|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Start-up buôn đồ hiệu cũ kiếm bộn tiền ở Dubai

21:04 | 03/05/2017
Chia sẻ
Theo Forbes, dù tăng trưởng kinh tế chững lại, nhưng cơn khát hàng xa xỉ tại Trung Đông chưa bao giờ có dấu hiệu thuyên giảm. Theo Bain & Company, chi tiêu hàng xa xỉ trên đầu người của khu vực này là 1.900 USD/năm, cao nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa với nhu cầu trao đổi, buôn bán đồ xa xỉ cũ là vô cùng lớn.
start up buon do hieu cu kiem bon tien o dubai
Từ năm 2012, Luxury Closet duy trì mức tăng trưởng thường niên 100% - Ảnh: Forbe

Nắm bắt được tiềm năng này, doanh nhân người Ấn Độ Kunal Kapoor đã xây dựng sàn giao dịch trực tuyến Luxury Closet đặt tại Dubai, nơi giới giàu có đăng bán những món đồ xa xỉ đã hết mùa hoặc họ không còn yêu thích, còn dân mê đồ hiệu lên đây săn đồ xa xỉ với mức giá vừa túi tiền hơn.

Kapoor, khởi nghiệp tại công ty giày của gia đình ở Ấn Độ, từng có thời gian làm nhân viên bán hàng tại Louis Vuitton ở Dubai trước khi thành lập trang web này vào năm 2012.

Ban đầu, Kapoor tìm hiểu và thành lập hai mô hình kinh doanh: Một mô hình cửa hàng truyền thống hoạt động tại Hồng Kông, Nhật Bản và một mô hình trực tuyến tại Mỹ.

“Sau đó chúng tôi sáp nhập hai mô hình này và thành lập một cửa hàng trực tuyến với lựa chọn tới tận nơi nhận hàng”, Kapoor nói.

Luxury Closet nhận được đầu tư từ nhiều công ty lớn trong khu vực như Middle East Partners, Dubai Silicon Oasis Authority, twofour54 và MENA Venture Investments với số tiền 2,2 triệu USD và 7,8 triệu USD trong hai vòng gọi vốn năm 2015 và 2016.

Số tiền này giúp công ty mở rộng hoạt động với mục tiêu phủ sóng toàn cầu. Mới đây, Luxury Closet mở thêm văn phòng tại Riyadh, Saudi Arabia và New Delhi, Ấn Độ.

Bởi các thương hiệu xa xỉ hàng đầu thế giới rất ít khi giảm giá, nên trong nhiều năm qua, Luxury Closet trở thành lựa chọn vô cùng hấp dẫn tại Trung Đông.

“Từ năm 2012, Luxury Closet duy trì mức tăng trưởng thường niên 100%. Chúng tôi đầu tư mạnh tay vào công nghệ và quảng cáo, đồng thời đặt mục tiêu tăng trưởng thay vì lợi nhuận trước mắt”, công ty này cho biết.

Trang web này hiện có 500.000 thành viên đăng ký và có ứng dụng trên hệ điều hành iOS bằng cả tiếng Anh và tiếng Ả Rập.

Các món đồ xa xỉ trên Luxury Closet đến từ lượng người bán đông đảo ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia, Qatar, Bahrain, Lebanon, Kuwait, Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ và được xác minh nguồn gốc trước khi đăng bán.

“Chúng tôi mang người bán và người mua hàng hiệu cũ lại với nhau. Hiện Luxury Closet có hơn 15.000 món hàng “độc” của hơn 200 thương hiệu. 20% các món đồ này vẫn còn mới và chưa qua sử dụng”.

Từ nhiều thập kỷ qua, các trang web mua bán quần áo cũ không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, ý tưởng mua - bán đồ hiệu cũ trên mạng mới trở nên phổ biến vài năm trở lại đây.

“Các công ty như eBay đã thực hiện ý tưởng này khá lâu trước đây, nhưng gặp phải vấn đề nan giải là chất lượng dịch vụ không đảm bảo và hàng nhái, hàng giả”, Kapoor cho biết.

Trong khi đó, Luxury Closet giúp người mua xác minh nguồn gốc hàng hoá và cung cấp dịch vụ tốt tới cả người bán lẫn người mua.

“Chúng tôi đã xây dựng một quy trình và hệ thống cơ sở dữ liệu để đánh giá và xác định nguồn gốc chính hãng của hàng hoá thuộc hàng trăm thương hiệu từ túi xách, quần áo, cho tới trang sức…”, Kapoor cho biết. “Chúng tôi cũng cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng đẳng cấp cho cả người bán lẫn người mua, đồng thời quản lý chặt chẽ cả quy trình, từ khâu đánh giá cho tới lấy hàng, giao hàng, thanh toán”.

Trang web của Kapoor thu hoa hồng 20 - 35% từ người bán, tuỳ thuộc vào giá trị và độ nổi tiếng của món đồ.

Chanel và Hermès vẫn là hai hãng thời trang được yêu thích nhất với mức giá bán trên Luxury Closet dao động từ vài trăm tới vài nghìn USD.

“Túi xách là danh mục hàng bán tốt nhất trên Luxury Closet, với giá trị cao hơn nhiều các mặt hàng khác. Chúng tôi có sẵn nhiều chiếc túi giá từ 885 USD tới 61.490 USD (Hermès Birkin)”, Kapoor cho biết.

Kim Tuyến

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.