|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Số lượng thương vụ M&A ngành công nghệ ngày càng tăng nhờ sự bùng nổ của AI

18:14 | 04/07/2023
Chia sẻ
Các ông lớn công nghệ không muốn chậm chân trong cuộc đua AI, vì vậy, nhiều đơn vị lớn đã chọn cách thâu tóm các startup thông qua những thương vụ M&A trị giá hàng trăm triệu USD.

Thâu tóm, trở thành đối tác hay xây dựng từ đầu là những quyết định khó khăn với các doanh nghiệp khi có một công nghệ mới xuất hiện. Điều này tiếp tục đúng với sự bùng nổ hiện tại của trí tuệ nhân tạo (AI), theo Financial Times.

Trong thời gian gần đây, sự bùng nổ của AI đã thúc đẩy các thương vụ mua bán & sáp nhập (M&A). Databricks, một công ty tư nhân chuyên lưu trữ và quản lý khối lượng lớn dữ liệu, đã trả 1,3 tỷ USD để mua lại startup AI sáng tạo có tên MosaicML.

Mosaic là đơn vị chuyên cung cấp các công cụ cho các công ty, nhằm đưa công nghệ vào hoạt động bên trong doanh nghiệp của họ, xây dựng và tinh chỉnh các mô hình bằng cách sử dụng các dữ liệu nội bộ.

Trong tuần qua, Thomson Reuters cũng đang trong quá trình đàm phán để trả 650 triệu USD nhằm thâu tóm Casetext, một công ty AI chuyên về các dịch vụ pháp lý.

Những thương vụ này đã làm nổi bật về tầm quan trọng của AI trong các doanh nghiệp ngày nay. Số lượng thương vụ M&A liên quan tới các doanh nghiệp có hoạt động trong lĩnh vực AI tổng quát đang tăng nhanh chóng, qua đó mở ra thêm nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư.

ChatGPT là điểm khởi đầu cho hàng loạt thương vụ M&A trong ngành công nghệ thời gian qua. (Ảnh: FT).

Chỉ vài tháng sau khi chatbot nổi tiếng ChatGPT ra mắt thị trường, trọng tâm của ngành công nghệ đã đổ dồn về việc xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn. Được dẫn đầu bởi OpenAI, một số startup khác cũng có tiếng vang trong việc xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn bao gồm Anthropic, Cohere và Inflection AI.

Thông qua những thương vụ mua lại này, giá trị của bất kỳ công ty nào có thể tạo ra các mô hình ngôn ngữ lớn hoặc có thể áp dụng các mô hình tổng quát quy mô lớn cho nhiều ngành nghề, đều có thể tăng vọt.

Quan hệ đối tác vẫn được ưu tiên

Dù thời gian qua chứng kiến số lượng thương vụ M&A liên quan tới các doanh nghiệp AI tăng nhanh, song trọng tâm của phần lớn doanh nghiệp vẫn là tạo dựng các mối quan hệ đối tác. Trong số này, nhiều ông lớn đã thực hiện việc rót vốn đầu tư hoặc mua lại cổ phần của các startup về AI thay vì thâu tóm toàn bộ.

Đầu tháng này, Salesforce đã tăng gấp đôi số tiền mà họ đã dành để đầu tư vào các công ty khởi nghiệp AI lên 500 triệu USD, khi họ đưa ra các kế hoạch đầy tham vọng để đưa AI tổng quát vào nhiều sản phẩm của mình. Tin tức càng trở nên nóng hơn ngay sau khi Salesforce tham gia khoản đầu tư 450 triệu USD vào Anthropic.

Tương tự, ông lớn phần mềm Oracle đã tham gia vào vòng đầu tư trị giá 270 triệu USD vào công ty mô hình ngôn ngữ lớn Cohere đầu tháng này. Oracle tiếp tục tuyên bố rằng họ đang hợp tác chặt chẽ với công ty khởi nghiệp để đưa công nghệ AI vào các dịch vụ khác cho khách hàng.

Việc tạo dựng các mối quan hệ đối tác thông qua nhiều khoản đầu tư dường như như là một bước đi hợp lý với đa số doanh nghiệp. Mối quan hệ này mang lại quyền truy cập ngay vào một công nghệ quan trọng. Thế giới công nghệ từ lâu đã hướng đến các mối quan hệ đối tác chặt chẽ như vậy để có thể nhanh chóng triển khai các công nghệ mới.

Tuy nhiên, nếu các mô hình ngôn ngữ lớn trở thành trung tâm trong tương lai đối với ngành công nghệ như nhiều người trong ngành tin tưởng, liệu các công ty công nghệ lớn nhất có hài lòng với việc thuê các đơn vị bên ngoài?

Câu hỏi đó có ý nghĩa đặc biệt đối với Microsoft. Khoản đầu tư hơn 10 tỷ USD của gã khổng lồ này vào OpenAI đã làm lu mờ hàng loạt thương vụ mua lại cũng như các khoản đầu tư khác kể từ đầu năm 2023.

Chia sẻ với Financial Times vào đầu năm nay, CEO Microsoft Satya Nadella đã miêu tả mối quan hệ này như một dạng “cộng sinh”, với việc OpenAI phụ thuộc vào Microsoft, và ngược lại, Microsoft cũng cần OpenAI để xây dựng và điều chỉnh các mô hình ngôn ngữ lớn của mình.

Liệu đó có phải là công thức cho sự ổn định lâu dài trên thị trường công công nghệ trong tương lai như CEO Nadella đã tuyên bố? Chỉ có thời gian mới có thể trả lời cho câu hỏi này.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, mối quan hệ này khiến Microsoft phải phụ thuộc vào một công ty khác để có thể sở hữu công nghệ cốt lõi. Hiện cũng chưa ai rõ chính xác tham vọng của OpenAI là gì. Vì vậy, sẽ không bất ngờ khi một ngày nào đó, OpenAI có thể đủ lớn mạnh và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với chính Microsoft.

Anh Nguyễn