|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Siết tín dụng, thị trường chứng khoán sẽ ‘gỡ thế bí’ về vốn cho doanh nghiệp địa ốc?

08:00 | 15/03/2019
Chia sẻ
Huy động vốn từ trái phiếu đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp bất động sản trong năm 2018, một số doanh nghiệp cũng thành công trong việc phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc riêng lẻ. Đầu năm 2019, một vài doanh nghiệp khác như CEO, Đất Xanh bắt đầu có kế hoạch huy động vốn qua thị trường chứng khoán.

Những doanh nghiệp địa ốc đầu tiên lên kế hoạch tăng vốn năm 2019

Mỗi mùa đại hội cổ đông sắp đến, vấn đề nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản luôn được nhà đầu tư quan tâm vì nó liên quan chặt chẽ đến kế hoạch kinh doanh. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ năm 2019 được một số công ty mới công bố, kênh huy động vốn từ thị trường chứng khoán tiếp tục được các doanh nghiệp bất động sản quan tâm.

Đơn của, năm 2019, Tập đoàn Đất Xanh (Mã: DXG) có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 4:1 (87,4 triệu cp) với giá 10.000 đồng/cp, tương đương số tiền thu về hơn 874 tỉ đồng. Mục đích sử dụng vốn là phát triển dự án Khu dân cư và tái định cư Nam Rạch Chiếc (tên thương mại Gem Riverside).

Siết tín dụng, thị trường chứng khoán sẽ ‘gỡ thế bí’ về vốn cho doanh nghiệp địa ốc? - Ảnh 1.

Tập đoàn Đất Xánh lên kế hoạch tăng vốn để thực hiện dự án Gem Riverside.

Tập đoàn CEO (Mã: CEO) cũng lên kế hoạch phát hành 103 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 66,7% với giá 10.000 đồng/cp, dự kiến thu về 1.030 tỉ đồng. Kế hoạch sử dụng vốn, công ty sẽ dùng 192,5 tỉ đồng góp vốn vào CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vân Đồn, hơn 171 tỉ đồng góp vốn vào CTCP Đầu tư và Phát triển Nha Trang, hơn 20 tỉ đồng đầu tư góp vốn vào CTCP Xây dựng C.E.O, 450 tỉ đồng đầu tư vào dự án River Silk City phân kỳ IV-V-VI và hơn 90 tỉ đồng còn lại bổ sung vốn lưu động.

Cuộc đua tăng vốn không chỉ riêng của những doanh nghiệp vốn nghìn tỉ, những 'bé hạt tiêu' trong ngành cũng thực hiện phát hành cổ phiếu ngay đầu năm 2019.

Đầu tháng 3, CTCP Bất động sản Netland (Mã: NRC) cũng phát hành 9 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỉ lệ 100:75 với giá 10.000 đồng/cp. 90 tỉ đồng thu về để thanh toán một phần tiền nhận chuyển nhượng một phần của dự án Khu nhà ở phía Đông rạch Thủ Lựu, phường Long Toàn, TP Bà Rịa.

Ngày 4/3, CTCP Việt Tiên Sơn Địa Ốc (Mã: AAV) chốt danh sách bán 17,5 triệu cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông theo tỉ lệ 23:28 với giá 10.000 đồng/cp. Số tiền thu về nhằm mua thêm cổ phần của CTCP Hồng Hưng (80 tỉ đồng), đầu tư vào dự án Khu dân cư phía Đông đường Yết Kiêu, thị xã Chí Linh, TP Hải Dương (95 tỉ đồng).

Trong năm 2018, một số doanh nghiệp đã huy động vốn cổ phần từ cổ đông hiện hữu như Nam Long (Mã: NLG), Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal - Mã: SCR).

Siết tín dụng, thị trường chứng khoán là giải pháp 'gỡ thế bí' về vốn của doanh nghiệp bất động sản

Đánh giá về ngành bất động sản trong năm 2019 tại báo cáo phân tích ngành công bố đầu năm 2019 của CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC - Mã: BSI) hạ đánh giá từ khả quan xuống trung lập do tiến độ triển khai các dự án bị chậm lại, lãi suất cho vay dự báo tăng, siết chặt tín dụng đối với doanh nghiệp bất động sản.

BSC nhận định Thông tư 16/2018 của Ngân hàng Nhà nước sẽ gây hạn chế nguồn vốn tín dụng cho thị trường bất động sản. Cụ thể, trong năm 2019, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 40% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, thay vì 45% trước đó. BSC đánh giá đây là điều sẽ làm khó khăn đối với các chủ đầu tư trong việc huy động vốn cho các dự án.

Như vậy, bài toán về nguồn tín dụng để thực hiện các dự án đối với các doanh nghiệp địa ốc vẫn là câu chuyện rất được quan tâm và đâu là giải pháp 'gỡ thế bí' của các đơn vị trong ngành.

Siết tín dụng, thị trường chứng khoán sẽ ‘gỡ thế bí’ về vốn cho doanh nghiệp địa ốc? - Ảnh 2.

Nguồn: Phan Quân tổng hợp từ FiinPro

Theo số liệu tổng hợp, trong năm 2018, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu tăng mạnh nhất, theo sau là nguồn tín dụng ngân hàng và vốn chủ sở hữu. Cụ thể, tổng giá trị phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản tính đến 31/12/2018 đạt 57.564 tỉ đồng, tăng 110,7% so với năm trước đó. Vay ngân hàng đạt 70.312 tỉ đồng, tăng 74,7% so với số liệu cuối năm 2017. 

Những doanh nghiệp có giá trị phát hành trái phiếu tăng mạnh trong năm 2018 như Vinhomes, Novaland, Đất Xanh. Một số doanh nghiệp bất động sản chưa huy động vốn trái phiếu trong năm 2017 cũng phát hành trái phiếu trong năm vừa qua như Nam Long (622 tỉ đồng), Văn Phú (395 tỉ đồng), KOSY (235 tỉ đồng)…

Đầu tháng 2/2019, HĐQT của Văn Phú thông qua phương án phát hành riêng lẻ trái phiếu với giá trị 200 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh 2018, nền tảng cho bài toán tăng vốn

Năm 2018, các doanh nghiệp bất động sản có kết quả kinh doanh khả quan. Theo số liệu tổng hợp từ StoxPlus, tổng doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản tại Việt Nam năm 2018 đạt 292.443 tỉ đồng, tăng 27,7% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế của toàn ngành đạt 43.665 tỉ đồng, tăng gần 76% so với năm 2017.

Siết tín dụng, thị trường chứng khoán sẽ ‘gỡ thế bí’ về vốn cho doanh nghiệp địa ốc? - Ảnh 3.

Nguồn: Phan Quân tổng hợp từ FiinPro

Những công ty có doanh thu tăng ba con số trong năm vừa qua như Đầu tư LDG (176,3%), Vinhomes (153,7%). Ngoại trừ một số trường hợp có doanh thu sụt giảm như Nhà Khang Điền (giảm 4,6%), Đầu tư Văn Phú – Invest (giảm 67,7%).

Siết tín dụng, thị trường chứng khoán sẽ ‘gỡ thế bí’ về vốn cho doanh nghiệp địa ốc? - Ảnh 4.

Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Một số công ty địa ốc báo lãi ròng nghìn tỉ trong năm vừa qua như Vinhomes (14.754 tỉ đồng), Novaland (3.280 tỉ đồng), Tập đoàn Đất Xanh (1.723 tỉ đồng). Những đơn vị ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng mạnh như Vinhomes (842,5%), Tập đoàn Hà Đô (175,2%), Đầu tư LDG (113,2%).

Siết tín dụng, thị trường chứng khoán sẽ ‘gỡ thế bí’ về vốn cho doanh nghiệp địa ốc? - Ảnh 5.

Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Ngoài tình hình, kinh doanh khởi sắc, câu chuyện về hàng tồn kho của các doanh nghiệp bất động sản được nhà đầu tư đặc biệt lưu ý. Dữ liệu tổng hợp từ StoxPlus cho thấy tổng giá trị hàng tồn kho tính đến cuối năm 2018 tăng nhẹ 3,78% so với năm 2017, lên 230.149 tỉ đồng.

Những đơn vị đứng đầu về hàng tồn kho như Novaland (32.766 tỉ đồng), Vinhomes (27.297 tỉ đồng), Địa ốc Phát Đạt (5.866 tỉ đồng), Nhà Khang Điền (5.822 tỉ đồng)…

Siết tín dụng, thị trường chứng khoán sẽ ‘gỡ thế bí’ về vốn cho doanh nghiệp địa ốc? - Ảnh 6.

Nguồn: Phan Quân tổng hợp

Đáng chú ý, kết quả khởi sắc của một số doanh nghiệp lại không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà đến từ hoạt động tài chính. Điển hình, trong năm 2018, Nhà Khang Điền (Mã: KDH) ghi nhận khoản lãi từ thanh lý khoản đầu tư đạt hơn 157 tỉ đồng, trong khi năm 2017 là 29,5 tỉ đồng. 

Tương tự, Văn Phú – Invest (Mã: VPI) cũng có doanh thu hoạt động tài chính 2018 gần 254 tỉ đồng, gấp gần 3,4 lần so với năm trước đó; trong đó lãi bán các khoản đầu tư tăng đột biến lên 243,4 tỉ đồng.

Đón đọc [Phần 2] Huy động vốn trái phiếu của doanh nghiệp địa ốc, đặt lên bàn cân lợi ích.

Siết tín dụng bất động sản, nợ vay của doanh nghiệp vẫn Siết tín dụng bất động sản, nợ vay của doanh nghiệp vẫn 'dắt tay' hàng tồn kho đi lên Nhiều Nhiều 'ông lớn' BĐS đường đến kế hoạch 2018 còn xa sau nửa đầu năm Doanh nghiệp bất động sản tích cực thoái vốn đầu tháng 6, thủ thân hay gom vốn?Doanh nghiệp bất động sản tích cực thoái vốn đầu tháng 6, thủ thân hay gom vốn?

Phan Quân