Nón Sơn gia nhập 'sân chơi' TMĐT: Bán đủ loại mũ giá từ vài trăm đến hàng triệu đồng, đạt doanh thu cả tỷ đồng
Từ một cửa hàng chuyên kinh doanh nón thời trang ngoại nhập ở TP HCM vào năm 1996, sau 27 năm phát triển, Nón Sơn đã trở thành hệ thống rộng khắp với 179 chi nhánh tại Việt Nam. Riêng tại TP HCM, hơn 50 cửa hàng nằm tại những tuyến đường, khu phố có mặt bằng đắt đỏ nhưng thoạt nhìn có vẻ vắng khách, từ lâu đã thu hút sự chú ý, tò mò của người dân và du khách.
Công ty TNHH Thời Trang Nón Sơn – chủ của thương hiệu này cũng được nhận định là doanh nghiệp khá kín tiếng với truyền thông, khiến các thông tin xoay quanh hệ thống Nón Sơn càng trở thành “ẩn số” đối với nhiều người.
Tháng 9/2022, ông Hoàng Trường, cựu Giám đốc marketing của công ty từng có bài viết trên trang cá nhân để giải đáp thắc mắc của dư luận về việc "tại sao thương hiệu Nón Sơn nhìn không có khách nhưng lại có nhiều cửa hàng”.
Cụ thể, ông Hoàng Trường cho biết dù công ty chi rất ít cho truyền thông, quảng cáo nhưng có đến 90% lượng ghé thăm website là xuất phát từ nhu cầu tự nhiên của khách hàng. Về việc Nón Sơn luôn xuất hiện tại các mặt bằng đẹp chỉ là cách để thương hiệu quảng cáo hình ảnh, chứ không nhằm mục đích bán hàng.
Thời điểm vị cựu giám đốc còn làm việc tại Nón Sơn, thương hiệu này đã sở hữu doanh thu online đạt hơn 2 tỷ đồng/tháng và doanh thu hàng năm lên tới 24 tỷ đồng. Nón Sơn còn chạy chương trình khuyến mãi quanh năm và đạt được kết quả đáng chú ý.
Trong bối cảnh các kênh bán hàng online phát triển mạnh mẽ như hiện nay, Nón Sơn cũng không nằm ngoài xu thế. Theo khảo sát của người viết, bên cạnh kênh bán hàng truyền thống tại cửa hàng và website, Nón Sơn đang đẩy mạnh kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT).
Cụ thể, gian hàng chính hãng của Nón Sơn trên Shopee có hơn 66.400 người theo dõi. Hàng trăm sản phẩm như mũ bảo hiểm, mũ lưỡi trai, mũ vành đan tay… từ phân khúc bình dân đến cao cấp được bày bán với mức giá đa dạng. Phần lớn đều áp dụng chương trình chiết khấu, mức giá sau giảm dao động từ 150.000 đồng – 6.000.000 đồng/chiếc.
Sản phẩm bán chạy nhất là mũ bảo hiểm nửa đầu lỗ thông gió, với lượng bán lên đến 12.600 lượt. Đây là sản phẩm bình dân, giá chỉ từ 250.000 đồng – 325.000 đồng tuỳ size, được quảng cáo với nhiều công dụng khác nhau. Chỉ tính riêng sản phẩm này, ước tính Nón Sơn thu về ít nhất 3.150 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều sản phẩm mũ bảo hiểm khác cũng có lượng mua lớn, dao động từ vài trăm đến hàng nghìn lượt mua.
Trong khi đó, mặt hàng mũ lưỡi trai ghi nhận lượng bán thấp hơn, chỉ vài trăm lượt. Còn những sản phẩm cao cấp, đan tay có giá 500.000 đồng – 6.000.000 đồng/chiếc, dù áp dụng chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhưng không có nhiều người mua, chỉ rải rác bán được vài chiếc.
Tại Lazada Mall, gian hàng của Nón Sơn ghi nhận 29.400 lượt theo dõi. Các sản phẩm được bày bán với đủ mẫu mã và mức giá, trong đó nhiều mặt hàng mũ bảo hiểm được giảm đến 60 - 70%. Dù vậy, lượng bán hàng trên Lazada của Nón Sơn không cao như Shopee, khi cùng với sản phẩm mũ bảo hiểm, tại đây chỉ bán được từ vài chục đến vài chăm chiếc.
Còn trên Tiktok Shop, gian hàng Nón Sơn có lượng theo dõi khiêm tốn hơn với gần 8.200 lượt. Trong đó, nhiều mặt hàng ghi nhận từ 200 – 650 lượt bán. Đây đều là những sản phẩm có giá bình dân từ 200.000 – 250.000 đồng. Theo thông tin từ sàn TMĐT này, đến nay Nón Sơn đã bán được hơn 5.800 sản phẩm.
Điểm chung của các gian hàng trên là đều giảm giá sâu, có mặt hàng lên đến hơn 70%. Người mua Nón Sơn trên ba sàn TMĐT này chủ yếu chọn sản phẩm có giá thành bình dân thay vì loại mũ cao cấp.
Ông Nguyễn Ngọc Tý, Giám đốc điều hành Nón Sơn cho biết, công ty từng có giai đoạn tung ra nhiều chương trình quảng cáo để quảng bá thương hiệu, nhưng sau đó đã thay đổi cách thức. "Thay vì mỗi năm chi 10 tỷ đồng cho quảng cáo, chúng tôi sử dụng khoản tiền đó thực hiện các chương trình khách hàng trực tiếp", ông chia sẻ.
Tính đến nay, toàn bộ chi nhánh đều do công ty tự vận hành (không nhượng quyền). Tuy nhiên theo khảo sát, trên các sàn TMĐT có khá nhiều nhà cung cấp đăng bán sản phẩm có mẫu mã và tên gọi tương tự sản phẩm của Nón Sơn với mức giá cạnh tranh hơn.
Bài toán hàng giả, hàng "nhái" cũng là thực tế thương hiệu này phải đối mặt trong nhiều năm qua. Theo số liệu báo cáo được đưa ra, chỉ trong vòng một năm tính đến tháng 1/2022, đã có hơn 30.000 cây vải giả thương hiệu Nón Sơn và hơn 121.100 sản phẩm bị thu giữ.
Cơ sở sản xuất của Nón Sơn hiện toạ lạc trên khu đất rộng hơn 14.000 m2 tại huyện Hóc Môn, TP HCM. Đến năm 2025, doanh nghiệp dự kiến mở rộng mạng lưới kinh doanh lên 400 - 500 cửa hàng trên cả nước.