý do chọn Hàn Quốc là nơi khởi nghiệp 1. Hạ tầng công nghệ thông tin rất tốt, 95% diện tích quốc gia phủ wifi, tốc độ kết nối Internet nhanh nhất thế giới. 2. Gần một nửa dân số Hàn Quốc sống quanh Seoul, họ tiếp cận công nghệ và cách tiêu dùng mới rất nhanh, sẵn sàng mua và dùng thử sản phẩm mới. 3. Cơ hội làm việc với các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Hyundai... 4. Hàn Quốc là cửa ngõ ra châu Á, gần Trung Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan và các nước Đông Nam Á, thành công ở Hàn Quốc nghĩa là thành công ở châu Á. 5. Hệ sinh thái startup được xây dựng bài bản, vững chắc. 6. Có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Từ năm 2013, mỗi năm, Chính phủ Hàn Quốc chi 2 tỉ đô la Mỹ để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Tính theo đầu người, Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ khởi nghiệp mạnh hơn bất kỳ nước nào khác trên thế giới. 7. Các “quyền lực mềm” của Hàn Quốc, từ Gangnam Style, K-Pop, Hallyu, kim chi... khiến sự ảnh hưởng của Hàn Quốc lan tỏa khắp thế giới, mọi người không thể không chú ý từng bước đi của họ. 8. Seoul là thành phố không ngủ, làm hết mình, chơi cũng hết mình, hấp dẫn người nước ngoài. 9. Hàn Quốc rất an toàn, là một trong những nước có tỷ lệ tội phạm thấp nhất thế giới (www.numbeo.com). 10. Con người Hàn Quốc hòa nhã, thích chia sẻ văn hóa, lối sống với người khác. http://www.k-startupgc.org/why_korea.html |
Cũng giống như Beeketing, Offpeak chọn phát triển ở Singapore, Malaysia, Thái Lan rồi mới quay về Việt Nam. Design Bold cũng ra thị trường nước ngoài trước khi về địa phương. Với những startup không phát triển ở nước ngoài trước, để không bị những người láng giềng lấn lướt, thì phải chọn một ngách thị trường nào đó có nhiều vấn đề cần giải quyết mà người ở bên ngoài không thể bám chặt thị trường như mình. Như mô hình môi giới nhà phố Propzy đưa những người có nhà cần bán và những người thực sự có nhu cầu mua nhà ở đến với nhau. John Lê, người sáng lập Propzy, chia sẻ: “Ở các nước phát triển, “phá” (disruption) là từ thịnh hành của các startup, ý muốn nói để xây dựng các startup thì phải tìm cách phá thói quen tiêu dùng cũ. Xứ mình chưa phát triển bằng họ, chưa cần phá, chỉ cần “xây”. Nhưng quan trọng là phải chọn “xây” cái gì hợp lý”.
Chưa hết “sóng Sing” đã tới “sóng Hàn”
Võ Minh Toàn, người quản lý không gian làm việc chung (co-working space) Dreamplex ở TPHCM, cho biết hàng tháng vẫn có nhiều đoàn từ Singapore, Malaysia, Trung Quốc đến tổ chức sự kiện tại Dreamplex. Họ là những nhà đầu tư, những tổ chức ươm mầm khởi nghiệp (incubator) hay tổ chức tăng tốc khởi nghiệp (accelerator) đến tìm kiếm những startup tiềm năng. Có cả những công ty môi giới startup Việt sang đăng ký thành lập doanh nghiệp ở nước họ để được hưởng những chính sách ưu đãi.
Nhưng những làn sóng Singapore, Malaysia, Trung Quốc chưa mạnh bằng làn sóng từ Hàn Quốc. Từ năm 2013, Chính phủ Hàn Quốc cam kết chi 2 tỉ đô la Mỹ mỗi năm để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong khuôn khổ chương trình “Sáng kiến kinh tế sáng tạo” được bà Tổng thống Park Geun Hye phát động. Gần đây, chính phủ và các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như ActnerLab, SparkLabs, Samsung, LG, Lotte, Hanwha, Doosan, Kakao đem các startup từ nước họ qua Việt Nam tiếp cận thị trường và tìm kiếm nhân lực.
Từ năm 2015, tập đoàn Yello Digital Media (YDM) đã đầu tư vào các startup Việt như Clever Ads, Websosanh. Việt Nam là một trong năm thị trường trọng tâm của YDM tại Đông Nam Á bên cạnh Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan. Tập đoàn Hanwha đem chương trình tăng tốc khởi nghiệp Dreamplus tới TPHCM, liên kết với đơn vị tăng tốc khởi nghiệp Việt là Egg Group để đưa một số startup tiềm năng từ Hàn Quốc vào Việt Nam. Gần đây, công ty ươm tạo startup HATCH! ở Hà Nội cũng ký thỏa thuận đối tác với công ty ươm tạo Rehoboth.
Tuần trước, trung tâm Seoul Global Startup Center mang một đoàn nhiều startup tới giao lưu, mở rộng mạng lưới ở không gian làm việc chung Circo (TPHCM), thu hút nhiều bạn trẻ Việt Nam tới dự. Trung tâm này đang có chương trình mời các nghiệp chủ sang mở startup tại Seoul với nhiều ưu đãi như được cấp tiền mặt, miễn phí văn phòng, hạ tầng trong mục tiêu biến Seoul thành một “hub” mới cho các startup châu Á. Ông Toàn của Dreamplex cũng cho biết công ty đầu tư mạo hiểm Hebronstar Ventures (đã có văn phòng tại TPHCM từ năm 2014) đang xúc tiến hợp tác với Dreamplex để mở một cuộc thi tìm kiếm startup vào năm tới.
Từ tháng 3-2016, Công ty The Ventures, cũng từ Hàn Quốc đã tới TPHCM mở một không gian làm việc chung ở quận 1 nhằm tìm kiếm nhân tài. Ông Võ Hoàng Giang, người quản lý không gian làm việc này, cho biết họ đang miễn phí sử dụng cho 6 nhóm startup Việt Nam. Chương trình miễn phí vẫn tiếp tục và chưa có thời hạn kết thúc. Họ còn có chương trình tư vấn chiến lược, hướng dẫn và hỗ trợ tài chính cho các startup có triển vọng. Theo ông Giang, mục tiêu chủ yếu của The Ventures không phải đưa các startup Hàn tới Việt Nam mà là theo chiều ngược lại.
Cuộc thi K-Startup Grand Challenge (của Hàn Quốc) nay đã thu hút gần 2.500 startup trên toàn cầu đăng ký dự thi. Chính phủ nước này đang cho xây một trung tâm trị giá 160 triệu đô la Mỹ để các startup trưởng thành từ cuộc thi này ở lại Hàn Quốc hoạt động. Trong khi đó, loạt các nhà đầu tư mạo hiểm của Hàn Quốc dưới sự hỗ trợ của chính phủ như Kcube Ventures, Bon Angels, SoftBank Korea, Altos Ventures, BlueRun Ventures... đang sẵn sàng mang vốn đầu tư ra bên ngoài. Làn sóng K-Startup đang nhăm nhe chinh phục cả châu Á, giống như K-Pop đã thành công.