|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Sôi sục thị trường lúa gạo

16:19 | 24/03/2020
Chia sẻ
Dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng xuất khẩu gạo đang rất sôi động. Trong đó, xuất sang Trung Quốc tăng rất mạnh cả về lượng lẫn giá trị trong 2 tháng đầu năm nay.
Sôi sục thị trường lúa gạo - Ảnh 1.

Thu hoạch lúa đông xuân tại Long An. Ảnh: Thanh Sơn.

Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam

Theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo tăng trưởng rất ấn tượng. Cụ thể, trong tháng 2, lượng gạo xuất khẩu đạt gần 533 ngàn tấn, trị giá hơn 238 triệu USD, tăng 93,9% về lượng và 104,2% về kim ngạch so với tháng 2/2019.

Nhờ vậy, trong 2 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu đạt gần 929 ngàn tấn, trị giá hơn 430 triệu USD, tăng 30,5% về lượng và 38,2% về giá trị.

Philippines đang là thị trường lớn nhất của gạo Việt Nam 2 tháng qua khi đã nhập tới trên 357 ngàn tấn gạo, trị giá gần 155 triệu USD, tăng 13,4% về lượng và 23,5% về giá trị so với cùng kỳ 2019. Tiếp đó là Iraq với 90 ngàn tấn, trị giá gần 48 triệu USD; Malaysia hơn 94 ngàn tấn, trị giá hơn 40 triệu USD.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ 4 của gạo Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, với hơn 66 ngàn tấn gạo, trị giá hơn 37 triệu USD. Tuy chỉ đứng thứ 4 cả về lượng lẫn giá trị, nhưng đây lại là thị trường tăng trưởng ấn tượng nhất. So với cùng kỳ 2019, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc trong 2 tháng qua đã tăng tới 594,5%, còn giá trị tăng tới 723,6%.

Ngoài Trung Quốc, một số thị trường khác cũng tăng trưởng rất cao như Pháp (tăng 554,1% về lượng và 723,6% về giá trị), Đài Loan (tăng 214% về lượng và 257,5% về giá trị), Nga (tăng 218,2% về lượng và 156,4% về giá trị)…

Tuy nhiên, đây không phải là những thị trường quan trọng của gạo Việt Nam, lượng gạo xuất khẩu sang những thị trường này lại rất ít, chỉ từ chưa tới 1.000 tấn tới vài ngàn tấn trong 2 tháng qua, do đó, những sự tăng trưởng ấy không mấy tác động tới sự tăng trưởng chung của xuất khẩu gạo đầu năm nay.

Chính vì vậy, sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường Trung Quốc (đã từng là thị trường lớn nhất và hiện vẫn là một trong những thị trường lớn của gạo Việt Nam), mang ý nghĩa rất lớn đối với xuất khẩu gạo.

Trước hết, sự tăng trưởng mạnh ở thị trường Trung Quốc đã góp phần không nhỏ giúp cho tăng trưởng tốt về xuất khẩu gạo trong 2 tháng đầu năm bất chấp dịch Covid-19.

Xin lưu ý rằng trong 2 năm 2018 và 2019, Trung Quốc đã giảm mạnh nhập khẩu gạo từ Việt Nam. Cụ thể, năm 2018, lượng và giá trị gạo xuất khẩu sang Trung Quốc giảm lần lượt 41,8% và 33,4% so năm 2017.

Năm 2019, lượng và giá trị gạo xuất sang Trung Quốc giảm tiếp 64,2% về lượng và 64,82% về giá trị so năm 2018.

Vậy tại sao Trung Quốc lại tăng rất mạnh lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam trong 2 tháng qua? Theo ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, dịch Covid-19 đã làm tăng nhu cầu tích trữ lương thực ở Trung Quốc.

Bên cạnh đó, một số vùng ở Trung Quốc, do logisctics nội địa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nên cần phải nhập thêm gạo từ các nước lân cận để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Một doanh nhân khác trong ngành gạo lại cho hay, lượng gạo mà Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, chủ yếu là gạo nếp. Việc tăng mạnh nhập khẩu gạo nếp từ phía Trung Quốc là chuẩn bị sẵn cho nhu cầu của Tết Đoan ngọ (5-5 âm lịch). Cũng theo doanh nhân này, thực tế Trung Quốc không thiếu gạo, bởi trong thời gian qua, họ đã gần như ngưng xuất khẩu gạo ra nước ngoài.

Theo báo cáo tháng 3/2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), về tổng thể, sản lượng gạo của Trung Quốc vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ nội địa.

Dự báo sản lượng gạo năm thị trường 2019/2020 (từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020) của Trung Quốc là 146,7 triệu tấn, trong khi tổng nhu cầu nội địa vào khoảng 143 triệu tấn.

Tồn kho gạo năm thị trường 2019/2020 của Trung Quốc vào khoảng 117,7 triệu tấn, chiếm tới gần 70% lượng gạo tồn kho toàn cầu. Với lượng tồn kho ấy, trong năm thị trường 2019/2020, Trung Quốc có thể sẽ xuất khẩu 3,2 triệu tấn gạo (năm ngoái, Trung Quốc xuất 2,5 triệu tấn, tăng 40% so năm 2018).

Không lo thiếu gạo

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, với mức độ thâm canh cao trong sản xuất lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, tháng nào ở khu vực này cũng có lúa được thu hoạch. Tháng thu hoạch ít nhất là khoảng 100 ngàn ha, và trong năm, chỉ có 4 tháng thu hoạch ít nhất.

Tháng thu hoạch cao nhất là 500 ngàn ha. Chỉ tính riêng vụ đông xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long, thì sản lượng lúa đông xuân năm nay dự kiến xấp xỉ 11 triệu tấn, tương đương với khoảng 3 triệu tấn gạo.

Trong đó, chỉ cần 3 triệu tấn là đủ cho tiêu dùng nội địa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP HCM. 3 triệu tấn còn lại hoàn toàn có thể xuất khẩu vì các khu vực khác trong cả nước đều đã tự cân đối được nhu cầu gạo từ sản xuất tại chỗ.

Theo Bộ NN-PTNT, sản lượng lúa cả nước trong năm nay dự kiến khoảng hơn 43 triệu tấn. Với sản lượng này, đủ đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn gạo.

Mấy năm nay, Trung Quốc đang nổi lên như là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu với lượng xuất khẩu hàng triệu tấn mỗi năm và nhiều khả năng sẽ vươn lên thành nước xuất khẩu gạo đứng thứ 5 thế giới trong năm nay.

Gạo xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu là gạo trắng hạt dài và hạt vừa, được dự trữ theo chính sách tăng giá thu mua tối thiểu với lúa gạo của Chính phủ Trung Quốc nhằm khuyến khích nông dân nước này đẩy mạnh sản xuất lúa gạo để gia tăng sản lượng nội địa.

Trong mấy năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần tổ chức đấu thầu bán gạo dự trữ với giá thấp, bất chấp giá thu mua tối thiểu vẫn ở mức cao.

Vì vậy, các công ty Trung Quốc sau khi mua được gạo dự trữ trong kho Chính phủ đã đẩy mạnh xuất khẩu với giá rất rẻ sang các nước châu Phi và nhanh chóng chiếm lĩnh được thị trường này, nhất là khi Thái Lan đã bán hết lượng gạo tồn kho lớn từ chương trình trợ giá lúa gạo của Chính phủ thời cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc lại vẫn đang phải nhập khẩu hàng triệu tấn gạo mỗi năm, bởi người dân nước này thích ăn gạo mới hơn là gạo cũ tồn kho. Đó là lý do vì sao mỗi năm Trung Quốc đang xuất khẩu gạo với số lượng lớn và nhập khẩu cũng rất lớn mặt hàng này.

Dự báo của USDA cho hay, trong năm nay, Trung Quốc có thể sẽ phải nhập khẩu khoảng 2,7 triệu tấn gạo, tăng 600 ngàn tấn so với lượng nhập khẩu năm 2019. Theo nhận định của ông Phạm Thái Bình, Trung Quốc sẽ còn tăng mua gạo từ Việt Nam trong những tháng tới, và nhiều khả năng trong cả năm nay, lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc có thể tăng gấp đôi so với năm ngoái.

Thị trường sôi động

Không chỉ Trung Quốc, nhiều nước cũng đang có xu hướng tăng nhập khẩu gạo, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan nhanh trên toàn cầu và hạn hán đe dọa nguồn cung ở một số nước xuất khẩu quan trọng, nhất là Thái Lan.

Chính phủ Thái Lan vừa cho biết mùa khô năm nay ở nước này có thể kéo dài đến tháng 6, thay vì tháng 4 như mọi năm.

Do hạn hán, dự báo sản lượng vụ lúa thứ hai của Thái Lan sẽ giảm nhiều. Đây lại là vụ cung cấp phần lớn sản lượng gạo trắng của Thái Lan.

Ông Phạm Thái Bình cho biết, từ cuối năm ngoái, đã có những tín hiệu tích cực cho xuất khẩu gạo trong năm nay.

Dịch Covid-19 kéo dài và lan rộng ra toàn cầu, tuy có gây khó khăn cho xuất khẩu gạo (tiến độ giao nhận bị chậm trễ do logistics toàn cầu bị xáo trộn, thanh toán cũng bị chậm…), nhưng lại tạo thêm cơ hội cho gạo Việt Nam, bởi các nước đều có nhu cầng tăng lượng lương thực dự trữ nhằm ứng phó với dịch bệnh.

Nhiều nước bị Covid-19 làm xáo trộn, chưa chuẩn bị kịp nguồn lương thực dự trữ lâu dài. Đây là cơ hội tốt cho gạo Việt Nam chen chân vào, bởi với vụ đông xuân thắng lợi ở Đồng bằng sông Cửu Long bất chấp hạn mặn gay gắt, Việt Nam hiện đang có nguồn cung khá dồi dào.

Sôi sục thị trường lúa gạo - Ảnh 3.

Thương lái thu mua lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thông tin từ một số thương nhân ngành gạo cho thấy, do nhu cầu tăng từ các nước nhập khẩu, thị trường lúa gạo hàng hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang rất sôi động, giá tăng liên tục. Hồi đầu năm nay, giá gạo 5% loại thường còn ở mức 360-365 USD/tấn, nay đã trên 400 USD/tấn.

Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 3 này, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam là gần 371 ngàn tấn, gần bằng xuất khẩu của cả tháng 1 (gần 411 ngàn tấn) và cao hơn tổng lượng gạo xuất khẩu trong cả tháng 3/2019 (gần 324 ngàn tấn).

Quan trọng hơn, lượng gạo xuất khẩu đang tăng qua từng tháng: tháng 1 gần 411 ngàn tấn, tháng 2 gần 533 ngàn tấn, nửa đầu tháng 3 đã đạt gần 371 ngàn tấn.

Thanh Sơn