|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Ngành ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm ước tính chi nhiều nhất cho AI trong năm 2023

09:15 | 01/07/2023
Chia sẻ
Các doanh nghiệp tại châu Á - Thái Bình Dương sẵn sàng chi nhiều hơn để đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI). Trong đó, nhóm doanh nghiệp ngành ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm ước chi nhiều nhất.

Theo báo cáo mới nhất do IDC công bố, các doanh nghiệp tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương dự kiến tăng cường áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong hoạt động kinh doanh.

Theo đó, tỷ lệ doanh nghiệp tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương tăng cường sử dụng AI trong các hoạt động của họ đã tăng từ 39% vào năm 2020 và 2021 lên 76% vào năm 2022.

Tỷ lệ tăng trưởng đầu tư cho AI dự kiến vào năm 2023 theo từng khu vực. (Nguồn: IDC - Doanh Chính tổng hợp).

Dữ liệu từ báo cáo cho thấy tỷ lệ đầu tư của các doanh nghiệp cho AI cũng tăng lên. Đặc biệt, tại khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư thêm 67% vào AI và máy học (Machine Learning) trong năm 2023 so với năm trước.

Báo cáo của IDC chỉ ra rằng các nền tảng AI sẽ là danh mục phần mềm phát triển nhanh nhất trong giai đoạn 2022 – 2026. Cụ thể, ở Đông Nam Á, chi tiêu cho các giải pháp AI được dự đoán sẽ tăng từ 174 triệu USD vào năm 2022 lên 646 triệu USD vào năm 2026.

Chi tiêu cho các giải pháp AI theo từng mảng tại châu Á - Thái Bình Dương giai đoạn 2021 - 2026. (Nguồn: IDC - Doanh Chính tổng hợp).

Thị trường công nghệ AI nói chung cũng được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 40,8% trong giai đoạn từ năm 2021 đếnnăm 2026.

Ngành ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm (BFSI) là ngành được dự đoán sẽ chi tiêu nhiều nhất cho AI, chiếm 26,6% chi tiêu AI tích hợp theo chiều dọc ở Đông Nam Á. Một số ngành nghề khác cũng được dự đoán sẽ tăng cường chi tiêu cho AI bao gồm sản xuất (17%) và khu vực chính phủ (11%).

Những ngành nghề dẫn đầu về tỷ lệ chi tiêu cho AI trong năm 2022. (Nguồn: IDC - Doanh Chính tổng hợp).

Việc áp dụng các nền tảng AI trong khu vực chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu cải thiện năng suất của nhân viên, đẩy nhanh việc giới thiệu sản phẩm mới và nâng cao khả năng quản lý rủi ro.

Anh Nguyễn

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.