|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

S&P 500, Nasdaq Composite đứt chuỗi tăng nhưng Dow Jones lại lập kỷ lục mới

07:47 | 27/01/2024
Chia sẻ
Nhờ dữ liệu kinh tế thuận lợi, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã tiếp tục tăng trong phiên 26/1 lên mức cao nhất mọi thời đại.

Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 26/1, chỉ số S&P 500 đã giảm 0,07%, xuống 4.891 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite chốt phiên giảm 0,36%, còn 15.455 điểm do cổ phiếu Intel trượt dốc sau báo cáo kết quả kinh doanh. 

 

Tuy nhiên, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones lại đi ngược xu hướng này và tăng thêm 60 điểm, tương đương 0,16% lên 38.109 điểm - tiếp tục là mức chốt phiên cao nhất mọi thời đại mới. Cả ba chỉ số chính hiện đều đã cao hơn 100% so với mức đáy ghi nhận hồi đại dịch COVID.

Trong tuần qua, Dow Jones đã tăng ròng 246 điểm. 

Bất chấp kết quả phân hóa trong phiên ngày 26/1, cả ba chỉ số trung bình chính đều có một tuần thắng lợi. S&P 500 tăng khoảng 1,1%, Nasdaq Composite nhích lên khoảng 0,9% trong khi Dow Jones tiến thêm 0,7%.

Kết quả hôm 26/1 cũng chấm dứt chuỗi tăng điểm kéo dài 6 ngày của S&P 500 và Nasdaq Composite. Tính đến cuối ngày 25/1, chỉ số S&P 500 đã chốt phiên ở mức cao kỷ lục trong 5 phiên liên tiếp - chuỗi dài nhất kể từ tháng 11/2021.

Chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong tuần qua nhờ dữ liệu kinh tế đáng khích lệ. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) lõi trong tháng 12 phù hợp với dự báo của các nhà kinh tế, chỉ tăng 0,2% so với tháng 11. Nếu so với cùng kỳ năm trước, PCEPI lõi tăng 2,9%, thấp hơn so với mức ước tính là 3%. 

 

Trước đó, dữ liệu GDP cho thấy nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng mạnh hơn dự kiến trong quý IV. Những số liệu trên đã củng cố hy vọng của các nhà đầu tư rằng nền kinh tế số một thế giới đã tránh được suy thoái. 

Ông Rhys Williams, chiến lược gia trưởng tại Spouting Rock Asset Management, nhận định: “Tất cả dữ liệu kinh tế trong tuần này, cả GDP và PCEPI, đều tốt”. 

“Tôi nghĩ những dữ liệu này cho thấy chúng ta vẫn đang trong kịch bản hạn cánh mềm, nơi nền kinh tế yếu đi một chút nhưng vẫn tích cực”, ông nói.

Tuy nhiên, tình trạng bán tháo ở một số cổ phiếu phổ biến do báo cáo kết quả kinh doanh không đạt kỳ vọng đã hạn chế mức tăng của chứng khoán Mỹ trong tuần qua. 

Trong năm 2023, cổ phiếu Intel không tăng mạnh như những hãng bán dẫn khác, chẳng hạn Nvidia hay AMD.

Chốt phiên 26/1, cổ phiếu của nhà sản xuất chip Intel đã giảm gần 12% sau khi đưa ra triển vọng tài chính quý đầu tiên đáng thất vọng. Cổ phiếu KLA tụt hơn 6% do công ty bán dẫn này đưa ra dự báo yếu hơn cho quý tài chính thứ ba. 

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu American Express tăng hơn 7% nhờ việc công bố dự báo lợi nhuận cả năm tốt hơn mong đợi, giúp chỉ số Dow Jones không tụt quá sâu do ảnh hưởng từ đợt bán tháo cổ phiếu Intel. 

Ngoài ra, cổ phiếu Tesla, vốn được các nhà đầu tư bán lẻ yêu thích, đã ghi nhận tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 10/2023 khi giảm 13,6%. Cổ phiếu của hãng xe điện này tụt sâu sau khi công bố lợi nhuận đáng thất vọng và cảnh báo những khó khăn trong năm 2024. 

Cổ phiếu VinFast (VFS) giảm 2,94% xuống 5,94 USD/cp. Với kết quả trên, vốn hóa VinFast còn 13,9 tỷ USD, đứng thứ 26 trong danh sách những hãng xe lớn nhất thế giới.

Cổ phiếu công nghệ dẫn đầu đà giảm trong phiên 26/1.

Minh Quang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.