|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Siêu chu kỳ hàng hóa mới đã xuất hiện?

07:28 | 22/02/2021
Chia sẻ
Trong các tháng gần đây, giá dầu thô và nhiều loại hàng hóa khác đã phục hồi từ mức thấp trong đại dịch COVID-19. Điều đó đưa các nhà phân tích và nhiều ngân hàng lớn đến với ý tưởng về một siêu chu kỳ hàng hóa mới, song không phải ai cũng nhất trí.

Những tháng gần đây, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu được kỳ vọng sẽ phục hồi, chính sách tiền tệ lỏng lẻo và lạm phát tăng, giá hàng hóa liên tục cải thiện và vượt trội hơn so với các chỉ số chứng khoán.

Khá nhiều nhà phân tích và ngân hàng đầu tư cho biết xu hướng tăng giá của hàng hóa đang diễn ra trên diện rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại, dẫn đầu với việc giá dầu thô tăng hơn 50% trong ba tháng qua.

Một số ngân hàng thuộc nhóm lớn nhất thậm chí còn đề cập đến sự khởi đầu của một siêu chu kỳ hàng hóa mới. Siêu chu kỳ hàng hóa có thể kéo dài nhiều năm liền, thường là khoảng một thập kỷ.

Tuy nhiên, không phải tất cả ngân hàng đầu tư và giới phân tích đều tin về khái niệm trên. Họ còn cảnh báo, siêu chu kỳ hàng hóa mà nhiều người đang nhắc đến có thể biến mất trong một hoặc hai năm và vẫn có thể chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.

Siêu chu kỳ hàng hóa mới đã xuất hiện? - Ảnh 1.

Đà tăng của thị trường hàng hóa

Ngay từ tháng 10 năm ngoái, một vài tuần trước công bố đầu tiên về ứng viên vắc xin ngừa COVID-19 của Pfizer và BioNTech, Goldman Sachs đã dự đoán giá hàng hóa sẽ tăng trong năm 2021.

Khi đó, Goldman Sachs đưa ra ba động lực chính cho giá hàng hóa. Thứ nhất, hàng hóa là rào chắn kiềm chế lạm phát; thứ hai, đồng USD đang suy yếu; và thứ ba, các ngân hàng trung ương phát đi tín hiệu sẽ duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo trong thời gian tới.

Goldman Sachs dự đoán trong 12 tháng tới, Chỉ số Hàng hóa Goldman Sachs S&P (S&P GSCI) sẽ phục hồi về mức 42,6% đối với nhóm dầu khí và 17,9% đối với nhóm kim loại quý.

Trong ba tháng qua, S&P GSCI đã tăng vượt trội so với chỉ số S&P 500. Cụ thể, chỉ số hàng hóa của Goldman Sachs tăng 25% trong khi chỉ số chứng khoán S&P 500 chỉ tăng 9%, oilprice.com cho hay.

Trong cùng giai đoạn, giá dầu thô đã nhích từ mức thấp 40 USD/thùng lên hơn 60 USD/thùng nhờ tiến bộ trong công tác triển khai vắc xin, nỗ lực giảm sản lượng của OPEC+ và dự báo nhu cầu dầu thô tăng vào cuối năm nay. Tuần trước, giá dầu thô thậm chí còn phá ngưỡng 65 USD/thùng, do nguồn cung tại Mỹ bị siết chặt vì thời tiết giá lạnh cực đoan.

Dấu hiệu của một siêu chu kỳ hàng hóa mới?

Theo JPMorgan Chase, có một số lý do để tin rằng một siêu chu kỳ hàng hóa mới có thể vừa mới bắt đầu.

"Chúng tôi tin siêu chu kỳ tăng giá của hàng hóa, và đặc biệt là chu kỳ tăng giá của dầu thô, đã bắt đầu", nhóm nhà phân tích do ông Marko Kolanovic dẫn dắt cho hay trong một lưu ý hồi tuần trước.

Siêu chu kỳ hàng hóa gần nhất kết thúc vào năm 2008 sau 12 năm hoạt động. Siêu chu kỳ này được thúc đẩy bởi các khoản chi tiêu khổng lồ và thành tựu kinh tế đột phá của Trung Quốc.

JPMorgan nhận thấy có một số động lực tiềm tàng cho siêu chu kỳ hàng hóa mới: tăng trưởng kinh tế toàn cầu hậu COVID-19, chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo, lạm phát tăng, đồng bạc xanh suy yếu, dòng vốn tài chính đổ vào các tài sản ngăn ngừa lạm phát, nhu cầu kim loại cho các công nghệ năng lượng mới như pin và xe điện tăng, và nguồn vốn đầu tư vào thị trường dầu mỏ có nguy cơ bị thiếu hụt.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IAE) năm ngoái đã cảnh báo rằng nếu mức đầu tư vào ngành dầu mỏ tiếp tục duy trì ở ngưỡng của năm 2020 trong 5 năm tới, nguồn cung dầu thô dự kiến vào năm 2025 có thể giảm gần 9 triệu thùng/ngày.

Tháng 12/2020, công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết vốn đầu tư vào các dự án thượng nguồn trong năm nay vẫn sẽ ở mức thấp. Trong đó, đầu tư vào các dự án khai thác dầu khí ở thượng nguồn ước tính đạt 300 tỷ USD, là mức thấp nhất trong 15 năm và giảm 30% so với mốc trước cuộc khủng hoảng COVID-19.

"Thế giới có thể đang bước vào một cuộc khủng hoảng nguồn cung mà không ý thức, dù cuộc khủng hoảng này phải sau năm 2021 mới xảy ra. Khi nhu cầu dầu thô phục hồi về mức hơn 100 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2022, cán cân cung - cầu có thể bị lệch vào cuối thập kỷ hiện tại và cuối cùng khiến giá dầu tăng vọt", ông Simon Flowers, Chủ tịch kiêm trưởng phân tích tại Wood Mackenzie cho hay.

Chính sách tiền tệ lỏng lẻo và xu hướng đầu tư theo kỳ vọng lạm phát tăng (reflation trade) có thể kéo giá dầu thô lên 100 USD/thùng vào năm tới, ông Amrita Sen của Energy Aspects chia sẻ với Bloomberg vào đầu tháng 2. Ngoài ra, các quỹ đầu cơ cũng đặt cược nhiều hợp đồng tương lai hàng hóa sẽ tăng điểm trong năm nay.

Song, liệu đây có phải khởi đầu của siêu chu kỳ hàng hóa tiếp theo?

Bên cạnh các dấu hiệu chung, giá dầu thô và một số hàng hóa khác tăng đã củng cố ý tưởng về một siêu chu kỳ mới. Song, một số nhà phân tích vẫn thận trọng và cho rằng còn hơi sớm để công nhận đó là điểm khởi đầu của siêu chu kỳ hàng hóa tiếp theo.

Chia sẻ với Financial Times, nhà quản lý danh mục đầu tư George Cheveley của công ty Ninety One cho biết những gì chúng ta đang chứng kiến trên thị trường dầu mỏ và hàng hóa là một đợt phục hồi theo chu kỳ, còn siêu chu kỳ có thể phải "hai đến ba năm nữa mới xuất hiện".

Trong khi đó, ông Ed Morse - Giám đốc quản lý kiêm trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Citigroup, nhận định đợt tăng giá hiện tại khó có thể trở thành một siêu chu kỳ hàng hóa. Ông Morse lý giải, dù vốn đầu tư có thể sụt giảm nhưng nguồn cung của nhiều hàng hóa, bao gồm dầu thô, vẫn rất dồi dào.

Sau cùng, nhu cầu và giá của nhiều loại hàng hóa nguyên liệu thô chắc chắn sẽ được hưởng lợi từ các gói kích thích tài khóa và tăng trưởng kinh tế hậu COVID-19, song còn quá sớm để thúc đẩy một siêu chu kỳ hàng hóa mới, oilprice.com kết luận.

Khả Nhân