|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

SSI Research: Sản lượng xuất khẩu của Vĩnh Hoàn phục hồi từ quí IV, giá bán sẽ chạm đáy đầu năm sau

06:57 | 12/11/2019
Chia sẻ
Dù kết quả kinh doanh quí III của CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) là thấp, Bộ phận phân tích CTCK Sài Gòn (SSI Research) cho rằng Vĩnh Hoàn vẫn có khả năng hoàn thành kế hoạch đặt ra năm 2019.

Theo tính toán của SSI Research, giá xuất khẩu trung bình của cá tra Việt Nam vào Mỹ giảm 20% so với cùng kì năm trước, xuống còn 3,62 USD/kg trong tháng 7 - 8 năm nay.

Tỷ suất lợi nhuận gộp của Vĩnh Hoàn đã giảm 2 quý liên tiếp. Trong quí III/2019, biên lãi gộp và biên lãi ròng của Công ty lần lượt ở mức 19,7% và 13,5%, trong khi cùng kì năm trước lên đến 29,9% và 24,1%.

Theo đó, tác động kép từ giá bán trung bình giảm cùng với lượng đơn đặt hàng thấp đã dẫn đến kết quả kinh doanh suy giảm của Vĩnh Hoàn trong quí III năm nay.

Tuy nhiên, SSI Research dẫn thông tin lãnh đạo Vĩnh Hoàn cho rằng giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn đã tạo đáy trong quí III và bắt đầu tăng từ quí IV, do các đơn hàng trong tháng 10 cho thấy dấu hiệu phục hồi.

SSI VHC

(Nguồn: Vĩnh Hoàn, SSI Research)

Theo SSI Research, giá nguyên liệu cá tra đã chạm mức thấp nhất 3 năm vào tháng 7/2019 ở mức 19.500 - 20.000 đồng/kg và ổn định suốt 3 tháng, nhiều nông dân bị thua lỗ và phải giảm quy mô vùng nuôi.  Ứớc tính thặng dư nguồn cung sẽ giảm dần và giá nguyên liệu sẽ tăng nhẹ vào cuối năm 2019.

Bên cạnh đó, cá rô phi Trung Quốc (một trong những sản phẩm thay thế cho cá tra Việt Nam) cũng có tình trạng tương tự, trong đó giá thấp cũng khiến nông dân Trung Quốc không muốn thả nuôi mới.

SSI Research nhận định, người nông dân đã bắt đầu thu nhỏ quy mô vùng nuôi cá tra kể từ tháng 5 - 6, khi giá nguyên liệu cá tra đang trên đà giảm mạnh.

Do các hoạt động nuôi trồng thường kéo dài trong 8 tháng, nguồn cung cá tra và cá rô phi ước tính sẽ giảm đáng kể từ nửa cuối quý I/2020.

Hiện nay, giá cá tra Việt Nam đã rẻ hơn cá rô phi Trung Quốc ở thị trường Mỹ kể từ quí II năm nay. Điều này là do cá rô phi Trung Quốc bị Mỹ nâng thuế nhập khẩu lên 25%.

SSI Research kì vọng cá tra Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn đối với khách hàng Mỹ, giúp giá bán trung bình dần hồi phục. Hiện, Mỹ là thị trường chính của Vĩnh Hoàn với gần 60% kim ngạch xuất khẩu.

ca ro ca tra

(Nguồn: NOAA Fisheries, SSI Research)

Bên cạnh đó, thị trường EU cũng đang phục hồi trở lại, sau những nỗ lực của Vĩnh Hoàn và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) nhằm cải thiện hình ảnh cá tra trên thị trường này suốt nhiều năm liền.

Dẫn thông tin Ban lãnh đạo Vĩnh Hoàn, SSI Research cho biết Công ty ước tính giá trị xuất khẩu vào thị trường EU năm 2019 phục hồi 13 - 14% so với cùng kì năm trước. Tính chung, thị trường Mỹ và EU chiếm gần 73% giá trị xuất khẩu của Vĩnh Hoàn trong nửa đầu năm 2019.

Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, VHC đã chi khoảng 600 tỷ đồng đầu tư vào tài sản cố định, 75% kế hoạch hàng năm. 

Với việc hoàn thành mở rộng và nâng cấp vùng nuôi Tân Hưng vào đầu năm 2020, tổng diện tích vùng nuôi của Vĩnh Hoàn sẽ tăng lên 600 ha so với mức 380 ha hiện tại. Theo đó, tỉ lệ tự chủ cá nguyên liệu của Vĩnh Hoàn ước tính sẽ tăng dần từ 55% vào năm 2019 lên 60% vào năm 2020.

Theo SSI Research, Vĩnh Hoàn vẫn muốn duy trì nhập một phần cá nguyên liệu từ các chủ nuôi bên ngoài và tránh tình trạng phụ thuộc toàn bộ vào nguồn cá nguyên liệu tự nuôi. Tỉ lệ tự chủ cá nguyên liệu sẽ được kiểm soát ở mức không quá 70%.

Trong một diễn biến gần đây của cuộc tranh thương mại, Mỹ đã hoãn việc tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc (bao gồm cá rô phi), mà theo kế hoạch là diễn ra vào ngày 15/10/2019.

Những diễn biến tiếp theo của thương chiến cần được theo dõi chặt chẽ, do có thể ảnh hưởng mạnh đến triển vọng cá tra Việt Nam tại thị trường Mỹ.

SSI Research cũng lưu ý đến nhà đầu tư những rủi ro đối với Vĩnh Hoàn đó là tình trạng thừa cung trên thị trường có thể nghiêm trọng hơn ước tính, cùng với đó là kết quả cuối cùng của POR15, công bố trong tháng 2/2020, có thể thay đổi theo hướng bất lợi hơn Vĩnh Hoàn.

Thừa Vân