Soi cơ cấu nợ xấu các 'ông lớn' ngân hàng Agribank, BIDV, Vietcombank và VietinBank
Ngân hàng Agribank rao bán các tài sản có giá trị gần 150 tỉ đồng để xử lí nợ xấu |
Ảnh minh hoạ. |
Theo số liệu từ báo cáo tài chính quí III của ba "ông lớn" ngân hàng thương mại Nhà nước, tính đến 30/9, tổng số nợ xấu tại các ngân hàng này là 36.593 tỉ đồng. Trong đó, BIDV là ngân hàng có nhiều nợ xấu nhất với 17.042 tỉ đồng; Vietcombank là ngân hàng có ít nợ xấu nhất với 7.424 tỉ đồng.
BIDV cũng là ngân hàng hiện có tỉ lệ nợ xấu cao nhất trong ba ngân hàng với 1,76%; sau đó là VietinBank (1,36%) và thấp nhất là Vietcombank (1,18%).
Cùng với đó, BIDV là ngân hàng duy nhất trong nhóm vẫn còn số dư nợ xấu tại VAMC trong khi hai ngân hàng còn lại là VietinBank và Vietcombank đã xử lý sạch sẽ. Trong báo cáo quí III, ngân hàng không công bố số dư trái phiếu VAMC còn nắm giữ nhưng số dư trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn do tổ chức kinh tế trong nước giảm 5,5% còn 36.347 tỉ đồng.
Số dư trái phiếu VAMC của BIDV tại 30/6 là 17.611 tỉ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng 8.346 tỉ đồng.
Nguồn: Diệp Bình tổng hợp |
Mặc dù có là ngân hàng có con số nợ xấu lớn nhất nhưng tốc độ tăng nợ xấu của BIDV chỉ đứng thứ hai sau VietinBank (tăng 34,6% so với đầu năm). Trong khi đó, Vietcombank là ngân hàng có mức tăng dư nợ cao nhất (15,6%) nhưng lại có tỉ lệ tăng nợ xấu thấp nhất (19,6%).
Trong cơ cấu phân theo nhóm nợ, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tại VietinBank chiếm tỉ trọng cao nhất với 66,6% và tăng 67,5% so với đầu năm.
Khi so sánh mức độ tăng trưởng có thể nhận thấy, tăng trưởng nợ xấu tại các ngân hàng đều vượt qua mức tăng trưởng cho vay khách hàng trong 9 tháng đầu năm. Điều này thể hiện nguy cơ tiềm ẩn nợ xấu phát sinh từ những khoản cho vay cũ của ngân hàng.
Mức chênh lệch lớn nhất là tại VietinBank, sau đó là BIDV và cuối cùng là Vietcombank. Nhìn đơn thuần trên các con số thì Vietcombank đang là ngân hàng có sự kiểm soát nợ xấu tốt nhất trong các NHTM Nhà nước hiện tại.
Đvt: tỉ đồng
Nhóm nợ | BIDV | VietinBank | Vietcombank | Agribank | ||||
30/9 | Tỉ trọng | 30/9 | Tỉ trọng | 30/9 | Tỉ trọng | 30/6 | Tỉ trọng | |
Tổng nợ xấu | 17.042 | - | 13.127 | - | 7.424 | - | 20.162 | - |
Nợ dưới tiêu chuẩn | 4.591 | 26,9% | 2.534 | 19,3% | 843 | 11,4% | 3.550 | 17,6% |
Nợ nghi ngờ | 4.743 | 27,8% | 1.854 | 14,1% | 2.003 | 27,0% | 4.014 | 19,9% |
Nợ có khả năng mất vốn | 7.708 | 45,2% | 8.739 | 66,6% | 4.578 | 61,7% | 12.598 | 62,5% |
Bảng: Cơ cấu và tỉ trọng các nhóm nợ của các NHTM Nhà nước (Nguồn: BCTC các ngân hàng)
Đối với "ông lớn" kín tiếng còn lại Agribank, hiện tại ngân hàng này chưa công bố báo cáo tài chính quí III. Theo số liệu báo cáo tài chính riêng 6 tháng đầu năm 2018, cho vay khách hàng đạt 952.218 tỉ đồng, tăng gần 5,6%.
Tổng nợ xấu tăng 12% lên 20.162 tỉ đồng, nâng tỉ lệ nợ xấu lên 2,18%. Tỉ trọng nợ nhóm 5 của Agribank tại thời điểm này chiếm 62,5% tổng nợ xấu.
Tuy nhiên, trong kì có thể nhận thấy việc ráo riết xử lí nợ xấu của Agribank đang cho kết quả rõ rệt khi giá trị trái phiếu VAMC đa giảm hơn 38% chỉ còn 25.198 tỉ đồng, trong đó đã trích lập dự phòng cho 15.607 tỉ đồng.
Được biết, trong một công bố mới đây, Agribank cho biết tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng đến cuối tháng 10 là 1,98%, một con số ở mức vừa phải, có khoảng cách an toàn với ngưỡng qui định của Ngân hàng Nhà nước tại 3%.
Trước đó, trong buổi tổng kết một năm áp dụng Nghị quyết 42 về xử lí nợ xấu, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho biết tính đến ngày 30/6, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 138,29 nghìn tỉ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 (không bao gồm 61,04 nghìn tỉ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng).
Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng là 70,23 nghìn tỉ đồng (chiếm 50,78%), xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng là 21,59 nghìn tỉ đồng (chiếm 15,61%) và xử lý các khoản nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 46,46 nghìn tỉ đồng (chiếm 33,59%).
Tỉ lệ nợ xấu hệ thống vào cuối tháng 6 là 2,09%, giảm so với con số 2,46% tại cuối năm 2016.