[Infographic] Hơn cả một kim loại quý, bạc sẽ là vật liệu chủ chốt cho tương lai
Bạc của quá khứ
Cùng với vàng, đồng, chì và sắt, bạc là một trong các kim loại đầu tiên mà con người biết đến. Các nhà khảo cổ học đã phát hiện ra những đồng tiền bạc và đồ bạc có niên đại hơn 4.000 năm trước Công nguyên ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Kể từ đó, chính phủ các nước dần chấp nhận bạc như một đồng tiền tệ, trong khi các nhà kim hoàn dùng bạc để chế tác đồ trang sức thủ công.
Mối liên hệ lịch sử giữa bạc và tiền tệ từng được ghi lại qua nhiều ngôn ngữ. Bản thân từ "seolfor" (bạc) bắt nguồn từ ngôn ngữ Anglo-Saxon và "seolfor" lại bắt nguồn từ từ "silabar" trong tiếng Đức cổ.
Ag - ký hiệu hóa học của bạc là tên viết tắt của từ Latin "argentum". Từ Latin này có gốc từ từ "argnas", một cụm tiếng Phạn có nghĩa là tỏa sáng. Người Pháp sử dụng từ "argent" để chỉ tiền tệ và bạc. Các chủ ngân hàng và thương nhân bạc người La Mã gọi bạc là "argentarius".
Dù ý nghĩa tiền tệ của bạc vẫn còn tồn tại cho đến nay, song trong suốt chiều dài lịch sử, vai trò của bạc không chỉ dừng lại ở đó. Trong nhiều thế kỷ, các nền văn hóa trên khắp thế giới sử dụng đồ bạc để đựng rượu, nước và thực phẩm để tránh bị hư hỏng.
Trong những đợt bùng phát bệnh dịch hạch ở châu Âu, con cái của những gia đình giàu có ngậm thìa bạc để bảo vệ sức khỏe. Điều này đã sản sinh ra câu nói "sinh ra đã ngậm thìa bạc", hàm ý đứa trẻ sinh trưởng trong gia đình rất sung túc, giàu có.
Các bác sĩ thời trung cổ đã phát minh ra bạc nitrat để điều trị các vết loét và vết bỏng. Đến ngày nay, phương pháp này vẫn còn được duy trì. Vào những năm 1900, bạc bắt đầu được ứng dụng nhiều hơn trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Cụ thể, các bác sĩ từng dùng thuốc nhỏ mắt có chứa bạc cho trẻ sơ sinh ở Mỹ. Trong Thế chiến II, các y bác sĩ trên trận tuyến sẽ dùng chỉ bạc khâu miệng vết thương.
Bạc còn có độ nhạy sáng tốt, nhờ đó trở thành một chất liệu quan trọng trong lĩnh vực nhiếp ảnh cho đến những năm 1970. Khả năng phản xạ ánh sáng của bạc cũng giúp nó trở thành vật liệu phổ biến để chế tạo gương và cửa sổ tòa nhà.
Giờ đây, các nhà khoa học đang nghiên cứu lại những đặc tính của bạc để khai phá một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của công nghệ.
Bạc của tương lai
Độ nhạy sáng của bạc đã báo trước vai trò của kim loại quý này trong công nghệ tái tạo, Visual Capitalist nhận định. Trong số các kim loại hiện có, bạc có độ dẫn điện cao nhất và trở thành kim loại lý tưởng để sử dụng trong pin mặt trời và các thành phần điện tử của xe điện.
Bạc trong tế bào quang điện
Keo bạc được sử dụng để tạo ra các lớp dẫn điện bên trong tế bào quang điện (PV). Các lớp này giúp dẫn dòng điện bên trong tế bào. Khi ánh sáng chiếu vào một PV, các dây dẫn hấp thụ năng lượng và electron được giải phóng.
Là chất dẫn điện tốt nhất, bạc mang và lưu trữ electron tự do rất hiệu quả, từ đó tối đa hóa công suất điện của pin mặt trời. Theo một nghiên cứu từ Đại học Kent, một tấm pin mặt trời điển hình có thể chứa tới 20g bạc.
Khi thế giới ngày càng ủng hộ điện mặt trời như một dạng năng lượng tái tạo, nhu cầu bạc có thể sẽ tăng mạnh, Visual Capitalist dự đoán.
Bạc trong xe điện
Tính dẫn điện và khả năng chống ăn mòn của bạc còn giúp kim loại quý này xuất hiện trong các thiết bị điện tử, xe điện cũng không phải ngoại lệ. Hầu như mọi kết nối điện trên xe điện đều sử dụng bạc.
Bạc là vật liệu quan trọng trong lĩnh vực ô tô khi hơn 55 triệu ounce bạc được sử dụng cho riêng ngành công nghiệp này mỗi năm. Các nhà sản xuất xe ô tô phủ bạc lên các điểm tiếp xúc điện trên ghế, cửa sổ và các thiết bị điện tử khác trên xe để cải thiện độ dẫn điện.
Tương lai xanh mà chúng ta đang hướng đến chắc chắn sẽ cần đến các ứng dụng của bạc, một thứ kim loại rất thân thiện với môi trường.