Bí kíp của TikTok trong cuộc đua thương mại điện tử
Đã qua cái thời những quảng cáo hào nhoáng, có sự xuất hiện của diễn viên, ca sĩ… nổi tiếng để thu hút người dùng. Đi cùng với sự phát triển của mạng xã hội, thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng đã khác. Và, đây cũng là điều kiện cho nhóm influencer (người có sức ảnh hưởng - PV) hay KOC/KOL (key opinion consumer/key opinion leader) đang mang lại một hình thức quảng bá mới, thuyết phục người tiêu dùng hiệu quả hơn.
Bằng cách hợp tác với những người có ảnh hưởng, nhãn hàng sẽ tiếp cận đối tượng khách hàng có mức độ tương tác và tin tưởng cao. Điều này được ví như việc một nhà tạo mẫu cá nhân biết chính xác những gì khách hàng của thương hiệu đang cần.
Với TikTok, những người có ảnh hưởng trên nền tảng đều được gọi chung là nhà sáng tạo và cùng với những nội dung giải trí được đăng tải, họ chính là những nhân tố quan trọng cho xu hướng Shoppertainment đang được đẩy mạnh hơn bao giờ hết.
Mua sắm giờ đây không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu về vật chất mà còn cần đáp ứng nhu cầu về cảm xúc của người tiêu dùng. Mua sắm trên các trang thương mại điện tử đã dần trở thành thói quen giải trí của đa số người tiêu dùng và đang có xu hướng phát triển thành một văn hóa tiêu dùng của thế hệ trẻ.
Shoppertainment - mua sắm kết hợp giải trí bắt đầu xuất hiện và nhanh chóng đưa dịch vụ thương mại điện tử của TikTok tăng trưởng. Các chương trình giảm giá và ưu đãi đơn thuần không còn đủ thu hút để giữ chân nhóm khách hàng ưa thích và tìm kiếm sự mới lạ.
Thay vào đó, các doanh nghiệp đã bắt đầu kết hợp các yếu tố giải trí vào chiến lược kinh doanh của mình. Vừa là nơi cung cấp hàng hóa cũng như mang tới các trải nghiệm mua sắm thư giãn, vui vẻ cho khách hàng.
Trong đó, nhà sáng tạo nội dung là nhân tố chính cho Shoppertainment, họ có thể trình bày chủ đề theo hướng mới lạ như các tiểu phẩm hài hay những điệu nhảy cuốn hút….
TikTok Shop theo đuổi mô hình Shoppertainment, nhưng đây cũng không phải là mô hình quá mới mẻ, đã được Shopee và Lazada tích cực đẩy mạnh vài năm qua. Tuy nhiên, mỗi nền tảng lại có các lợi thế khác nhau và TikTok có lợi thế về các nhà sáng tạo nội dung.
Hiện nay, TikTok có thể được xem là lựa chọn hàng đầu cho người dùng smartphone nếu họ cần xem một vài video giải trí trong thời gian rảnh. Việt Nam đứng thứ hai khu vực Đông Nam Á về số lượng người dùng TikTok với gần 50 triệu.
Theo khảo sát của Decision Lab, mức độ phổ biến và ưa thích của TikTok tăng vọt trong quý II/2023 so với các nền tảng khác, tiếp tục giữ vị trí ngôi vương ở hạng mục video ngắn. Tỷ lệ thâm nhập người dùng của TikTok duy trì ở mức 63%, cao hơn Facebook, YouTube, Instagram.
Decision Lab nhận định xu mô hình Giải trí mua sắm là xu hướng mới trong mua sắm trực tuyến và đang được TikTok Shop định hình. Trong quá trình sử dụng TikTok người dùng sẽ vô tình bắt gặp nhiều phiên lại livestream bán hàng bất ngờ xuất hiện xen lẫn các video ngắn.
Livestream bán hàng tuy không còn mới nhưng hình thức này đang được thúc đẩy rất mạnh mẽ bởi các nền tảng video ngắn. Bất kỳ thời điểm nào trong ngày, kể cả giữa đêm khuya hay sáng sớm, người dùng đều có thể xem các video livestream bán hàng trên nền tảng TikTok.
Khoảng 8h tối 15/12, tại chợ Bến Thành, đội ngũ của Ba Thức Food - một nhà bán hàng kiêm sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok đang tích cực mời chào người xem chốt đơn qua chiếc màn hình điện thoại. Đây là một trong ba phiên livestream chính, hỗ trợ bà con tiểu thương chợ chợ Bến Thành tiếp cận cách bán hàng mới. Hoạt động này thuộc tuần lễ Mua sắm - Giải trí TP HCM và có sự tham gia của nhiều nhà sáng tạo nội dung trên nền tảng TikTok.
“Vì đây là hoạt động sự kiện nên toàn bộ đội ngũ nhà mình đã đến hỗ trợ. Thông thường, các phiên livestream nhà mình chỉ khoảng 5 - 8 người và chia theo từng buổi, đôi khi chỉ có 1 - 2 bạn lên sóng bán hàng", anh Phan Minh Thức, chủ thương hiệu Ba Thức Food chia sẻ.
Đánh giá mô hình Shoppertainment, anh Thức cho rằng TikTok có thế mạnh do được định hình dạng video ngắn từ lâu. “Mua sắm giải trí trên TikTok có thể lôi cuốn những vị khách ngẫu nhiên mua hàng, tập trung vào tính cảm xúc để đẩy nhanh quyết định mua hàng. Điều này khác với mua sắm trên sàn TMĐT khi khách hàng có nhu cầu thì họ mới tìm đến", anh Thức nói.
Ngoài các phiên livestream, Ba Thức Food cũng có đội ngũ sáng tạo nội dung riêng, lên tới cả chục kênh. Đây là nhóm thực hiện các nội dung giải trí, kéo link tiếp thị liên kết tới sản phẩm của Ba Thức.
Theo nghiên cứu Understanding TikTok's Impact on Culture Custom Research thực hiện bởi Flamingo, 61% người dùng yêu thích các thương hiệu hơn khi họ tham gia hoặc sáng tạo video theo các xu hướng trên TikTok. Ngoài ra, 4/10 người dùng đã chi tiền ngay lập tức cho những sản phẩm họ khám phá được trên TikTok, với tốc độ đưa ra quyết định nhanh hơn 1,5 lần so với bất cứ nền tảng nào khác.
Báo cáo do Metric công bố mới đây cho biết, tổng doanh thu (NMV) trên các sàn TMĐT trong quý III/2023 đạt 63.000 tỷ đồng, tăng trưởng tới 54,4% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 22,66% so với quý liền trước.
Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu trên các nền tảng TMĐT tại Việt Nam đạt 163.000 tỷ đồng, với 1.576 triệu đơn vị sản phẩm được giao thành công. Doanh thu này hiện đã cao hơn 7% so với thành tích của cả năm 2022. Theo Metric, doanh thu TMĐT 9 tháng vừa qua có sự đóng góp đáng kể từ TikTok Shop với 25.000 tỷ đồng.
Trong quý III/2023, dù vẫn tăng trưởng doanh thu và đạt mức 43.713 tỷ đồng nhưng thị phần của Shopee đã giảm còn 69%, so với 72% của cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, thị phần doanh thu của Lazada cũng giảm từ 21% xuống còn 14%, đạt khoảng 8.768 tỷ đồng. Tiki giảm từ 3% xuống còn chỉ 1% thị phần.
Trong khi đó, TikTok Shop dù mới chỉ ra mắt từ tháng 4/2022 nhưng đã nhanh chóng nâng thị phần doanh thu từ 3% vào quý III/2022 lên 16% sau một năm, ghi nhận doanh thu 10.122 tỷ đồng. Tổng doanh thu của TikTok Shop còn cách khá xa so với Shopee nhưng chỉ đứng nền tảng thương mại của Sea ở thị trường Việt Nam, tức top 2 thị trường.
Có thể thấy, cách làm của TikTok là tạo ra cơ hội cho cả người mua, người bán và nhà sản xuất một nơi để vừa làm việc, vừa sáng tạo, vừa giải trí.
“TikTok cung cấp nền tảng, chính sách cho tất cả mọi người có cơ hội tham gia làm nhà bán hàng, sáng tạo nội dung. Song, thành công tuỳ thuộc vào nội tại của từng cá nhân, tổ chức. Đây vẫn là một nơi mang đầy tính cạnh tranh", ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam nói về hoạt động bán hàng, sáng tạo nội dung trên TikTok.
TikTok hiện có có hơn 325 triệu người dùng hoạt động hàng tháng ở Đông Nam Á, chiếm gần một nửa dân số khu vực. Trong đó, Việt Nam có khoảng 50 triệu người dùng. Trong nửa đầu năm 2023, GMV (tổng giá trị giao dịch hàng hoá) của TikTok Shop tại khu vực đạt gần 9 tỷ USD. Những năm gần đây. Theo dữ liệu nội từ tờ The Information thu được, TikTok Shop được cho là đạt mục tiêu GMV là 12 tỷ USD vào năm 2023.
Sự xuất hiện của TikTok Shop với những tính năng mới cho phép các nhà sáng tạo quảng cáo và bán sản phẩm của họ trực tiếp trên nền tảng đang thực sự tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các tay chơi thương mại điện tử tại thị trường Đông Nam Á.
Khi thương mại điện tử ở Đông Nam Á tiếp tục bùng nổ, thương mại trên mạng xã hội sẽ ngày càng phổ biến và TikTok đang nắm bắt thời cơ này. Nền tảng chia sẻ video ngắn này có đủ tài nguyên để thử nghiệm, nghiên cứu khả năng mở rộng mối quan tâm của mình trong lĩnh vực này.
Dự báo, trong tương lai khi thương mại điện tử truyền thống bắt đầu có xu hướng chậm lại và chứng kiến sự bùng nổ của social commerce (bán hàng qua mạng xã hội). Việc kết hợp giữa các phương tiện truyền thông xã hội, video và thương mại điện tử sẽ làm cho việc mua sắm trở nên thú vị và được tương tác nhiều hơn. Đây là sự tương tác 2 chiều qua lại giữa người mua và người bán, thay vì một chiều từ người bán như các nền tảng thương mại điện tủ hiện tại.
Trước khi có TikTok Shop, TikTok đã rất thành công trong mảng Influencer Marketing (tiếp thị bằng những người có ảnh hưởng trong xã hội) với sự bùng nổ của video ngắn, mạng lưới KOC/KOL hoạt động sôi nổi trên nền tảng đã giúp nhiều thương hiệu tiếp cận khách hàng mục tiêu một cách dễ dàng hơn, từ đó lấy được niềm tin từ người tiêu dùng và tăng trưởng doanh thu.
Shein là một minh chứng quan trọng khi chiến lược sử dụng KOC/KOL trên TikTok quảng bá cho thời trang giá rẻ đã giúp thương hiệu thời trang nhanh Trung Quốc vươn mình trở thành gã khổng lồ thực sự, vượt qua cả những tên tuổi sừng sỏ trong ngành như Zara và H&M.
TikTok Shop là mối đe dọa ngày càng tăng đối với những công ty thương mại điện tử lớn như Shopee và Lazada ở Đông Nam Á. Hồi tháng 8, nhà sáng lập Forrest Li cho biết công ty sẽ đầu tư nhiều hơn vào Shopee và tính năng livestream để chống lại những nền tảng mới đang hấp dẫn đối tượng người mua sắm trẻ tuổi. Trong thời gian qua, các thị trường mạnh nhất của Sea như Indonesia, Việt Nam đang bị "tấn công" bởi TikTok cùng loại hình mua sắm giải trí, dùng những người có ảnh hưởng để bán hàng.
Với những người bán hàng đa nền tảng như Ba Thức Food, đơn vị này hiểu rằng sự cạnh tranh giữa các nền tảng cũng là nơi để người dùng lẫn nhà bán hàng tìm cách khai thác. “Shopee đợt này đầu tư rất lớn vào các phiên livestream và họ có những đợt livestream cực kỳ hoành tráng, tạo ra doanh số rất tốt cho anh em nhà bán hàng", anh Thức chia sẻ.