Shopee bắt đầu tăng thu hoa hồng, giảm mã free ship, hướng tới có lãi trong năm 2021
Sea, tập đoàn game trực tuyến và thương mại điện tử có trụ sở tại Singapore đồng thời là công ty mẹ của Shopee, đang chuyển hướng tập trung vào lợi nhuận sau khi tăng trưởng mạnh trong năm ngoái nhờ nhu cầu mạnh mẽ do đại dịch COVID-19 tạo ra và các chiến lược marketing bài bản, theo Nikkei.
Theo báo cáo tài chính mới nhất, Sea ghi nhận doanh thu 4,37 tỷ USD trong năm 2020, tăng 2 lần so với năm 2019. Dù vậy, lỗ ròng của Sea trong năm qua là 1,61 tỷ USD, tăng so với con số 1,46 tỷ USD lỗ ròng của cùng kỳ một năm trước đó.
Trong đại dịch COVID-19, Shopee tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành sàn TMĐT được truy cập nhiều nhất ở 6 quốc gia đang hoạt động, theo dữ liệu từ iPrice Group. Song song với đó, Sea cũng mở rộng mạnh mẽ mảng kinh doanh thanh toán số trong khu vực.
Cụ thể, doanh thu từ TMĐT của Sea tăng 160% lên mức 2,16 tỷ USD song lỗ hoạt động của mảng này cũng tăng 27% lên mức 1,44 tỷ USD. Đối với mảng tài chính số, lỗ tăng 4 lần lên 520 triệu USD trong khi doanh thu ghi nhận 60 triệu USD.
Điểm sáng trong báo cáo tài chính của Sea vẫn là mảng game cùng doanh thu 2,01 tỷ USD, tăng 77% so với năm ngoái và lợi nhuận hoạt động 1,01 tỷ USD, tăng 92% nhờ trò chơi ăn khách Free Fire.
"2020 là một cột mốc đối với Sea", ông Forrest Li, CEO Sea Group, chia sẻ. Ông nhấn mạnh Sea đã đáp ứng thành công nhu cầu biến đổi nhanh và ngày càng tăng mạnh của người dùng. Trong năm nay, ông dự đoán doanh thu từ TMĐT sẽ tiếp tục tăng gấp đôi lên mức từ 4,5 tỷ USD đến 4,7 tỷ USD.
Là một trong những công ty công nghệ Đông Nam Á hiếm hoi niêm yết ở Mỹ, Sea thu hút khá nhiều sự chú ý từ các nhà đầu tư trong năm ngoái. Các nhà đầu tư "yêu tăng trưởng" nhận ra tiềm năng của ngành công nghiệp khu vực Đông Nam Á đã đổ xô mua cổ phiếu Sea với nhiều tin rằng Sea có thể trở thành một Alibaba hay Tencent của khu vực.
Giá cổ phiếu của Sea đã tăng khoảng 5 lần trong năm 2020. Ở thời điểm ngày 1/3, Sea có giá trị vốn hoá 126 tỷ USD.
Hôm 2/3, Sea cũng công bố sẽ thành lập một bộ phận đầu tư dưới tên gọi Sea Capital và ban đầu sẽ rót 1 tỷ USD để tập đoàn thực hiện các khoản đầu tư mới trong một vài năm tới, Nikkei cho hay.
"Sea Capital sẽ tập trung vào xác định, thiết lập đối tác và đồng tư và các công ty công nghệ có chung tầm nhìn với chúng tôi về việc mang đến cuộc sống tốt hơn cho người dùng và các doanh nghiệp nhỏ nhờ công nghệ", ông Li chia sẻ.
Cùng lúc, một trong những mục tiêu lớn nhất của Sea trong năm 2021 là tìm đường có lợi nhuận. Kể từ khi niêm yết vào năm 2017, Sea chưa từng ghi nhận lợi nhuận dương.
Theo đó, Sea đang "mở đường" để bắt đầu có thể kiếm tiền từ các mảng kinh doanh thua lỗ. Theo một báo cáo của DBS Group Holdings hồi tháng 1, Sea đã tăng phí hoa hồng thu từ các nhà bán hàng trên sàn TMĐT của nó ở một số thị trường.
Động thái này là để "tăng khả năng sinh lời", ông Sachin Mittal, nhà phân tích của DBS nhận định đồng thời chia sẻ rằng phí hoa hồng chiếm phần lớn trong doanh thu của Shopee. Ở Việt Nam, Shopee đang tăng tỷ lệ hoa hồng lên mức 3% - 5% từ mức 1% - 2% trước đó.
Ở mảng tài chính, năm ngoái, Sea nhận giấy phép ngân hàng số ở Singapore. Sea cũng thâu tóm một nhà băng nhỏ ở Indonesia có tên Bank Kesejahteraan Ekonomi để có thêm doanh thu.
Dù vậy, việc có lợi nhuận ở một khu vực cạnh tranh mạnh như Đông Nam Á chưa bao giờ là điều dễ dàng. Nhà phân tích của JPMorgan mới đây nhận định cạnh trạnh thị phần có thể khiến kế hoạch lợi nhuận và tăng trưởng của Shopee lung lay.
"Khi Shopee bắt đầu kiếm tiền từ các nền tảng của mình và thu hẹp quy mô trợ giá giao hàng, chúng tôi kỳ vọng tốc độ đốt tiền của Sea sẽ giảm xuống. Thế nhưng, cạnh tranh trở lại có thể khiến kỳ vọng không thể xảy ra", báo cáo của JPMorgan nói.
Trong một bài phỏng vấn với Nikkei Asia hồi năm ngoái, ông Li không quá bận tâm đến những lo ngại trên và nói rằng công ty "không muốn đánh đổi tiềm năng tăng trưởng của mình" và Sea có thể "lãi bất kỳ lúc nào" bằng cách giảm chi phí marketing.