|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bà chủ Nón Sơn mê làm túi xách thủ công

08:06 | 16/04/2018
Chia sẻ
Là bà chủ của hãng Nón Sơn nổi tiếng, Hà luôn ấp ủ những ý tưởng đưa thương hiệu do hai vợ chồng gầy dựng phát triển xa hơn. Cách đây vài năm, tình hình kinh doanh tốt khiến cặp doanh nhân nảy ý nghĩ muốn mở rộng sản phẩm để người tiêu dùng có thêm lựa chọn khi ghé thăm các cửa hàng.
ba chu non son me lam tui xach thu cong

15 mẫu túi đan, 19 mẫu túi móc hoàn toàn bằng tay là thành quả Hà hào hứng giới thiệu với khách hàng trong ngày khai trương cửa hàng đầu tiên vào cuối tháng ba. Hai con số không dễ nhớ nhưng nằm lòng trong tâm trí chị.

"Đây không chỉ là kinh doanh mà còn thỏa sự yêu thích của chính tôi với sản phẩm giữ được bản sắc ngành thủ công Việt Nam, chứng tỏ chúng ta cũng có thể tạo ra những mặt hàng đẳng cấp có nét đặc trưng riêng không thua gì các thương hiệu nước ngoài", chị nói trong cảm xúc.

ba chu non son me lam tui xach thu cong

Thực hiện giấc mơ đó là chặng đường chông gai thử thách độ bền gan của người phụ nữ lần đầu khởi nghiệp ở độ tuổi U50.

Ba năm thử lửa

Là bà chủ của hãng Nón Sơn nổi tiếng, Hà luôn ấp ủ những ý tưởng đưa thương hiệu do hai vợ chồng gầy dựng phát triển xa hơn. Cách đây vài năm, tình hình kinh doanh tốt khiến cặp doanh nhân nảy ý nghĩ muốn mở rộng sản phẩm để người tiêu dùng có thêm lựa chọn khi ghé thăm các cửa hàng.

Khi sang nước ngoài, đặc biệt là châu Âu, nhìn thấy nhiều món hàng thời trang thủ công, Hà nghĩ mình cũng có khả năng làm được. Xưởng có, công nhân cũng thạo việc nên ban đầu chị dự định thực hiện các trang phục đi biển và làm thêm dép, túi bán kèm cho đủ bộ. “Tôi hơi lo vì công việc đã quá nhiều rồi nhưng chồng ủng hộ là hãy làm đi, nhờ đó mới mạnh dạn thực hiện”.

Hà nói lần này có thể gọi là khởi nghiệp, vì chị muốn xây dựng một thương hiệu mới. Với các sản phẩm chuyên biệt dành cho phụ nữ, ông chủ Nón Sơn chỉ đứng một bên ủng hộ tinh thần, còn lại tất cả mọi việc đều do Hà quyết định.

Đã làm thì phải làm cho ra, chứ không làm chơi.

Đó là phương châm của Hà. Trong khi thực hiện các mẫu sản phẩm, chị nhớ lại đã có kinh nghiệm nhiều năm với đồ đan móc nên muốn thử với túi xách. Nữ doanh nhân sinh năm 1972 lập tức hình dung thiết kế, chỉ dẫn nhân viên làm theo kích thước và phom dáng. Chiếc túi đầu tiên thành hình sau hơn một tuần Hà và đội ngũ miệt mài thử đi thử lại vì việc này quá mới mẻ với mọi người.

“Đẹp quá, dễ thương quá, hay quá".

Hà thổn thức khi nhìn sản phẩm trước mắt. Đến khi chiếc thứ hai, thứ ba ra đời, chị biết mình không thể nào buông nữa vì đã trót mê mẩn mất rồi. Thậm chí Hà quyết định gác lại tất cả các sản phẩm dự định ban đầu mà chỉ làm duy nhất dòng túi xách và ví cầm tay.

ba chu non son me lam tui xach thu cong

Tuy nhiên, công việc ở Nón Sơn vẫn cần Hà, còn sản phẩm mới lại là hàng thủ công, cần đầu tư nhiều về mặt chất xám, nhân công, sự tỉ mỉ và bám sát tiến độ công việc. Khi làm đến mẫu thứ năm, Hà cảm thấy kiệt sức, muốn bỏ cuộc.

“Lúc đó mọi thứ rất khó khăn vì phải chu toàn cho hai bên. Túi thủ công lại là một sản phẩm quá mới, nhân công phải đào tạo lại từ đầu bởi quy cách thực hiện rất khác với nón. Nhưng nếu bỏ, tôi lại thấy áy náy vì thị trường sẽ không bao giờ có loại sản phẩm với một ngách rất đặc biệt”.

Với ý nghĩ đó, Hà quyết tâm theo đuổi đến cùng con đường này. Chị chấp nhận dành gần một năm trời đào tạo thợ riêng cho túi xách. Ở tuổi tứ tuần, nếu nhiều người chọn cuộc sống an nhàn, lui về hậu trường, bà chủ thương hiệu nón nổi tiếng lại quyết đi theo tiếng gọi của trái tim.

"Độ tuổi của tôi khởi nghiệp có thể là hơi trễ nhưng việc này đến một cách rất tự nhiên mà không hề có dự định trước. Tôi chỉ nghĩ là thích thì phải làm, dù sớm hay trễ cũng chẳng sao".

ba chu non son me lam tui xach thu cong

Ahanaba

Một ngày đẹp trời, nữ doanh nhân nghĩ ra cái tên Ahanaba. Chị hy vọng khi nhắc đến sản phẩm túi thủ công của mình, mọi người sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thư giãn như đi du lịch đến một hòn đảo xinh đẹp nào đó.

15 mẫu túi đan và 19 mẫu túi móc là thành quả ba năm trời của Hà. Mỗi mẫu có đa dạng màu, có loại sở hữu từ 15-20 bảng màu để khách hàng có nhiều sự lựa chọn cho các mục đích sử dụng khác nhau. Nhiều chiếc đính pha lê có thể dễ kết hợp với quần áo để tham dự các sự kiện hay tiệc đêm.

Mỗi chiếc túi nhỏ thường mất khoảng 3-5 ngày để hoàn thành, với túi lớn thì phải hơn một tuần. Từng công đoạn được thực hiện tinh xảo từ đôi bàn tay của người thợ mà chị trân trọng gọi họ là “nghệ nhân”.

Về mặt kỹ thuật, Hà và cộng sự phải tự mày mò mọi thứ vì trên thị trường không có mẫu làm theo. Để tạo hình khối cho chiếc túi không hề đơn giản vì sản phẩm là liền mảnh, không có đường ráp nối, một sợi thực hiện trọn vẹn từ đầu đến cuối, duy chỉ có dây kéo là dùng máy may ráp vào.

ba chu non son me lam tui xach thu cong

Mọi người cứ vừa làm vừa chỉnh sửa, hễ sai là bung ra làm lại. Kể cả những người có thâm niên cũng lúng túng với sản phẩm mới. Chỉ cần sai một chi tiết có khi phải tháo ra làm lại hết.

Chị biết công sức người thợ làm ra sản phẩm rất mất thời gian, khi mở ra thực hiện lại là cả một chặng đường dài. Tuy nhiên, Hà vẫn kiên định và chấp nhận chứ không tiếc vì với chị, sản phẩm khi xuất ra phải đạt chất lượng tốt nhất.

“Chúng tôi thực hiện dựa trên ba tiêu chí là hợp thời trang, tiện dụng khi sử dụng và độ bền cao. Khi một trong ba tiêu chí không đạt thì không thể xuất được. Cốt lõi sản phẩm mới là thứ vào lòng người tiêu dùng”, chị giải thích.

ba chu non son me lam tui xach thu cong

Chính vì thế, từng sản phẩm luôn phải trải qua công đoạn kiểm tra cuối cùng với xác nhận là chữ ký của Hà trước khi chính thức xuất xưởng để đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.

Với chị, làm bất cứ sản phẩm nào cũng không nên dễ hài lòng chủ quan. Đôi khi có những món khách hàng nghĩ thế là đã ổn nhưng trong vai trò người tạo ra chúng, chị luôn cố gắng trong khả năng cho ra mặt hàng đẹp và bền nhất có thể.

Những chiếc túi xách Ahanaba có hai chất liệu chính. Một là sản phẩm làm từ vỏ cây mộc mạc, đơn giản với tông tự nhiên, không nhuộm màu và có giá vừa túi tiền. Dòng còn lại đa dạng màu sắc được hình thành từ sợi tổng hợp, dễ bảo quản, khi bị bẩn có thể hòa vào nước giặt bình thường hoặc dùng bàn chải lông mềm chà nhẹ.

"Hàng thủ công không có sự bóng bẩy, chúng chỉ mộc mạc và đơn giản. Nhưng những ai thích sẽ cảm nhận được cảm xúc và chiều sâu trong từng sản phẩm. Đó là nét đẹp, cá tính của đồ thủ công".

ba chu non son me lam tui xach thu cong

Hà từng là tiếp viên trưởng của một hãng hàng không nổi tiếng trước khi quyết định cùng chồng dành tất cả thời gian cho Nón Sơn.

Từ nhỏ chị đã là một cô bé có tâm hồn lãng mạn, yêu thích nghệ thuật và những món đồ thủ công. Khi rảnh rỗi, người phụ nữ gốc Hà thành thường ngồi vẽ chân dung những người quanh mình hay may quần áo cho búp bê.

Đến khi lập gia đình, thỉnh thoảng chị vẫn tự tay may những chú hình nộm để minh họa cho con về nhân vật trong các tác phẩm văn học nổi tiếng thế giới.

Niềm đam mê đồ thủ công cứ âm ỉ trong tâm trí Hà mà chưa thể nhận mặt đặt tên. Chị chỉ biết mình luôn bị cuốn hút và muốn mua về hết mỗi lần nhìn những món hand-made lạ mắt.

Thực hiện Ahanaba là lúc Hà khám phá trong mình một giấc mơ mới: khẳng định hàng thủ công Việt không hề thua kém bất cứ quốc gia nào.

Tự tin chiếc túi thủ công Việt

Là một tín đồ của cái đẹp, Hà rất quan tâm đến thời trang. Không chỉ liên quan đến việc kinh doanh, chị tự nhận mình là một người phụ nữ đam mê thời trang, thích ăn mặc đẹp và “tậu” những món đồ giúp tôn lên phong cách của bản thân. Những mẫu túi thành hình và đa dạng thiết kế xuất phát từ chính nhu cầu của chị với nhiều hoạt động như đi du lịch, dự tiệc, dạo phố hay cà phê cùng bạn bè.

“Mỗi sự kiện đều cần có những bộ trang phục và phụ kiện thích hợp. Tôi mong ước mỗi người phụ nữ khi đeo trên mình hoặc cầm trên tay sản phẩm của Ahabana có thể cảm thấy tự tin với một sản phẩm thủ công của người Việt làm ra, có giá trị và chiều sâu riêng”, nữ doanh nhân tâm sự.

ba chu non son me lam tui xach thu cong

Hà cho biết các sản phẩm của chị có giá từ vài triệu cho đến trên dưới hai mươi triệu vì là hàng thủ công, đòi hỏi các công đoạn tỉ mỉ và trau chuốt, công sức của nghệ nhân là không thể đong đếm. Tuy nhiên, để thị trường thật sự hiểu hết giá trị và đón nhận sản phẩm, với Hà là một chặng đường dài phía trước chứ không chỉ là ngày một ngày hai.

Tôi chỉ có một giấc mơ là ngày càng nhiều người am hiểu về ngành thủ công và trân trọng, yêu quý những sản phẩm do bàn tay nghệ nhân làm ra. Đó là niềm tự hào của người Việt.

Chấm phá nét truyền thống nhưng vẫn không bỏ qua những xu hướng hiện đại, Hà nói muốn góp một tay khẳng định đẳng cấp thương hiệu Việt, đặc biệt là hàng thủ công với giá trị chiều sâu riêng.

Hiện có một vài lời đề nghị ngỏ ý trở thành đối tác của Ahanaba tại nước ngoài nhưng Hà nói vẫn ưu tiên phát triển trước nhất ở Việt Nam. Kế hoạch chinh phục thị trường thế giới có trong tầm nhìn của nữ doanh nhân 7x.

Nhưng Hà chưa vội, bởi tất cả mới chỉ là bắt đầu.

Trương Sanh