|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Startup có tên lãng mạn và cuộc chiến với thói chộp giật trong nghề môi giới bất động sản ở Việt Nam

18:41 | 30/09/2019
Chia sẻ
Niềm tin của người dân Việt Nam đối với nhân viên môi giới bất động sản tương đối thấp và Rever ra đời để góp phần giải quyết thực tế đáng buồn ấy.

"Rever" nghĩa là "giấc mơ" trong tiếng Pháp. Có lẽ đó là một cái tên đầy lãng mạn cho một startup muốn giải quyết một nỗi đau mang tên "không chuyên nghiệp" trong ngành môi giới bất động sản ở Việt Nam.

Sự lạc quan của các quỹ đầu tư với Rever

Đặt trụ sở ở TP Hồ Chí Minh, Rever là một trong những doanh nghiệp công nghệ bất động sản đầy triển vọng trong thời gian gần đây. Họ đã gọi vốn thành công 2,3 triệu USD trong tháng 9 từ Quỹ Golden Equator Capital và Quỹ Korea Investment Partners (Hàn Quốc).

Trước đó, Rever đã nhận khoản đầu tư 4 triệu USD từ Quỹ VinaCapital Ventures hồi tháng 6.

Phan Le Manh 1

Phan Lê Mạnh (bên trái), giám đốc điều hành công ty Rever. Ảnh: Phan Lê Mạnh

Các quỹ đầu tư tỏ ra lạc quan về khả năng thành công của mô hình trực tiếp kết hợp online của Rever trong một thị trường bất động sản đang phân chia mạnh ở Việt Nam, giống như "kì lân" môi giới bất động sản Lianjia ở Trung Quốc.

"Mục tiêu của chúng tôi không phải là siêu đổi mới hay thay đổi thế giới. Chúng tôi thấy một khoảng trống trong ngành môi giới bất động sản và cách thức doanh nghiệp ở các nước khác lấp lỗ hổng ấy", Phan Nhật Minh, người đồng sáng lập Rever, phát biểu.

Từng giữ chức giám đốc chiến lược của Grab và chuyên gia tư vấn cho Ernst & Young, Minh là một trong số những doanh nhân công nghệ giàu kinh nghiệm trong ban lãnh đạo của Rever. Phan Lê Mạnh, cựu giám đốc tiếp thị của ứng dụng Zalo, thành lập Rever vào năm 2016.

Nỗ lực cải thiện niềm tin của người dân đối với nghề môi giới bất động sản

Niềm tin của người dân Việt Nam đối với môi giới bất động sản tương đối thấp, bởi các vụ lừa đảo diễn ra như cơm bữa. Nhân viên môi giới thường xuyên "khủng bố" khách hàng tiềm năng với những cuộc điện thoại và tin nhắn bất tận. 

Báo giới nhận định sốt đất là hậu quả của tình trạng môi giới bất động sản tung thông tin giả. Chỉ 10-12% trong số khoảng 300.000 môi giới bất động sản ở Việt Nam từng trải qua chương trình đào tạo bài bản, theo dữ liệu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam.

Hoạt động trong thị trường bất động sản sơ cấp và thứ cấp, Rever tận dụng công nghệ để cung cấp thông tin minh bạch về các dự án bất động sản và nhân viên môi giới tham gia các dự án. Công ty xác minh mọi thông tin, đồng thời ghi lại mọi tương tác giữa nhân viên môi giới, người mua và người bán.

"Dữ liệu giao dịch sẽ giúp chúng tôi hạn chế hành vi gian lận, lừa đảo", Minh nói.

Phan Le Manh 3

Chỉ 10-12% trong số khoảng 300.000 môi giới bất động sản ở Việt Nam từng trải qua chương trình đào tạo bài bản. Ảnh: Rever

Ngoài ra, Rever còn cung cấp các giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng bất động sản - như tiếp thị bằng hình ảnh và tạo mô hình 3D thực tế ảo để giúp khách hàng chọn các dự án mà họ muốn xem. 

Bằng cách phân tích dữ liệu, Rever có thể phân loại và nhắm tới những khách hàng có nhu cầu tìm nơi ở mới hoặc đầu tư, giảm thiếu những cuộc gọi và tin nhắn không cần thiết từ nhân viên môi giới.

Mặc dù vậy, Minh thừa nhận giao dịch bất động sản rất phức tạp và tương tác trực tiếp là yếu tố cực kì quan trọng để duy trì niềm tin giữa các bên. 

Với nhận thức ấy, Rever đã thành lập 5 trung tâm dịch vụ ở TP Hồ Chí Minh, và công ty sẽ dùng những khoản vốn mới để mở thêm 30 trung tâm dịch vụ, mở rộng tới các thành phố lớn trong vòng hai năm tới.

Giáo dục nhân viên môi giới

Minh thừa nhận một trong những nguy cơ là các nhân viên môi giới có thể lấy thông tin và dữ liệu giao dịch trên hệ thống của Rever để thực hiện những giao dịch riêng. Nhưng anh cũng nhấn mạnh rằng công ty lưu trữ mọi giao dịch và Rever có thể biết giao dịch hoàn thành hay không ngay cả khi các bên đã bước vào giai đoạn đàm phán.

Điểm mấu chốt là bảo đảm rằng các môi giới có thể thấy những lợi ích của việc duy trì năng suất trong hệ thống môi giới của Rever. Công ty đã dành nhiều nỗ lực cho việc giáo dục nhân viên môi giới trong Học viên Rever, nơi tổ chức những khóa học đa dạng - từ kĩ thuật đàm phán trong bất động sản tới cách nói năng dành cho dân bán hàng.

Chương trình đào tạo của Học viện Rever. Video: Học viện Rever

"Trong tương lai, chúng tôi sẽ triển khai những chức năng cho phép khách hàng đánh giá chuyên viên môi giới. Chúng tôi muốn bảo đảm rằng sự hài lòng của khách hàng sẽ là yếu tố quan trọng đối với việc xác định mức hoa hồng của môi giới", Minh nói.

Đối với người mua, Minh khẳng định, tiến hành giao dịch trong hệ thống của Rever sẽ khiến họ yên tâm hơn, bởi giao dịch bất động sản thường là những khoản đầu tư lớn nhất trong cuộc đời họ.

Doanh thu của Rever đạt 1,5 triệu USD trong năm 2018 và công ty dự đoán con số sẽ tăng gấp 3 lần trong năm nay, với gần 1.000 giao dịch tính tới thời điểm hiện tại. Mục tiêu của Rever là có lãi trong vòng 36 tháng tới. 

"Không đốt tiền để giành thị phần"

Trong năm 2017, theo Minh, công ty chỉ thực hiện khoảng 200 giao dịch và tiêu khoảng 800.000 USD. Vào cuối quý 3 năm nay, số lượng giao dịch của Rever đã tăng gấp 4 lần so với năm 2017, trong khi mức "đốt" tiền vẫn như cũ.

"Rever sẽ tập trung vào nỗ lực tạo ra những dịch vụ trọn gói và dịch vụ theo yêu cầu của từng khách hàng, đồng thời tránh đốt tiền để giành thị phần", Minh thổ lộ.

Ngoài Rever, một số startup công nghệ hoạt động trong lĩnh vực môi giới bất động sản ở Việt Nam bao gồm LinkHouse hay Propzy. 

Một báo cáo do công ty dịch vụ bất động sản JLL công bố hồi tháng 7 cho thấy, các công ty công nghệ bất động sản ở Việt Nam tập trung vào thị phần nhà ở, môi giới, thuê nhà và quản lí bất động sản.

JLL nhấn mạnh trong báo cáo rằng triển vọng của các doanh nghiệp công nghệ bất động sản ở Việt Nam vẫn rất tiềm năng bất chấp những yếu tố bất lợi như tư duy kinh doanh cũ và lòng tin thấp từ phía công chúng. 

"Dân số trẻ và am hiểu công nghệ là nhân tố chủ yếu thúc đẩy thị trường bất động sản dựa trên công nghệ. Một ví dụ tiêu biểu là trang batdongsan.com.vn, kênh thông tin bất động sản mà PropertyGuru (Singapore) mua vào năm 2018)", báo cáo của JLL nhận định.

Nhạc Dương