Sóng gió chưa 'buông tha' Facebook: Thua kiện 90 triệu USD, lọt luôn top 10 vụ kiện về bảo mật dữ liệu lớn nhất lịch sử nước Mỹ
Công ty mẹ của mạng xã hội Facebook là Meta đã đồng ý trả 90 triệu USD để giải quyết một vụ kiện tập thể kéo dài hàng thập kỷ về một hoạt động cho phép mạng xã hội này theo dõi hoạt động của người dùng trên internet, ngay cả khi họ đã đăng xuất khỏi nền tảng, theo CNN.
Thỏa thuận này được công bố vào ngày 15/2, là một trong những thỏa thuận lớn nhất trong lịch sử của công ty truyền thông xã hội có trụ sở tại Mỹ, nhưng việc này không có khả năng ảnh hưởng đến lợi nhuận của gã khổng lồ ngành internet do tỷ phú Mark Zuckerberg điều hành.
Theo DiCello Levitt Gutzler, một trong những công ty luật tham gia vụ kiện, nếu được thông qua, thỏa thuận liên quan đến Facebook cũng sẽ được xếp hạng trong số 10 vụ kiện tập thể lớn nhất về quyền riêng tư dữ liệu ở Mỹ.
Người phát ngôn của Meta, Drew Pusateri chia sẻ trên kênh CNN: "Việc đạt được thỏa thuận giải quyết trong trường hợp này, vốn đã kéo dài hơn một thập kỷ, vì lợi ích tốt nhất của cộng đồng và các cổ đông của chúng tôi. Chúng tôi rất vui khi vượt qua vấn đề này". Cùng với đó, phía công ty mẹ của Facebook cũng phủ nhận mọi hành vi sai trái như một phần của thỏa thuận.
Vụ việc này lần đầu được đệ trình lên cơ quan chức năng vào năm 2012, bắt nguồn từ bản cập nhật năm 2010 của Facebook có tên "Open Graph", được thiết kế để cung cấp cho bạn bè của người dùng cái nhìn sâu hơn về hoạt động và sở thích của họ trên internet.
Là một phần trong bản cập nhật trên, công ty do tỷ phú Mark Zuckerberg điều hành đã tạo ra nút "Like" trên các trang web bên ngoài không phải Facebook. Người dùng có thể nhấn vào đó để làm nổi bật sở thích của họ đối với những gì có trên Facebook.
Tuy nhiên, nút "Like" này cũng cho phép Facebook sử dụng cookie, thu thập dữ liệu về hoạt động của người dùng trên trang web đó, chẳng hạn như trang web họ truy cập, mặt hàng họ đã xem hoặc mua hay thông tin liên lạc mà họ có với trang web đó, bất kể người dùng có thực sự sử dụng nút này hay thậm chí biết nó ở đó hay không, theo tài liệu từ tòa án.
Để giảm bớt những lo ngại về quyền riêng tư, công ty được điều hành bởi tý phú Mark Zuckerberg cho biết vào thời điểm đó rằng họ sẽ không thu thập cookie nhận dạng người dùng về hoạt động của họ trên các trang web đối tác khi họ đã đăng xuất khỏi Facebook.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu và nhà phân tích internet đã phát hiện ra rằng công ty mẹ của Facebook sau đó vẫn tiếp tục thu thập một số cookie nhận dạng về hoạt động trên internet của người dùng, ngay cả khi họ đã đăng xuất khỏi nền tảng. Điều này là hoàn toàn trái với những gì mà ông lớn trong ngành công nghệ tới Mỹ đã cam kết.
Sau khi các vấn đề về quyền dữ liệu bảo mật riêng tư của Facebook được công khai vào năm 2011, công ty này ban đầu đã bảo vệ hành vi của mình, nhưng sau đó đã đưa ra các bản sửa lỗi và làm rõ các chính sách trên mạng xã hội. Dù vậy, các thành viên trong hội đồng liên quan đến vụ kiện sau đó đã đưa vụ việc ra pháp luật, tố cáo phía Meta vi phạm các chính sách hợp đồng.
Cuộc chiến pháp lý giữa các bên kéo dài trong nhiều năm. Vào năm 2017, sau khi các nguyên đơn gửi đơn khiếu nại mới, lần thứ ba được sửa đổi và bổ sung, một thẩm phán đã đưa ra đề nghị bác bỏ vụ kiện kéo dài trong nhiều năm này.
Tuy nhiên, các nguyên đơn đã kháng cáo việc bác bỏ vụ kiện. Tới năm 2020, US Court of Appeals for the Ninth Circuit (một tòa án phúc thẩm tại Mỹ) đã phần nào đảo ngược quyết định trên.
Phía Meta sau đó đã kháng cáo quyết định lên Tòa án Tối cao, từ chối xét xử vụ việc, mở ra cơ hội cho các bên bắt đầu bước vào xử lý vụ việc theo hình thức thương lượng giải quyết vấn đề.
Việc thương lượng để đưa ra các thỏa thuận được áp dụng cho những người dùng Facebook ở Mỹ có tài khoản được lập và sử dụng trong khoảng thời gian từ ngày 22/4/2010 đến ngày 26/9/2011 và đã truy cập các trang web không phải của Facebook có hiển thị nút "Like". Tất nhiên, danh sách các trang web này là một bản danh sách dài, từ Pandora cho đến kênh ESPN.
Là một phần của thỏa thuận, Meta đã đồng ý xóa dữ liệu người dùng mà công ty này đã thu thập thông qua các hoạt động trước đó. Stephen Grygiel, một trong những luật sư chính đại diện cho các thành viên trong hội đồng kiện Meta cho biết: "Vụ việc này thực sự là một lời cảnh tỉnh cho các công ty quảng cáo và internet, những người thu thập dữ liệu người dùng và sử dụng tính năng theo dõi trình duyệt nâng cao".