|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Cuộc chiến trên mây của Amazon và Microsoft vừa có thêm đối thủ mới, cả Google, IBM cũng muốn nhảy vào chia phần

07:37 | 13/08/2021
Chia sẻ
Khách hàng đang có xu hướng dùng dịch vụ đám mây của nhiều nhà cung cấp để tối ưu chi phí và hiệu quả.

Nhiều công ty từng coi Amazon và Microsoft là những lựa chọn duy nhất khi tìm kiếm giải pháp điện toán đám mây. Dù vậy, các nhà quản lý hạ tầng công nghệ thông tin hiện đều đã nhận ra rằng họ có thể tận dụng đòn bẩy từ một ngành công nghiệp ngày càng cạnh tranh, theo WSJ.

Cuộc chiến trên mây: Từng là cuộc đua song mã Amazon – Microsoft nhưng giờ thì khác - Ảnh 1.

Chi tiêu cho công nghệ điện toán đám mây có thể chạm mốc 107 tỷ USD vào năm 2022. (Ảnh: Bloomberg).

Cả doanh nghiệp và chính phủ đều đang ký kết hợp đồng với nhiều nhà cung cấp và tạo ra cuộc chơi cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ để đàm phán được mức chi phí dịch vụ thấp hơn. Mặc dù Amazon và Microsoft vẫn đang nắm giữ vị thế thống lĩnh trên thị trường, thực tế này mở ra cơ hội cho các công ty đến sau như Alphabet, Oracle hay IBM.

Công ty báo cáo tín dụng Experian PLC bắt đầu chuyển sang dùng điện toán đám mây với Amazon Web Services vào năm 2014. Kể từ thời điểm đó, Experian liên tục mở rộng dịch vụ sang Microsoft, Google và mới đây nhất là Oracle. Trước đây, các dữ liệu của Experian được lưu trữ tại các trung tâm dữ liệu vật lý, theo ông Mervyn Lally, giám đốc kiến trúc doanh nghiệp của Experian, chia sẻ.

"Càng nhiều lựa chọn càng tốt", ông Lally nói và khẳng định cạnh tranh trên thị trường tạo ra các áp lực "mà chúng tôi có thể tận dụng".

Các công ty như AT&T cũng đang sử dụng dịch vụ tổng hợp của nhiều nhà cung cấp như Microsoft và Google.

"Chúng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều công ty sử dụng chiến lược đám mây với sự tham gia của nhiều nhà cung cấp khác nhau, đơn giản là vì một số công việc chạy nhanh và hiệu quả hơn trên hạ tầng của các nhà cung cấp khác nhau", ông Clay Magouryk, phó chủ tịch Oracle Cloud Infrastructure, nhận định.

Đầu tư trên toàn cầu vào hạ tầng công nghệ điện toán đám mây tăng khoảng 32% vào năm ngoái để chạm mốc 59,2 tỷ USD, theo Gartner Inc. Con số này được kỳ vọng sẽ chạm mốc 106,8 tỷ USD vào năm 2022.

Tăng trưởng ở mảng điện toán đám mây được đại dịch COVID-19 thúc đẩy. Nó được kỳ vọng sẽ giúp Amazon và Microsoft có kết quả kinh doanh quý rực rỡ khi công bố thông tin chính thức vào tuần này. Mặc dù chiến lược dùng dịch vụ đám mây của nhiều nhà cung cấp có thể "ăn" vào doanh số của Amazon và Microsoft. Tuy nhiên, trong hầu hết mọi trường hợp, họ vẫn có một phần của "miếng bánh".

Các nhà đầu tư Phố Wall kỳ vọng Amazon ghi nhận tăng trưởng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái ở mảng điện toán đám mây trong quý II năm nay. Trong khi đó, con số này dịch vụ Microsoft Azure có thể lên tới hơn 40%.

Không chỉ doanh nghiệp đang "nghĩ lại" về đầu tư công nghệ thông tin của mình. Khi Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bắt đầu chuyển dữ liệu lên điện toán đám mây, tổ chức này ký hợp đồng với AWS vào năm 2013.

Năm ngoái, khi hợp đầu ban đầu hết hạn, CIA cho biết sẽ dùng thêm nhiều nhà cung cấp khác để mở rộng khả năng điện toán đám mây.

Tháng này, Lầu Năm Góc huỷ bỏ kế hoạch ký hợp đồng 10 năm trị giá 10 tỷ USD với Microsoft. Hợp đồng (được gọi bằng cái tên JEDI) này được huỷ bỏ để thay thế bằng một thoả thuận với nhiều nhà cung cấp.

Ông John Sherman, giám đốc văn phòng chuyển đổi Lầu Năm Góc, nói rằng Amazon và Microsoft đủ quyền tham gia cạnh tranh trong vòng đấu thầu mới, và IBM, Oracle và Google cũng có thể sẽ đưa ra nội dung chào thầu tiềm năng. Lầu Năm Góc dự kiến sẽ chốt hợp đồng vào tháng 4 năm sau.

Giới phân tích cho rằng nhiều công ty sử dụng dịch vụ đám mây từ nhiều nhà cung cấp một cách tình cờ. Lý do đến từ việc mỗi nhóm khác nhau trong công ty có thể ký hợp đồng với một nhà cung cấp khác nhau.

Năm nay, 92% công ty có chiến lược dịch vụ đám mây từ nhiều nhà cung cấp, tăng lên từ 81% của nám 2018, theo một nghiên cứu của Flexera Software LLC.

Dù vậy, vận hành một hệ thống đến từ nhiều nhà cung cấp là một thách thức. Mỗi nhà cung cấp lại có cách xử lý công nghệ nền tảng khác nhau, ví dụ như lưu trữ và kết nối. Vì thế, việc di chuyển dữ liệu giữa các "đám mây" có thể là một rắc rối.

USAA, một công ty bảo hiểm Mỹ, trong nhiều năm đã luôn có gắng làm việc trên nhiều hạ tầng điện thoán đám mây để đảm bảm xây dựng được khả năng phục hồi dữ liệu và có thể di chuyển dữ liệu khi cần thiết. Ông Michael Willette, phó chủ tịch phụ trách vận hành đám mây tại USAA, nhận định đây là điều không dễ dàng.

"Mọi nhà cung cấp điện toán đám mây, dù không nói, đều đang tập trung tạo ra các điểm chốt chặn", ông chia sẻ.

Điều này khiến nhiều công ty phần mềm nghĩ đến và phát triển các công cụ giúp quản lý ứng dụng tốt hơn trên nhiều dịch vụ đám mây. Một trong những công ty dịch vụ đám mây được chú ý nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây là Snowflake. Công ty này tập trung vào việc giúp công ty quản trị dữ liệu tốt hơn trên công nghệ điện toán đám mây.

"Hai năm rưỡi trước, mọi thứ đều là AWS", ông Steve Mullaney, CEO Aviatrix Systems Inc., một nhà cung cấp phần mềm giúp các tổ chức quản lý điện toán đám mây từ nhiều nhà cung cấp. "Giờ thì mọi người đều đi theo hướng đa đám mây".

Thực tế, các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây đều có các công cụ giúp khách hàng kết nối hệ thống. Song nhiều khách hàng hoài nghi vì các công ty đám mây thường muốn nắm giữ nhiều thị phần nhất có thể.

"Bạn cần một nhà cung cấp nền tảng đa điện toán đám mây độc lập", ông Dave Jannet, CEO HashiCorp Inc., chia sẻ. Google nói rằng công ty này dùng công nghệ mã nguồn mở hoàn toàn miễn phí để người dùng có nhiều quyền kiểm soát hơn với lựa chọn của mình.

Trong khi đó, Microsoft cũng cho biết đang làm việc với khách hàng để đáp ứng nhu cầu liên quan đến đám mây. Một người phát ngôn của Amazon nói rằng hầu hết khách hàng, cho dù nói rằng đang đang dùng nhiều nhà cung cấp khác nhau, thực tế lại chỉ gắn bó với một nhà cung cấp.

Nam Khánh