|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup gọi xe xây dựng nhà máy vận hành 100% bởi phụ nữ lớn nhất thế giới

16:20 | 24/09/2021
Chia sẻ
Dịch vụ gọi xe Ola đã mở một nhà máy sản xuất xe scooter hoàn toàn do phụ nữ điều hành, nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động ở Ấn Độ

Futurefactory (tạm dịch: Nhà máy của tương lai) là tên gọi của kế hoạch trị giá 325 triệu USD của hãng gọi xe Ola ở bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ. Nhà máy sẽ sản xuất hai triệu chiếc mỗi năm trong giai đoạn đầu. Đáng chú ý, nhà máy Ola Futurefactory sẽ được vận hành hoàn toàn bởi phụ nữ, với quy mô hơn 10.000 người. 

"Đây sẽ là nhà máy dành cho phụ nữ lớn nhất trên thế giới," CEO Bhavish Aggarwa hào hứng thông báo trên Twitter vào đầu tháng này. 

Ola đang đa dạng hóa hoạt động của mình ngoài thị trường gọi xe, lấn sân sang sản xuất và bán xe tay ga. Ola đã mua lại một startup xe điện vào năm 2020 và bắt đầu mở bán trong tháng này.

Lấn sân sang xe điện, startup chơi lớn với nhà máy lớn nhất thế giới chỉ thuê phụ nữ làm việc - Ảnh 1.

Ola CEO Bhavish Aggarwal chụp ảnh cùng các nữ công nhân tại nhà máy xe điện. (Ảnh: Ola).

Ông Aggarwal cho biết Ola sẽ mang lại cơ hội việc làm cho phụ nữ cả nước. Công ty đã đầu tư đáng kể để đào tạo và nâng cao kỹ năng sản xuất cốt lõi cho nữ giới và họ sẽ chịu trách nhiệm sản xuất toàn bộ mỗi chiếc xe tại Ola Futurefactory.

Một số nhà sản xuất ở Ấn Độ đã từng khai thác lao động nữ trước đây, bao gồm cả công ty hàng gia dụng Hindustan Unilever. Nhưng kế hoạch thuê hơn 10.000 phụ nữ làm việc trong một nhà máy là "một nỗ lực mang tính cách mạng", theo một quan chức trong ngành xe tay ga. 

Theo Nikkei Asia, Ấn Độ có tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động rất thấp. Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới cho thấy tỷ lệ phụ nữ có việc làm trung bình toàn cầu là 47% vào năm 2019. Nhưng tỷ lệ trung bình của 8 quốc gia ở Nam Á là 24%, trong đó tỷ lệ của Ấn Độ thấp nhất trong số đó là 21% , thậm chí dưới 22% của Afghanistan. 

Giáo sư Amit Kapoor tại Viện Năng lực Cạnh tranh cho biết hệ thống xã hội của Ấn Độ mang lại sự thống trị cho nam giới. Đặc biệt, ở các làng quê chuyên sản xuất nông nghiệp, phụ nữ buộc phải làm công việc nhà ngay từ khi còn nhỏ và thiếu cơ hội giáo dục, vì vậy họ khó có thể trở thành một phần của lực lượng lao động. 

Đặc biệt, ở Ấn Độ có sự bất bình đẳng về tài sản lớn giữa người dân thành thị và dân làng nông nghiệp, GDP ở Bihar, một trong những bang nghèo nhất cả nước chỉ bằng gần 1/10 so với ở Delhi. 

Tờ Nikkei Asia đánh giá những nỗ lực của Ola là đáng khen ngợi. Tuy nhiên, Ấn Độ trong trung và dài hạn phải mở rộng môi trường cho phép phụ nữ làm việc mà không có bất kỳ trở ngại nào, theo Giáo sư Kapoor nhận định. 

Một quốc gia gần Ấn Độ là Nepal có tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động lên đến 82%. Theo quan sát của Ram Giri tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Toàn cầu Mitsui & Co., luật pháp Nepal quy định tỷ lệ nữ giới tối thiểu trong thành phần các nhà lập pháp quốc gia.

Thùy Trang