Shark Phú: Nếu không tăng được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì mọi chuyện vô nghĩa
Đại dịch COVID-19 rõ ràng đã và đang gây ra những thiệt hại với các doanh nghiệp trong nước. Thậm chí, không ít doanh nghiệp vì không thể trụ vững trong mùa dịch mà đã phải rời cuộc chơi. Trước bối cảnh đó, việc tìm ra các biện pháp tài chính để đẩy nhanh quá trình phục hồi ngay cả trong và sau đại dịch COVID-19 là điều rất quan trọng.
Vừa qua, tại Diễn đàn kinh tế thường xuyên hai lần một năm do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ông Nguyễn Xuân Phú (Shark Phú) đã có những chia sẻ về quá trình phục hồi của doanh nghiệp ông - Tập đoàn Sunhouse.
Doanh nghiệp 'đóng băng' hoạt động nếu chỉ có một thị trường
Khi nhận được câu hỏi về thách thức mà những doanh nghiệp tư nhân đang và sẽ gặp phải trong quá trình phục hồi, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse khẳng định: "Trong đợt dịch vừa qua, các doanh nghiệp gặp rất nhiều tình huống bất ngờ. Nếu chúng ta không có sự chuẩn bị tốt, chắc chắn chúng ta sẽ đối mặt với khó khăn".
Theo Shark Phú, trong vòng ba tháng đóng cửa vì đại dịch COVID-19, đầu ra của các doanh nghiệp mất khoảng 50 %– 70%. Nếu doanh nghiệp không có những khoản dự phòng, dự trữ tốt thì có thể rời vào trạng thái kiệt quệ tài chính.
"Trước đây chúng ta có suy nghĩ hơi lạ đó là chúng ta vẫn cho thông thương sản xuất. Tuy nhiên, khi đóng đầu ra thì việc thông thương sản xuất không có ý nghĩa vì không bán được hàng thì đâu cần sản xuất.
Do đó, nguyên tắc là phải sản xuất đồng bộ, tức có cả đầu ra và đầu vào thì mọi thứ mới vận hành được", Shark Phú nói về tình trạng chung của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chủ yếu kinh doanh tại thị trường nội địa.
Vì vậy, doanh nghiệp đa số đều mất nguồn thu trong thời gian đóng cửa, dẫn đến tình trạng khó khăn về mặt tài chính. Shark Phú đưa ra ý tưởng đề xuất giãn, hoãn hoặc cấp tiếp tín dụng cho nhóm doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính.
Những trở ngại khi mở rộng thị trường
Với nhóm doanh nghiệp may mắn hơn, bao gồm cả Sunhouse (nội địa 70%, xuất khẩu 30% nên trong thời gian đại dịch vẫn còn dòng tiền từ thị trường xuất khẩu), lại xuất hiện một vấn đề khác, đó là cách tiếp cận khách hàng quốc tế. Theo ông Phú, việc tiếp cận khách hàng quốc tế trong mùa dịch lúc thì chặt chẽ, lúc lại lỏng lẻo.
"Ví dụ, khách hàng nước ngoài trước khi mua hàng họ cần phải kiểm tra. Tuy nhiên, với chính sách phòng dịch như chúng ta hiện nay thì khách hàng không thể vào được, qua đó có thể đánh mất nhiều cơ hội.
Chúng ta nói nhiều về dịch chuyển chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng lại không phân tích, đi sâu để tạo lập cơ chế giúp doanh nghiệp Việt Nam đón nhận được làn sóng này. Chúng ta làm được việc này, nhưng mất việc kia, dẫn đến không đồng bộ", Shark Phú nhấn mạnh.
Những doanh nghiệp có đủ tiềm lực, có khả năng tiếp cận khách hàng quốc tế lại vướng rất nhiều cơ chế, ví dụ như tiếp cận người mua nước ngoài và tiếp cận mặt bằng. Vì vậy, Chủ tịch Sunhouse nhận định thể chế yếu tố quan trọng với nhóm doanh nghiệp này.
Tự tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp
Theo Chủ tịch Sunhouse, muốn thâm nhập thị trường toàn cầu, yêu cầu thiết yếu đó là làm sao để tăng năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng tìm được những chiến lược để làm điều này.
"Nếu không tăng được năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thì mọi chuyện vô nghĩa", Shark Phú nói, và khẳng định doanh nghiệp không thể phát triển lâu dài, dù là trong nước hay quốc tế, nếu không thể tăng năng lực cạnh tranh.
Shark Phú nhận định hiện tại là cơ hội "nghìn năm có một" cho doanh nghiệp Việt Nam bởi một loạt ông lớn như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Mexico,… đều áp từ 15% - 25% thuế lên Trung Quốc. "Cơ hội còn rất ngắn, đâu đó khoảng 1,2 năm nữa. Nếu các doanh nghiệp không khẩn trương, có thể chúng sẽ bỏ lỡ cơ hội vàng", Shark Phú dự đoán.
Đồng thời, ông cũng tiết lộ rằng Sunhouse đã và đang tận dụng cơ hội này bằng cách chuẩn bị sẵn mặt bằng để khi các đối tác nước ngoài đến, doanh nghiệp có thể sẵn sàng thiết lập các nhà máy trong vòng 3 – 6 tháng, tận dụng tối đa cơ hội.