Siêu sale trên TikTok, Shopee ngày càng ít hiệu quả hơn với nhãn hàng
Accenture công bố báo cáo đánh giá khi theo khảo sát các thị trường trọng điểm của TikTok về xu hướng mua sắm giải trí (shoppertainment) như Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam.
Báo cáo cho thấy có tới 79% người tiêu dùng tại châu Á - Thái Bình Dương bị ảnh hưởng bởi nội dung không mang tính quảng cáo.
Trung bình trong khu vực, chỉ 21% người dùng bị tác động bởi các chương trình khuyến mãi khi cân nhắc quyết định mua hàng. Tỷ lệ này cũng dao động theo từng quốc gia: Hàn Quốc (12%), Nhật Bản (27%) và Indonesia (41%).
Khảo sát cũng chỉ ra người tiêu dùng ngày càng có xu hướng chuyển dịch mối quan tâm về giá trị sản phẩm, thay cho giá cả và khuyến mại như trước đây.
Ông Tiến Đặng, Giám đốc marketing L'Oreal đồng ý với quan điểm này. Theo ông Tiến, cách đây khoảng hai năm, khi mua sắm giải trí chưa trở thành xu hướng, các bên thường đưa ra những chiến dịch khuyến mãi lớn, nhiều ưu đãi về giá để thu hút khách hàng. Song, điều này đã dần kém hiệu quả và không đạt được nhiều thành công.
Xu hướng mua sắm giải trí được đẩy mạnh cùng với thời điểm người tiêu dùng thay đổi hành vi, dễ dàng chi tiêu cho những món sản phẩm chạm tới cảm xúc, thúc đẩy họ ra quyết định mua hàng nhanh hơn.
"L'Oreal đã không còn thực hiện các chiến dịch sale rầm rộ, thay vào đó, chúng tôi chọn hướng truyền tải nhiều hơn ý nghĩa của sản phẩm tới trái tim của từng khách hàng và điều này được thúc đẩy bởi các KOL, KOC", ông Tiến nói.
Ngoài ra, lãnh đạo L'Oreal cho rằng với việc người tiêu dùng trở nên khó tính hơn, đặc biệt là GenZ - những khách hàng có khả năng tiếp cận nhiều nguồn thông tin hơn nhờ thành thạo với thiết bị số, cũng đòi hỏi doanh nghiệp và các nhà sáng tạo phải đào sâu, đưa ra cách tiếp cận phù hợp.
Năm nay, báo cáo cho biết các thị trường như Việt Nam, Thái Lan và Hàn Quốc, người tiêu dùng có thiên hướng nghiêng về các đánh giá sản phẩm từ cộng đồng. Người dùng tại các quốc gia này tin tưởng vào nội dung giới thiệu sản phẩm, dịch vụ từ cộng đồng nhà sáng tạo nội dung trên TikTok, ít nhạy cảm với quảng cáo - thông tin ưu đãi hơn, và ít dựa vào trực giác khi mua hàng.
Trái lại, người tiêu dùng tại Nhật Bản và Indonesia có xu hướng quan tâm nhiều tới các nội dung về đặc điểm, thông tin và lợi ích sản phẩm. Nhóm này cũng phản ứng nhanh chóng với các chương trình khuyến mãi và ít đưa ra quyết định mua hàng dựa trên cảm tính hơn.
Số người tiêu dùng thường xuyên tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng sáng tạo nội dung dạng video như TikTok tăng gấp 1,9 lần so với các công cụ tìm kiếm truyền thống. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng tại Đông Nam Á trong 1-2 năm, khi 81% người tiêu dùng thể hiện mong muốn duy trì hay thậm chí tăng cường trải nghiệm kết hợp mua sắm giải trí trên các nền tảng sáng tạo nội dung số.
Ông Arthur Altounian, Phó Chủ tịch về Chiến lược khách hàng & Tăng trưởng, Châu Á Thái Bình Dương tại GroupM (The Goat Agency) cho biết: “Trong thời đại nội dung và hành vi tiêu dùng đang thay đổi từng ngày, thương hiệu sẽ cần thúc đẩy người dùng đưa ra quyết định mua hàng theo trực giác".
Vị này cho rằng thương hiệu nên chú trọng thiết lập mối liên hệ gắn kết lâu dài, đồng hành cùng người dùng trong khi vẫn đảm bảo đáp ứng cân bằng các nhu cầu về hoạt động khuyến mãi trong ngắn hạn. Ngoài ra, việc tạo ra trải nghiệm liền mạch từ nội dung hấp dẫn cho tới chiến lược bán hàng tập trung vào lợi ích và giá trị sản phẩm, cũng là một điểm cần được lưu ý.
Tiến sỹ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM nêu quan điểm từ góc độ quản lý nhà nước rằng sự bùng nổ của xu hướng shoppertaiment không còn mới nhưng nó đặt ra hai thách thức.
“Hai thách thức lớn nhất phải đối mặt trong xu hướng shoppertainment là chuyện hàng giả, hàng nhái và việc không thu được thuế. Không thể có chuyện người bán hàng trên các phiên livestream không đóng thuế, trong khi người bán ở các shop lại phải đóng thuế. Vì thế, chúng ta phải công bằng trong chuyện này”, ông Vũ nói.
Ông Vũ còn đề cập đến việc phát triển hệ thống logicstic và các dịch vụ thanh toán. Ông nói: "Định hình logicstic của những khu đô thị lớn như TP HCM phải dựa trên những xu hướng mới, không thể nào xây dựng một kho hàng quá xa, thế thì làm sao mà bán hàng. Thứ hai là tài chính, chúng ta phải phải tính toán các gói trả trước, trả sau, trả chậm, đổi hàng… tức là phải có cách thức phân phối tài chính cho thị trường".
Bên cạnh đó, vị TS cho biết trong khoảng quý II - III, TP HCM dự kiến triển khai kế hoạch đào tạo nhân lực số cho xu hướng mua sắm giải trí, tức là đào tạo chuyên sâu về văn hoá, cách ứng xử, và kỹ năng cho các KOL, KOC.