TS Nguyễn Đình Cung: 'Cơ hội từ các FTA không mở ra cho tất cả mọi người'
|
Đây là nhận định của Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung tại hội thảo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Ngụ ý chính sách và đổi mới thể chế diễn ra mới đây.
Theo báo cáo của CIEM do ông Trần Toàn Thắng, Phó Trưởng ban, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh trình bày, 82% doanh nghiệp biết đến sự tồn tại của hiệp định EVFTA. Tuy nhiên, hầu hết trong số đó không có sự hiểu biết sâu sắc về hiệp định. Cụ thể, có tới 69% nói rằng họ chỉ "có nghe nói nhưng không biết gì hơn" về EVFTA, tỷ lệ cho rằng "có kiến thức sơ đẳng" là 26%, trong khi đó tỷ lệ cho rằng "có kiến thức chuyên sâu" chỉ là 5%.
Khảo sát của CIEM cũng cho thấy, 63% doanh nghiệp không có bất kì hành động nào, dù nhỏ, để sẵn sàng cho EVFTA nói riêng và trong các FTA tương lai nói chung. Đây là một thực tế không gây ngạc nhiên nhưng thật sự đáng lo ngại.
Mặc dù có gần 40% doanh nghiệp đã có các giao dịch với EU nhưng phần lớn trong số đó là doanh nghiệp nhà nước. Con số đối với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân chỉ chiếm khoảng 11 - 12%.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp khó khăn khi giao dịch với EU là chất lượng hàng hóa, thiết kế và đóng gói, cũng như thiếu thông tin về thị trường.
TS Thắng cũng chia sẻ về những tác động trực tiếp của hiệp định còn gây khó khăn cho Việt Nam từ chính các quy tắc đã được kí kết và tác động gián tiếp từ những hoạt động cạnh tranh, thị trường đối với doanh nghiệp.
Theo khảo sát, 78% doanh nghiệp cho rằng họ cần các biện pháp hỗ trợ cụ thể từ nhà nước để tận dụng tốt nhất cơ hội và vượt qua thách thức từ EVFTA. 72% cho rằng nhà nước cần có một cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, giải thích, tư vấn cho doanh nghiệp về EVFTA. 63% doanh nghiệp nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cơ quan cung cấp tất cả các thông tin về EVFTA mà doanh nghiệp cần.
Chỉ có 5% doanh nghiệp tuyên bố rằng họ sẽ tự chuẩn bị và không mong đợi hỗ trợ từ nhà nước là rất nhỏ. Tỷ lệ doanh nghiệp không cần chuẩn bị và cũng không cần nhà nước hỗ trợ ít hơn 1%.
Trong bối cảnh EVFTA đang được xúc tiến để đưa vào thực hiện năm 2018, trong khi tình hình thế giới có nhiều phức tạp so với thời điểm ký kết năm 2015, đại diện CIEM đưa ra khuyến nghị chính sách, để thực hiện EVFTA, tương lai cần ra soát lại luật pháp chặt chẽ. Tuy nhiên, CIEM cũng cho rằng có một số điểm không cần thiết phải sửa đổi các quy định pháp lý gần đây như cam kết về tiếp cận thị trường, đối xử quốc gia...
Việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và cải cách doanh nghiệp Nhà nước cũng là nhiệm vụ "sát sườn" đối với Việt Nam.
Theo đó, TS Nguyễn Đình Cung luôn cho rằng EVFTA là một cơ hội tốt cho Việt Nam cải cách và phát triển.
Ông cho rằng cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh trong nước là một trong những yếu tố quyết định để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng những cơ hội mà các FTA mang lại. Ngược lại, việc chú trọng thực thi các hiệp định này cũng là cách để thúc đẩy động lực cải cách trong nước.
"Tuy nhiên, những cơ hội hay yêu cầu đó không tự thân mà đòi hỏi nỗ lực của nhiều bên tạo nên không chỉ áp lực mà phải chứng minh đó là nhu cầu nội sinh của nền kinh tế để thúc đẩy phát triển", TS Nguyễn Đình Cung nhìn nhận.
TS Cấn Văn Lực: EVFTA có thể đóng vai trò thúc đẩy cải cách tương tự TPP |