Tập đoàn công nghệ IBM tiết kiệm 12.000 giờ làm việc nhờ sử dụng AI
Năm 2011, siêu máy tính Watson của IBM đánh bại hai nhà vô địch Ken Jennings và Brad Rutter trong gameshow Jeopardy!. Hơn một thập kỷ sau, startup công nghệ OpenAI đã giới thiệu ChatGPT, mở khóa tiềm năng của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với thế giới, theo tạp chí Fortune.
Dù IBM không còn đi đầu trong lĩnh vực AI, công ty vẫn đang tìm cách triển khai công nghệ này vào các hoạt động của mình. 10 năm kể từ ngày Watson khiến thế giới “phát sốt”, IBM đã phát triển một số công cụ AI được thiết kế để giúp doanh nghiệp vận hành hiệu quả và chính xác hơn, đồng thời tối đa hóa năng suất.
Giám đốc nhân sự của IBM Nickle LaMoreaux nói rằng trong nội bộ doanh nghiệp, AI đã giúp “giải phóng thời gian” cho người lao động khỏi các công việc hành chính tại văn phòng, cho phép họ thực hiện nhiều công việc phức tạp hơn.
IBM nhận thấy có nhiều cơ hội để tận dụng AI và cũng đã đầu tư đáng kể vào nó. Một ví dụ là AskHR, một công cụ trợ lý ảo.
Thay vì hỏi người quản lý hoặc bộ phận nhân sự về chính sách nghỉ phép, nhân viên có thể truy vấn Watson và ứng dụng này sẽ phản hồi bằng cách sử dụng dữ liệu dựa trên nhiệm kỳ, vị trí và số ngày nghỉ phép mà họ đã dùng tước đó.
IBM cũng sử dụng AI trong quá trình đánh giá hiệu suất, tự động hóa việc xác định nhân viên nào đủ điều kiện để tăng lương hoặc thăng chức, giám đốc nhân sự IBM LaMoreaux nói thêm.
Cũng theo giám đốc nhân sự IBM, với khoảng thời gian tiết kiệm được nhờ AI, các nhà quản lý có thể đầu tư vào việc đào tạo nhân viên về cách họ có thể cải thiện và thăng tiến trong sự nghiệp.
“Chúng tôi có hơn 280 công cụ AI. Đó là điều khác biệt ở đây. Nó giúp bộ phận nhân sự trở nên linh hoạt hơn bởi vì chúng tôi đang dành thời gian cho những việc quan trọng”, bà LaMoreaux nói.
IBM tiết kiệm giờ làm việc nhờ AI
Trong một bài bình luận trên tạp chí Fortune, CEO IBM Arvand Krishna lập luận rằng AI giúp người sử dụng lao động “giải quyết các loại nhiệm vụ lặp đi lặp lại, qua đó giải phóng thời gian để nhân viên có thể đảm nhận công việc có giá trị cao hơn”.
Cũng theo CEO IBM, nhờ AI, công ty đã cắt giảm đội ngũ nhân sự làm những công việc lặp đi lặp lại từ 700 người xuống còn chưa đến 50 người.
Trong khi đó, giám đốc nhân sự IBM LaMoreaux nói rằng, tổng cộng bộ phận nhân sự IBM đã tiết kiệm 12.000 giờ trong 18 tháng qua nhờ các hệ thống tự động.
Trớ trêu là chính tác dụng của AI lại đẩy nhân sự hành chính ra khỏi cửa. Vào tháng 5, công ty tuyên bố sẽ tạm dừng tuyển dụng các vị trí khối văn phòng vì những công việc này có thể được đảm nhận bởi AI.
Dù vậy, bà LaMoreaux cho rằng quyết định này là có chủ đích và có chiến lược. Khi đóng băng một số vị trí, họ có thể chuyển hướng sang các vị trí tạo ra doanh thu, phát triển sản phẩm.
“Chúng tôi không muốn tuyển dụng một nhóm người và sau đó phát hiện ra rằng phần lớn công việc của họ đang thực sự được chuyển đổi bởi AI. Chúng tôi đang thận trọng hơn và tạm dừng tuyển dụng một số vị trí nhất định”, bà LaMoreaux nói.
Tác động của AI đối với thị trường việc làm từ lâu đã thu hút sự chú ý. Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết AI có thể ảnh hưởng đến khoảng 40% tổng số giờ làm việc, trong đó những nhân sự văn thư, thư ký sẽ giảm nhanh chóng.
Theo một báo cáo từ Challenger, Grey & Christmas, các công ty Mỹ đã cắt giảm hơn 80.000 việc làm vào tháng trước, tăng 20% so với tháng 4. Trong số này, có gần 4.000 nhân sự mất việc vì các lý do liên quan tới AI.
LaMoreaux thừa nhận bà đã nghĩ về những gì sẽ xảy ra nếu IBM cho nhân viên thôi việc vì AI. Theo bà, các công ty cần có sự minh bạch về chiến lược AI và đào tạo nhân viên về những công cụ, kỹ năng cần thiết để duy trì sự gắn kết với công ty.
Đối với bà LaMoreaux, việc tạm dừng tuyển dụng một số vị trí nhất định giống như một bước đi hợp lý khi IBM tiếp tục phát triển AI. IBM đã có nhiều năm ủng hộ việc tuyển dụng dựa trên kỹ năng trong lĩnh vực công nghệ. Hơn 50% nhân sự IBM tại Mỹ không yêu cầu tốt nghiệp đại học.
Tại IBM, tiêu chí để lựa chọn ứng viên giờ đây đang thay đổi, dựa trên một loạt yếu tố mới, chẳng hạn như: Liệu họ có thể làm việc cùng AI? Nếu nhân sự thiết sót kỹ năng trong một số lĩnh vực, họ phải có khả năng tự học hỏi và nâng cao trình độ bản thân.
“Trước đây, bạn chỉ cần học xong, có bằng cấp, trở thành chuyên gia và sẽ có sự nghiệp ổn định cả đời. Tuy nhiên, thời gian học hỏi kỹ năng đang được rút ngắn đáng kể nhờ công nghệ mới.
Dù phía trước là gì, không ngừng học hỏi sẽ là điểm khác biệt giữa các nhân viên, bất kể họ đang gia nhập ngành nào, làm vị trí gì, mới bắt đầu hay ở đoạn cuối của sự nghiệp, theo LaMoreaux.