Siêu doanh nghiệp 500.000 tỷ đồng: Xây dựng sàn thương mại điện tử tiếp cận 3 tỷ khách hàng với chi phí 100 triệu đồng, 'tự IPO' không cần HOSE, HNX, UPCoM
CTCP Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động Toàn Cầu (GAB Group), doanh nghiệp đăng ký vốn công ty 500.000 tỷ đồng, vừa ra mắt sàn thương mại điện tử USG Community vào hôm 20/7.
Trên trang web, sàn này tự giới thiệu là mô hình kinh doanh kết hợp các yếu tố nền tảng công nghệ phối hợp hệ sinh thái toàn cầu dựa trên 5 yếu tố chính gồm nền tảng Automation, Big Data, Block Chain, AI và Replication 5.0 (hệ thống nhân bản).
Sàn thương mại điện tử này sẽ giúp khách hàng cá nhân có thể mua hàng hóa trên bất kỳ quốc gia nào một cách dễ dàng và giúp doanh nghiệp cũng có thể bán hàng, tiếp cận đến hơn 3 tỷ khách hàng trên toàn cầu thông qua hệ thống của họ.
"Cùng với việc kết nối nhanh chóng các thành viên trên toàn thế giới, USG là sàn thương mại điện tử thuộc top 1 hàng đầu thế giới về việc triển khai thương mại hóa toàn cầu theo công nghệ 5.0 mới nhất trên thị trường", trang web của USG ghi rõ.
Xây dựng sàn thương mại điện tử tiếp cận 3 tỷ khách hàng với chi phí 100 triệu đồng
Trao đổi với người viết, CEO Nguyễn Vũ Quốc Anh cho biết, điểm khác biệt của sàn thương mại điện tử USG là hướng đến doanh nghiệp sản xuất, vốn bị nhà phân phối thường xuyên chèn ép về giá.
Ông tự cho rằng, đây là sứ mệnh của bản thân. USG muốn làm nền tảng đưa sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp chuyển đổi số. Đối tượng chính sàn này là người tiêu dùng cá nhân và 500.000 doanh nghiệp có quy mô nhân sự dưới 10 người tại Việt Nam.
Theo ông Quốc Anh, hiện thế giới có hai mô hình thương mại điện tử. Mô hình thứ nhất là tập trung, tức sàn vừa là nơi tổ chức mua - bán, vừa gom sản phẩm về kho của mình và vận chuyển đến người tiêu dùng, tiêu biểu là Amazon. Còn USG đi theo mô hình phân kỳ, sàn chỉ đứng ra hỗ trợ, giám sát chất lượng sản phẩm còn vận chuyển tới khách hàng là việc của nhà sản xuất.
Về lý do chọn mô hình này, ông Quốc Anh thẳng thắn cho biết, là do bản thân không đủ nguồn lực và kinh phí để đầu tư một sàn thương mại điện tử tập trung. Theo mô hình phân kỳ, USG chỉ xây dựng trong một tháng với chi phí chưa tới 100 triệu đồng. Đội ngũ xây dựng cũng chỉ có 5 người, trong đó ông Quốc Anh nắm chính, bốn người còn lại chỉ làm việc vào buổi tối.
"Một người như tôi chẳng có nguồn lực hay tiền bạc gì cả thì có mà 30 năm nữa mới làm được như Shopee, Lazada", ông chia sẻ.
Dù xây dựng nhanh chóng với kinh phí hạn hép, ông Quốc Anh vẫn khẳng định, sàn thương mại điện tử của mình có nhiều chức năng hơn các sàn khác như Shoppe, Lazada hay Tiki, vốn chỉ để mua và bán. USG được giới thiệu có thêm bốn chức năng như trao đổi hàng hoá, trao tặng hàng hoá, đấu giá sản phẩm và thanh lý sản phẩm. CEO này tự tin: "Đây sẽ là hệ sinh thái mà mấy ông lớn chưa dám mơ!".
USG Community sẽ là hệ sinh thái mà mấy ông lớn chưa dám mơ!
Nguyễn Vũ Quốc Anh - CEO GAB Group
Tự nhận mô hình của mình sẽ "bùng nổ và lan toả như COVID-19", mục tiêu đến hết năm nay, USG sẽ triển khai hết 1,6 triệu doanh nghiệp trong nước và hơn 50 triệu người dùng tại Việt Nam.
Từ tháng 3-7/2022, sàn này muốn có mặt ở 50 quốc gia với khoảng một tỷ người tham gia. Trong giai đoạn tháng 3-12/2023 sẽ triển khai trên 100 nước, có khoảng 2 tỷ người tham gia.
Xa hơn nữa, từ tháng 3/2024 đến hết năm 2025, sàn thương mại điện tử này sẽ xuất hiện trên 200 quốc gia và có hơn 3 tỷ người dùng. Nhưng thực tế, hiện nay trên sàn thương mại điện tử này chỉ mới xuất hiện các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của chính GAB Group và một vài doanh nghiệp nhỏ lẻ.
Để đạt những con số khổng lồ trên, ông Quốc Anh đưa ra khái niệm mô hình kinh doanh "B2C2USG" (business to client to USG). Theo ông, trước đây, các doanh nghiệp phải tìm đến khách hàng nhưng sàn USG sẽ làm điều ngược lại, tức khách hàng phải tự tìm đến nhà sản xuất.
"Chúng tôi có big data, chúng tôi không cần đi chào mời mà biến dữ liệu thành khách hàng. Đối với người khác, dữ liệu là rác, đối với tôi đó là vàng, là kim cương", ông khẳng định.
"Tự IPO" không cần HOSE, HNX, UPCoM
Để tham gia vào USG, thay vì miễn phí như các sàn thương mại điện tử khác, phía GAB Group thu phí các gói duy trì tài khoản. Với khách hàng cá nhân, các gói dao động từ 49.000 đến 199.000 đồng một tháng. Các doanh nghiệp phải đóng cao hơn, 199.000-999.000 đồng một tháng. Ngoài ra, mỗi đơn hàng thành công, doanh nghiệp phải trả chiết khấu 5% cho sàn.
Đổi lại, tuỳ theo gói tài khoản, người tiêu dùng được USG chia 2-8 cổ phần, doanh nghiệp được chia 8-40 cổ phần của GAB Group. Theo thông tin công bố, doanh nghiệp này sẽ phát hành 20 tỷ cổ phần và 20 tỷ trái phiếu.
Trước nghi vấn của người viết về mô hình đa cấp, CEO này liên tục phủ định. Ông khăng khăng cho rằng, sàn USG có mô hình kinh doanh mới mẻ. Mới mẻ đến mức không phải ai cũng có thể hiểu được.
"Chúng tôi không phải sàn đa cấp vì bản chất USG có kinh doanh, làm ra tiền mới chia lại lợi nhuận", ông nhấn mạnh sàn thương mại điện tử này khác hoàn toàn với các sàn giao dịch tiền ảo, mã lệnh đang có yếu tố lừa đảo trên thị trường.
Theo ước tính của CEO này, đến cuối năm nay, sàn này mang về cho GAB Group mỗi tháng 78.850 tỷ đồng tiền phí duy trì gói và 6.000 tỷ đồng từ chiết khấu đơn hàng. Tổng cộng, doanh thu của USG vào khoảng 84.850 tỷ đồng mỗi tháng.
Ông Quốc Anh gọi mô hình chia cổ tức lại cho người dùng của USG là "tự IPO". Theo ông, khi phần lớn các doanh nghiệp đã tham gia vào sàn, được chia cổ phần thì mặc nhiên đã trở thành nhà đầu tư của doanh nghiệp. Khi 1,6 triệu doanh nghiệp và hơn 50 triệu người dùng tại Việt Nam cùng tham gia, họ tự kiểm chứng sự minh bạch của công ty mà không cần phải đưa cổ phiếu lên một sàn thứ ba như HoSE, HNX hay UPCoM…
"Suy nghĩ của tôi khác với mọi người lắm! Tôi nói ra chưa chắc mọi người đã hiểu hết", ông Quốc Anh khẳng định.