|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Không còn tiền để trả lương hay thanh toán hoá đơn tiền điện, các đội bóng Trung Quốc lao đao vì bất động sản

15:31 | 24/12/2021
Chia sẻ
Việc các công ty bất động sản Trung Quốc lao dốc đã khiến nền bóng đá Trung Quốc biến động mạnh bởi phần lớn các CLB bóng đá nước này được hậu thuẫn bởi các tập đoàn bất động sản.

Tháng 4/2020, gã khổng lồ China Evergrande đã khởi công xây dựng một sân vận động bóng đá hiện đại, có sức chứa 100.000 chỗ ngồi, trị giá 1,8 tỷ USD ở Quảng Châu, Trung Quốc. 

Chủ tịch Hứa Gia Ấn nói với các phóng viên rằng Sân vận động bóng đá Evergrande sẽ trở thành một địa danh mới đẳng cấp thế giới sánh ngang với nhà hát Opera Sydney hay tòa tháp Dubai Burj Khalifa, và nó cũng là một biểu tượng quan trọng của bóng đá Trung Quốc trong quá trình vươn ra toàn cầu. Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, sân vận động vẫn chưa hoàn thành bất kỳ mục tiêu nào, theo Asia Nikkei.

Các công ty bất động sản lao dốc ảnh hưởng đến nền bóng đá Trung Quốc

Tháng trước, sân vận động này đã hoàn thiện một nửa, nhưng phần đất còn lại đã bị thu hồi và bán đấu giá. China Evergrande, chủ đầu tư dự án này là công ty bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới. 

Đáng chú ý, đây không phải là công ty bất động sản duy nhất của Trung Quốc gặp khó. Chính phủ nước này đã thắt chặt quy định với lĩnh vực bất động sản, nhất là khi Chủ tịch Tập Cận Bình từng phát biểu "nhà là nơi để ở chứ không phải để đầu cơ" vào năm 2017.

Bóng đá Trung Quốc lao đao vì bất động sản - Ảnh 1.

Bản vẽ mô tả sân vận động mới mà tập đoàn China Evergrande muốn xây. (Ảnh: AFP).

Tuy nhiên, những gì xảy ra với thị trường bất động sản lại có ảnh hưởng trực tiếp tới bóng đá Trung Quốc và giải Chinese Super League (CSL), giải đấu cấp độ CLB cao nhất thị trường tỷ dân. Ivanhoe Li, người sáng lập Fangze Sports một công ty tiếp thị thể thao ở Bắc Kinh cho biết: "11 trong số 16 đội CSL được hỗ trợ bởi các công ty bất động sản đang gặp vấn đề khi chính phủ ngày càng thắt chặt quy định".

Giống Evergrande, có thông tin cho rằng China Fortune Land Development đang tìm cách tái cơ cấu các khoản nợ có giá trị khoảng 42 tỷ USD. Hebei FC, CLB mà tập đoàn sở hữu, đã không thanh toán hóa đơn tiền điện tại khu liên hợp đào tạo của mình. Các đội trẻ được nghỉ phép dài hạn và tương lai CLB vẫn đang khá mù mịt. Theo một báo cáo, tất cả 11 đội bóng được hậu thuẫn bởi các tập đoàn bất động sản đều chậm thanh toán các khoản chi phí.

Không chỉ bất động sản, sự lao dốc còn lan sang cả những lĩnh vực khác. Tháng 2, gã khổng lồ bán lẻ Suning cho biết CLB Jiangsu FC sẽ ngừng hoạt động, chỉ ba tháng sau khi họ trở thành nhà vô địch CSL. 

Theo tuyên bố của CLB, "sự chồng chéo của các yếu tố khác nhau không thể kiểm soát được khiến Jiangsu FC phải ngừng hoạt động". Tháng 3, chính quyền địa phương đã phải vào cuộc để giải cứu những Tianjin Tigers sau khi tập đoàn TEDA rút tiền tài trợ.

Mua sắm cầu thủ quá tay gây hại cho các tập đoàn

Mọi chuyện lẽ ra không có gì để nói nếu như vào năm 2011, Chủ tịch Tập Cận Bình khi đó đã vạch ra "giấc mơ" với người hâm mộ bóng đá: Trung Quốc sẽ giành quyền tham dự World Cup, tổ chức giải đấu và lên ngôi vô địch. Giấc mơ tưởng chừng như "viển vông" này đã lắng dịu một phần khi Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc (CFA) đưa ra kế hoạch chi tiết vào năm 2016 nhằm đưa quốc gia này trở thành một trong những đội hàng đầu châu Á vào năm 2030 cũng như trở thành "siêu cường hạng nhất" vào năm 2050.

Những doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty bất động sản, nhờ đó đã lên ngôi. Evergrande sở hữu CLB Guangzhou Evergrande, China Fortune Land có Hebei FC và Sinobo mua Beijing Guoan.

Bóng đá Trung Quốc lao đao vì bất động sản - Ảnh 2.

Chủ tịch Tập Cận Bình muốn Trung Quốc tham dự World Cup và vô địch. (Ảnh: Reuters).

Đối với Simon Chadwick, giáo sư toàn cầu về ngành thể thao tại Trường Kinh doanh Emlyon, vòng quay này có thể được giải thích như một hành động thể hiện tính chính trị và xây dựng "guanxi", thuật ngữ được sử dụng ở Trung Quốc để nói về việc xây dựng lòng tin cá nhân và các mối quan hệ.

"Hỗ trợ sự phát triển của bóng đá Trung Quốc sẽ giúp các công ty bất động sản dễ dàng hơn trong việc xin phép tham gia vào các dự án bất động sản. Đó là một cách thể hiện sự ủng hộ đối với chính phủ và các chính sách của chính phủ. Đổi lại, họ có thể thu được những lợi ích khác để có thể tiến hành các hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình, và xây dựng cũng như củng cố các mối quan hệ", ông Chadwick cho biết.

Sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn đã tác động nhanh chóng đến lĩnh vực bóng đá. Với tiền của Evergrande, Guangzhou được thăng hạng lên CSL vào năm 2010, ký hợp đồng với các ngôi sao nước ngoài và giành được 8 danh hiệu CSL trong thập kỷ tiếp theo. Năm 2013, họ trở thành đội đầu tiên của Trung Quốc giành chức vô địch Champions League châu Á.

Các đội bóng khác của Trung Quốc đã cố gắng bắt kịp và ký hợp đồng với nhiều cầu thủ nổi tiếng. Shanghai SIPG đã chi 100 triệu USD vào tháng 12/2016 để chiêu mộ tiền vệ người Brazil, Oscar. Trong kỳ chuyển nhượng mùa đông 2016/17, các đội bóng tại CSL đã chi tổng cộng 443 triệu USD cho việc mua sắm cầu thủ, cao nhất so với bất kỳ giải đấu nào trên thế giới. Số lượng khán giả tới theo dõi các trận đấu cũng tăng lên trung bình hơn 24.000 người mỗi trận, cao nhất tại châu Á. Dù vậy, vẫn còn một vấn đề tồn đọng là liệu các CLB có nhận về giá trị từ các đồng tiền mà họ bỏ ra.

"Đó là kết quả của việc các CLB Trung Quốc không thực sự hiểu hết những gì họ đã dấn thân vào. Bóng đá là một môn thể thao vô cùng tàn nhẫn và đáng sợ, các người đại diện và cầu thủ của họ đã lợi dụng những CLB bóng đá ở Trung Quốc. Những doanh nhân này đang chơi một trò chơi mà họ không hiểu về nó", ông Chadwick nhấn mạnh.

Theo ông Ivanhoe Li, số tiền được các ông chủ những CLB bóng đá Trung Quốc chi trả đợt đỉnh điểm vẫn chưa được cảm nhận rõ ràng. "Khi họ tham gia cuộc chơi, mức giá đã cao một cách bất hợp lý. Để điều hành Guangzhou FC, Evergrande đã tiêu tốn khoảng 150 - 300 triệu USD trong thập kỷ qua", ông cho biết.

Các ông chủ bóng đá Trung Quốc cũng đặt câu hỏi về giá trị của tất cả các khoản chi vì Trung Quốc vẫn chưa thể tham gia một kỳ World Cup nào kể từ năm 2002. Chủ tịch CFA Chen Xuyuan cho biết: "Mức chi tiêu cho các câu lạc bộ ở CSL của cao hơn K-League của Hàn Quốc khoảng 10 lần và gấp ba lần so với J-League của Nhật Bản. Dù vậy, đội tuyển quốc gia của chúng tôi đang bị tụt lại rất xa so với họ".

Có nguồn tin cho biết các nhà chức trách Bắc Kinh cũng lo ngại về số tiền mà các doanh nhân chi trả cho những siêu sao bóng đá nước ngoài cùng người đại diện của họ. CFA đã hành động để buộc các câu lạc bộ cắt giảm chi tiêu. Năm 2018, một loại "thuế chuyển nhượng" đã được đưa ra với quy định rằng mỗi CLB ký hợp đồng với cầu thủ nước ngoài sẽ phải trả một khoản tiền tương đương với phí chuyển nhượng cho một quỹ phát triển. Năm 2020, CFA đã công bố mức lương tối đa mới khoảng 3,35 triệu USD/năm cho các cầu thủ nước ngoài, còn các cầu thủ trong nước là 760.000 USD/năm.

Giải pháp khắc phục tình trạng lao dốc của nền bóng đá Trung Quốc

Sau đó, đại dịch COVID-19 bùng phát. Kể từ khi kết thúc mùa giải 2019/20, số lượng trận đấu đã sụt giảm, doanh thu bán vé ít hơn và các hợp đồng tài trợ - phát sóng giảm. CSL đã bị hoãn từ giữa tháng 8 đến tháng 12 năm nay, một động thái nhằm tạo cơ hội tốt hơn cho đội tuyển quốc gia để vượt qua vòng loại World Cup 2022. Kể từ đó, sự quan tâm tới CSL cũng giảm dần.

Sự tham gia của chính quyền địa phương có thể cung cấp một bản thiết kế mới về quyền sở hữu các CLB bóng đá Trung Quốc. Bi Yuan, một nhà tư vấn trong lĩnh vực bóng đá cho biết: "Các nhà chức trách bóng đá Trung Quốc đang theo đuổi một mô hình sở hữu khác, với các câu lạc bộ thuộc sở hữu của nhiều cổ đông, nhưng vấn đề là không ai sẵn sàng cấp vốn cho các câu lạc bộ nữa. Kịch bản tốt nhất là những CLB bóng đá gặp khó khăn về tài chính sẽ được các đại gia nước ngoài thâu tóm".

Shandong Taishan có thể là một ví dụ tiêu biểu. Có trụ sở tại thành phố phía đông Tế Nam, CLB này thuộc sở hữu của ba công ty liên kết với nhà nước và địa phương, và đã hoạt động tương đối ổn định. Tuy nhiên, rất khó để tìm thấy những chủ sở hữu như vậy. "Chính quyền địa phương sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với tương lai của các CLB đó, nhưng nếu họ không quan tâm thì các CLB sẽ phải ngừng hoạt động", ông Bi nói.

Mô hình "50+1" của bóng đá Đức đã được đề xuất. Các câu lạc bộ tại Bundesliga (giải đấu cấp CLB cao nhất nước Đức) và hiệp hội cổ động viên của họ phải nắm giữ ít nhất 51% quyền biểu quyết trong một hoạt động kinh doanh bóng đá có lợi nhuận. Đây được coi như một mô hình bảo vệ quyền lợi của người hâm mộ.

Ông Chadwick cho biết một điều gì đó tương tự có thể xảy ra ở Trung Quốc. "Với bản của nền kinh tế Trung Quốc cũng như sự không chắc chắn trong việc can thiệp của chinh phủ, chúng ta có thể thấy các mô hình của Trung Quốc tương tự như tại Đức".

Quốc Anh