|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hoạt động chế tạo tại châu Á chịu sức ép do chi phí tăng và xung đột

22:15 | 02/11/2023
Chia sẻ
Hoạt động chế tạo tại châu Á giảm trở lại trong tháng 10/2023, khi xung đột tại Trung Đông đẩy giá dầu lên, chi phí tăng và nhu cầu toàn cầu vẫn thấp.

Các chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực chế tạo do S&P Global Market Intelligence và Jibun Bank công bố cho thấy hầu hết các nước trong khu vực đều chịu sức ép do lạm phát, sản lượng và lượng đơn hàng mới giảm.

Số liệu mới là dấu hiệu đáng lo ngại về kinh tế toàn cầu, khi quá trình phục hồi đang đối mặt với trở ngại từ xung đột giữa Israel và phong trào Hamas, và nguy cơ xung đột lan rộng tại Trung Đông.

Châu Á, khu vực sản xuất phần lớn hàng hóa của thế giới, gặp khó khăn trong việc thúc đẩy sản xuất trong năm nay, khi nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu không ổn định.

Số liệu PMI của Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn ở mức dưới 50, tương ứng là 48,7 và 49,8, không thay đổi nhiều so với tháng trước đó, cho thấy lĩnh vực chế tạo vẫn giảm. 

Nhà kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, Usamah Bhatti, cho biết lạm phát cao và giá vật liệu thô tăng, đặc biệt là những vật liệu liên quan đến dầu mỏ. Chi phí đầu vào của các nhà chế tạo tăng do đồng nội tệ giảm.

Trong khi giá dầu bắt đầu hạ nhiệt trở lại, xung đột tại Trung Đông bùng phát, đúng vào thời điểm nhiều nhà máy tại châu Á có thể tăng biên lợi nhuận nhờ lạm phát giảm. Giá dầu có thể tăng mạnh hơn trong quý IV/2023 nếu xung đột lan rộng. Lãi suất cao sẽ ảnh hưởng tới các kế hoạch mở rộng sản xuất của các doanh nghiệp.

Hầu hết các quốc gia Đông Nam Á phụ thuộc vào thị trường nội địa để thúc đẩy tăng trưởng chứng kiến hoạt động chế tạo giảm trong tháng 10. PMI của Việt Nam, Myanmar và Thái Lan giảm, trong khi của Malaysia không thay đổi. Indonesia là quốc gia duy nhất mà hoạt động chế tạo tăng trưởng, dù với tốc độ chậm hơn.

Tại Trung Quốc, PMI lĩnh vực chế tạo theo khảo sát của Caixin giảm xuống 49,5 trong tháng 10, so với mức 50,6 của tháng 9/2023. Trong khi đó, PMI chính thức được công bố trong tuần này cũng cho thấy hoạt động của lĩnh vực này sụt giảm, do nhiều đợt nghỉ lễ cùng với nhu cầu thấp. 

Nhà kinh tế tại Caixin, Wang Zhe, cho rằng nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu thoát đáy, nhưng nền tảng phục hồi chưa vững chắc. Tuy nhiên, có những dấu hiệu cho thấy ít nhất có những lĩnh vực đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. 

Xuất khẩu của Hàn Quốc tăng 5,1% trong tháng 10/2023, lần tăng đầu tiên kể từ cuối năm ngoái. Các nhà chế tạo cũng lạc quan về tình hình 12 tháng tới, khi cho rằng số liệu PMI sẽ khuyến khích việc ra mắt các sản phẩm mới.

Lê Minh

Data Talk ‘Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025’
Cùng chuẩn bị những hành trang đầu tư cho 2025, những phân tích hữu ích của các chuyên gia trên nền tảng dữ liệu quy mô hàng đầu - những gì bạn cần cho quyết định đầu tư trong năm 2025. Tất cả có trong Data Talk số tháng 12/2024 với chủ đề "Theo dấu dòng tiền định chế tài chính: Top 10 cổ phiếu đáng quan tâm năm 2025".