S&P 500 tăng gần 1%, Dow Jones phục hồi hơn 100 điểm khi giá dầu hạ nhiệt
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 8/10, chỉ số S&P 500 đã tăng 0,97% lên 5.751 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tiến thêm 1,45% và chốt phiên ở mức 18.183 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones nhích 126 điểm lên 42.080 điểm.
Cùng ngày, giá dầu WTI giao ngay đã giảm 4,25% xuống 73,5 USD/thùng khi Israel vẫn chưa có động thái trả đũa cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Iran. Hiện Mỹ và một số quốc gia đang nỗ lực ngăn chặn cuộc xung đột lan rộng tại Trung Đông.
Diễn biến trên đã gây áp lực lên cổ phiếu năng lượng. Trong chỉ số S&P 500, lĩnh vực này giảm 2,6%. Một số mã như Marathon Petroleum và Valero Energy lần lượt mất 7,7% và 5,3%. Ngoài ra, lợi suất trái phiếu tiếp tục duy trì trên mốc 4%, gây một số áp lực cho thị trường.
“Cuộc xung đột (tại Trung Đông) dường như là mối quan tâm hàng đầu trong tâm trí mọi người”, ông Robert Pavlik, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Dakota Wealth Management, cho biết.
"Nhìn xa hơn là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và hiện có rất nhiều điều không chắc chắn xoay quanh vấn đề thuế quan cũng như tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp trong tương lai", ông nói thêm.
Trái ngược với ngành năng lượng, cổ phiếu công nghệ tăng mạnh trong phiên 8/10, với Nvidia và Broadcom lần lượt vọt lên 4% và 3%. Meta Platforms, Tesla và Microsoft đều tăng ít nhất 1%, trong khi Palo Alto Networks tiến thêm 5%.
Cuối tuần trước, báo cáo việc làm tháng 9 mạnh mẽ từng giúp thị trường chứng khoán Mỹ nhích tăng, đưa Dow Jones lên đỉnh mới. Tuy nhiên, bước sang tuần này, thị trường lại chuyển sang lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ không quyết liệt hạ lãi suất vì thị trường lao động chưa suy yếu.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu gần đây, Thống đốc Fed Adriana Kugler cho rằng cơn bão Helene và những sự kiện chính trị ở Trung Đông có thể ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế Mỹ.
“Nếu nguy cơ thị trường việc làm suy yếu gia tăng, có thể Fed cần phải nhanh chóng chuyển sang lập trường trung lập”, bà Kugler phát biểu tại một hội nghị ở Frankfurt, Đức.
Cùng với lời cảnh báo trên, bà cũng “ủng hộ mạnh mẽ” việc Fed hạ lãi suất 50 bps vào tháng 9. Tuy nhiên, vị quan chức cũng lưu ý ngân hàng trung ương Mỹ có thể phải giảm tốc độ nới lỏng nếu lạm phát dai dẳng hơn dự kiến.
Trong khi đó, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston Susan Collins kỳ vọng sẽ có thêm nhiều đợt cắt giảm lãi suất nữa khi lạm phát và thị trường lao động nguội đi.
“Niềm tin của tôi vào xu hướng thiểu phát đã tăng lên. Nhưng đồng thời, rủi ro nền kinh tế chậm lại...cũng tăng theo. Có thể Fed sẽ cần phải điều chỉnh chính sách thêm nữa”, bà nói.