Số lính Nga tử trận: Moscow nói 498, Ukraine khẳng định hơn 7.000
Hãng thông tấn RIA của nhà nước Nga dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng cho biết 498 binh sĩ Nga đã tử trận và 1.597 binh sĩ bị thương kể từ khi Tổng thống Vladimir bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine sáng 24/2. Đây là lần đầu tiên Nga công bố số liệu thương vong.
Theo hãng tin Interfax, Bộ Quốc phòng Nga cũng khẳng định 2.870 binh sĩ Ukraine và "người theo chủ nghĩa dân tộc" đã thiệt mạng và 3.700 người bị thương.
Trong khi đó, ông Oleksiy Arestovich, cố vấn quân sự của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ngày 2/3 cho biết số quân nhân Nga thiệt mạng trong một tuần giao tranh vừa qua lên tới hơn 7.000, chưa kể hàng trăm binh sĩ bị bắt làm tù binh.
Một chỉ huy cấp cao của quân đội Nga đã bị thương nặng và được đưa đến Belarus, phía Ukraine thông báo trên truyền hình. Những con số kể trên đều chưa được xác minh một cách độc lập.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền ước tính 227 dân thường đã thiệt mạng trong 5 ngày chiến sự đầu tiên ở Ukraine, ngoài ra còn có 525 người bị thương.
"Đa phần số thương vong nói trên bị gây ra bởi các vũ khí nổ với phạm vi sát thương rộng, bao gồm đạn pháo hạng nặng và các hệ thống tên lửa nhiều nòng, cũng như tấn công từ trên không", thông cáo của cơ quan Liên Hợp Quốc cho hay.
Con số người chết thực tế có khả năng còn "cao hơn đáng kể" số được công bố do những chậm trễ trong quá trình thống kê.
Nga đã nhiều lần khẳng định chỉ sử dụng các loại vũ khí có độ chính xác cao để tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine. Phía Ukraine thì tuyên bố ngược lại, cáo buộc Nga tấn công cả các khu vực dân cư cách xa hạ tầng quân sự, thậm chí tố cáo Nga dùng vũ khí cấm như bom nhiệt áp và gây ra tội ác chiến tranh.
Điều tra tội ác chiến tranh ở Ukraine
Ngày 2/3, công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) cho biết sẽ mở cuộc điều tra về khả năng tội ác chiến tranh đã xảy ra ở Ukraine, trong bối cảnh Nga đang thực hiện "chiến dịch quân sự đặc biệt" kể từ ngày 24/2.
Theo Reuters, đã có 39 quốc gia thành viên của ICC đề nghị điều tra, một con số cao chưa từng thấy trong lịch sử. "Hoạt động điều tra chính thức bắt đầu ở Ukraine sau khi nhận được lời đề nghị từ 39 nhà nước thành viên", công tố viên Karim Khan đăng tweet.
Việc các nước thành viên đề nghị điều tra đã giúp rút ngắn thời gian bắt đầu công việc của các công tố viên. Theo quy trình thông thường, công tố viên ICC sẽ phải mất nhiều tháng để xin phép tòa án ở thành phố The Hague (La Haye) của Hà Lan.
Văn phòng công tố viên Karim Khan cho biết sẽ bắt đầu thu thập bằng chứng về "bất cứ cáo buộc nào ở hiện tại cũng như trong quá khứ về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người hoặc hành vi diệt chủng được thực hiện trên lãnh thổ Ukraine, hiện bởi bất cứ cá nhân nào".
Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào tháng 3/2014, chiến sự đã nổ ra giữa quân chính phủ Ukraine và quân ly khai thân Nga ở khu vực Donbass. Chính quyền Ukraine chấp nhận quyền tài phán của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) đối với các tội ác chống lại loài người và tội ác chiến tranh xảy ra trên lãnh thổ Ukraine kể từ cuối năm 2013.
Nga hiện nay không phải là một thành viên của ICC và đã bác bỏ quyền tài phán của tòa án này.
Trong một diễn biến khác, Đại hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 2/3 đã họp phiên bất thường và bỏ phiếu về việc lên án hành động quân sự của Nga chống lại Ukraine. Kết quả là 141 nước đồng ý lên án, Nga và 4 quốc gia khác phản đối, 35 nước bỏ phiếu trắng.
Trước đó, 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng đã bỏ phiếu về việc lên án Nga với 11 phiếu thuận, ba phiếu trắng và một mình Nga bỏ phiếu chống. Những con số trên cho thấy Nga đang bị cô lập trên trường quốc tế vì cuộc chiến ở Ukraine.
Trên chiến trường, Nga đang pháo kích mạnh vào Kharkiv - thành phố lớn thứ hai của Ukraine. Nga tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn thành phố Kherson, phía bắc bán đảo Crimea. Tuy nhiên, phía Ukraine tuyên bố vẫn đang nắm giữ Kherson.
Trong khi đó, một đoàn xe quân sự Nga dài gần 70 km đang ở gần Kiev, có thể tấn công thủ đô của Ukraine bất cứ lúc nào.