Shopee, Lazada và TikTok Shop cân nhắc thử nghiệm mô hình gây bão thị trường TMĐT Mỹ của ứng dụng Temu
Ứng dụng đến từ Trung Quốc là Temu đã gây bão thị trường thương mại điện tử toàn cầu. Vào tháng 4, tháng thứ 8 kể từ khi ứng dụng này chính thức ra mắt tại Mỹ, tổng giá trị hàng hóa của Temu tại quốc gia này đã đạt gần 400 triệu USD, theo YipitData.
Tại các bữa tối bàn công việc ở Hàng Châu, Phiên Ngung và Thâm Quyến – nơi tập trung hệ sinh thái thương mại điện tử xuyên biên giới – các chuyên gia đã có những cuộc thảo luận tập trung vào công ty chị em của Pinduoduo.
Theo Tech in Asia, những người bán hàng xuyên biên giới trên Temu ước tính giá trị đơn hàng trung bình trên ứng dụng này rơi vào khoảng 30 USD, trong khi giá trị mặt hàng trung bình thấp hơn 5 USD, những con số “đáng mơ ước” đối với những người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Sự trỗi dậy nhanh chóng của Temu đã thu hút rất nhiều sự chú ý từ các đối thủ cạnh tranh. Nhiều nền tảng thương mại điện tử khác dường như nghĩ rằng mô hình của Pinduoduo – tạm dịch là “được quản lý hoàn toàn” hoặc “bao gồm tất cả” – đáng để thử.
Theo mô hình này, người bán, nhà sản xuất hoặc thương hiệu chỉ cần đồng ý về giá (do nền tảng thanh toán) và chuyển hàng đến kho của công ty. Nền tảng này xử lý mọi thứ khác, bao gồm front-end marketing, logistics cũng như các dịch vụ khách hàng.
Mô hình này cũng đặt ra những mức giá cụ thể cho người tiêu dùng. Ngoài ra, thay vì kiếm tiền từ việc nhận hoa hồng trên mỗi giao dịch hoặc tính phí, doanh thu của Temu đến từ chênh lệch giá giữa những gì nó thu được từ người tiêu dùng và những gì nó trả cho người bán, nhà sản xuất hoặc thương hiệu.
Được gọi là mô hình ký gửi, chương trình này đòi hỏi ít yêu cầu hơn về vốn lưu động hoặc rủi ro hàng tồn kho. Có thể nói rằng mô hình này đang trở nên phổ biến hơn trên các sàn thương mại điện tử khác nhau.
Lazada đã ra mắt mô hình ký gửi cho người bán xuyên biên giới vào ngày 25/4 vừa qua, trong khi TikTok đã công bố chương trình ký gửi “trọn gói” vào ngày 16/5. Bên cạnh đó, Shopee cũng đang làm việc để tung ra phiên bản của riêng mình.
Lợi ích và khó khăn của mô hình ký gửi
Tech in Asia cũng đã tổng hợp những lợi ích của mô hình này trên thị tường thương mại điện tử rộng lớn. Theo đó, người bán/nhà sản xuất/thương hiệu sẽ không phải trực tiếp tham gia khâu tiếp thị và dịch vụ khách hàng. Điều này khuyến khích nhiều nhà cung cấp tham gia nền tảng hơn.
Trong khi đó, người tiêu dùng có được trải nghiệm mua sắm và dịch vụ khách hàng nhất quán (Ví dụ: Khi một người tiêu dùng đặt 6 mặt hàng từ các nhà cung cấp khác nhau, tất cả chúng đều được giao đến cùng một lúc trong một gói hàng).
Mô hình này cũng có thể giúp các nền tảng thương mại điện tử có thể tối đa hóa hiệu quả hoạt động mà không phải lo lắng về yêu cầu vốn lưu động hoặc rủi ro hàng tồn kho. Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần chỉ cần giao tiếp với nền tảng, thay vì vô số người bán.
Tuy nhiên, mô hình này không phải là không có hạn chế. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là các nền tảng thương mại điện tử có thể đáp ứng các yêu cầu của lô hàng không? Quá trình này khác với việc khởi chạy trên các địa điểm bán hàng (marketplaces) mà nhiều nền tảng thường bắt đầu.
Theo mô hình ký gửi, các nền tảng thương mại điện tử cần phải làm nhiều thứ hơn, như tiếp thị, thực hiện và dịch vụ khách hàng. Điều này đòi hỏi các nền tảng cần nhiều năng lực hơn để làm tất cả những điều này một cách hiệu quả.
Shopee và một số nền tảng khác đã cố gắng sao chép hoạt động của Shein nhưng không đạt được nhiều thành công. Theo Tech in Asia, lý do dẫn đến điều này rất đơn giản: Đó chỉ là một đề xuất khó khăn khi một mô hình không phải là hoạt động kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp, nhưng lại đòi hỏi nhiều sự quan tâm của lãnh đạo và nguồn lực tổ chức để có thể hoạt động tốt.
Thứ hai, mặc dù có vẻ mô hình ký gửi sẽ là mô hình mà các bên cùng có lợi, nhưng các nền tảng, một khi đạt được khối lượng bán hàng đáng kể, thường sẽ siết chặt các nhà cung cấp sản phẩm và nhà cung cấp dịch vụ hậu cần nhiều nhất có thể. Temu được cho là đang làm điều này.
Tuy nhiên, đây là điều mà các đối tác của Temu cần phải chuẩn bị, bởi dù sao họ cũng gặp phải tình huống tương tự trên các nền tảng thương mại điện tử khác thông qua những thứ yếu tố như phí hoa hồng và phí quảng cáo.
Cuối cùng, các nền tảng thương mại điện tử và tất cả các bên liên quan sẽ cần tìm kiếm sự cân bằng để mọi người sẵn sàng cho một mô hình có thể hoạt động trong thời gian lâu dài.