|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Sống vật vờ hàng năm trời, vừa bị khai tử thì mảng smartphone lại bất ngờ mang bội tiền về cho LG vì lý do này

07:59 | 19/03/2022
Chia sẻ
Nhà sản xuất của Hàn Quốc dù đã từ bỏ cuộc chơi smartphone nhưng hiện vẫn có thể kiếm lời từ việc bán các bản quyền, bằng sáng chế thiết bị điện thoại thông minh của họ.
Dù đã khai tử smartphone nhưng LG vẫn 'cá kiếm' đều đều từ mảng này - Ảnh 1.

LG cho biết quyết định ngừng sản xuất và bán smartphone không đồng nghĩa với việc công ty từ bỏ lợi nhuận từ mảng kinh doanh này. (Ảnh: Reuters).

LG có thể từ bỏ mảng sản xuất smartphone nhưng với những thiết kế điện thoại thông minh của mình, công ty Hàn Quốc này vẫn có thể bán các bằng sáng chế công nghệ liên quan để thu lời, ví dụ 5G hoặc wifi...

Theo The Elec, LG đang xem xét cấp phép một vài sáng chế trong khoảng 20.000 bằng sáng chế mà hãng đang sở hữu từ trước khi khai tử mảng smartphone. Công ty được cho là đang thành lập một công ty phụ để xử lý các hợp đồng cấp phép với nhiều thương hiệu điện thoại thông minh khác nhau, theo Digital Trends

LG cũng cân nhắc đến việc bán một số bằng sáng chế đó cho các công ty quan tâm đến chúng. Vài tháng sau khi LG rút lui khỏi điện thoại thông minh, Samsung được cho là đang để mắt đến danh mục bằng sáng chế 5G của LG. Tuy nhiên, động thái này vẫn đang được xem xét kỹ, không rõ liệu Samsung có thực sự hào hứng với những công nghệ này hay không. 

Do mảng kinh doanh smartphone của LG giờ chỉ còn là dĩ vãng, việc chia sẻ công nghệ với các đối thủ cũ cũng không còn là vấn đề. Theo nhiều đồn đoán, LG buộc phải sang nhượng lại các công nghệ smartphone do chi phí duy trì bằng sáng chế cao, ước tính khoảng 20 tỷ won (khoảng hơn 16 triệu USD) mỗi năm. 

Nếu báo cáo là chính xác, LG sẽ tiếp bước Nokia, hãng đã từ bỏ mảng kinh doanh điện thoại thông minh của mình. Cả hai công ty đều phải vật lộn để cạnh tranh với những chiếc điện thoại Android tốt nhất trên thị trường, trong đó có Samsung. 

LG đã cấp phép một số bằng sáng chế liên quan đến công nghệ di động và linh kiện ô tô, thông qua Avanci, một công ty trung gian độc lập. Tuy nhiên, do LG hiện đang tập trung vào các sản phẩm nhà thông minh, công ty có thể sẽ giữ lại một số bằng sáng chế mà họ có thể thấy hữu ích trong tương lai.

Tại sao LG khai tử mảng smartphone là điều đúng đắn?

Việc LG rời bỏ cuộc chơi smartphone được các chuyên gia đánh giá là một quyết định đúng đắn, bởi mảng điện thoại của hãng này đã thua lỗ 23 quý liên tiếp, với tổng số lỗ là hơn 4,4 tỷ USD.

Bắt đầu nhảy vào thị trường điện thoại từ năm 1995, LG rơi vào một vị thế khó khăn khi ngành công nghiệp smartphone có sự phân nhánh rõ rệt trong cuộc dịch chuyển sang công nghệ 5G. Ở phân khúc cao cấp, Apple và Samsung là hai thương hiệu vô cùng nổi tiếng, luôn chạy đua với những thiết bị mới nhất với giá lên tới hơn 1.000 USD mỗi chiếc.

Ở phân khúc thấp, các nhà sản xuất tung ra những sản phẩm chỉ có giá vài trăm USD, nhưng kiếm lời thông qua thuê ngoài việc thiết kế và chế tạo, bỏ qua tất cả những kênh quảng cáo tốn kém và chỉ tập trung vào những chiến dịch quảng cáo online.

Các sản phẩm điện thoại LG sau đó dần mất khách, nhất là khi những nhà sản xuất đến từ Trung Quốc như Xiaomi và Oppo xuất hiện và nhanh chóng chiếm lĩnh phân khúc smartphone bình dân. Năm 2020, LG rớt xuống vị trí thứ 9 trong xếp hạng doanh số của các hãng sản xuất smartphone trên thế giới, chiếm thị phần chỉ khoảng 2%.

Ở chiều ngược lại, các thương hiệu smartphone Trung Quốc như Huawei, Xiaomi, Vivo và Oppo, chiếm tỷ trọng kỷ lục 57% thị trường smartphone toàn cầu trong năm 2020, theo dữ liệu của Strategy Analytics. Trong khi chỉ mới cách đây hai thập, các nhà sản xuất Trung Quốc chưa chiếm quá 1% thị phần.

Dù đã khai tử smartphone nhưng LG vẫn 'cá kiếm' đều đều từ mảng này - Ảnh 2.

Nhà máy sản xuất smartphone của LG ở Hải Phòng. (Ảnh: LG Electronics).

Ông Tom Kang, Giám đốc phụ trách nghiên cứu của Công ty Nghiên cứu thị trường công nghệ Counterpoint Research nói rằng sự phân nhánh rõ rệt của ngành smartphone đặt LG vào thế đứng giữa ngã ba đường. 

Trong khi các sản phẩm khác của LG như TV màn hình phẳng, thiết bị nhà bếp...được định hướng đi theo phân khúc cao cấp để thu hút tầng lớp người tiêu dùng có khả năng tài chính tốt, smartphone LG lại không thuộc về một phân khúc tương tự.

"Các sếp lớn của LG bắt đầu nghĩ rằng: tại sao chúng ta lại ở trong lĩnh vực kinh doanh này khi mà tất cả những gì mà chúng ta làm chỉ là gắn thương hiệu của mình lên đó?", ông Kang nói với tờ Wall Street Journal.

Trước khi smartphone chiếm lĩnh thế giới, LG từng gây ấn tượng mạnh trên thị trường điện thoại di động truyền thống bằng những sản phẩm như Chocolate hay enV. Nhưng rồi hệ điều hành iOS và Android đã thay đổi mọi thứ và khả năng thích nghi của LG lại không đủ nhanh để nắm bắt.

Những sản phẩm điện thoại Android đời đầu của LG không gây được tiếng vang. Chiếc Nitro HD mà LG tung ra vào năm 2011 là một ví dụ. Đây là sản phẩm smartphone quan trọng (flagship) của hãng sau một thời gian dài, nhưng được trang bị phần mềm lỗi thời, chưa kể tuổi thọ pin ngắn. Sau đó, những mẫu smartphone LG khác như G-series có sự cải thiện đáng kể và cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm của Samsung và HTC.

Blogger công nghệ Austin Evans nhận xét rằng "Smartphone LG chưa bao giờ hoàn hảo, nhưng trong thế giới của những chiếc điện thoại dạng phiến nhàm chán, LG đã mang đến vài trong số những thiết kế, ý tưởng và tính năng độc đáo nhất từng có".

Theo một số ước tính, việc từ bỏ mảng smartphone có thể cải thiện lợi nhuận hàng năm của LG một khoản lên tới 800 tỷ Won, tương đương 708 triệu USD, trong những năm sắp tới.

Ngoài ra, LG có thể tập trung vào các lĩnh vực khác được xem là đầu tàu tăng trưởng của hãng trong tương lai, như linh kiện ôtô điện và robot, cũng như tập trung vào mảng thiết bị gia dụng, thứ làm nên thương hiệu của hãng và ăn nên làm ra trong đại dịch.

Kết quả tài chính năm 2021 của LG Electronics cho biết, công ty đạt doanh thu hàng năm cao nhất trong lịch sử là 74,72 nghìn tỷ won (63,16 tỷ USD) cũng như chạm mức doanh thu kỷ lục 21,01 nghìn tỷ won (17,76 tỷ USD) trong quý IV. 

Đồng thời, vượt qua Whirlpool của Mỹ, LG tiếp tục dẫn đầu doanh thu thị trường thiết bị gia dụng toàn cầu trong năm 2021 nhờ các giải pháp công nghệ điện tử gia dụng tiện ích và sáng tạo. 

Theo đó, doanh thu của LG trong năm 2021 tăng 28,7% so với năm 2020, chủ yếu đến từ sự tăng trưởng doanh số của ngành hàng thiết bị gia dụng cao cấp và các dòng TV OLED. Lợi nhuận hoạt động 3,86 nghìn tỷ won (3,27 tỷ USD) về cơ bản không thay đổi, giảm 1% so với năm trước. 


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Vượng Phát

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.