SGI Capital: Thanh khoản quý IV không dư thừa, nhiều cổ phiếu có thể tạo đáy mới năm 2024
Diễn biến trên thị trường tiền tệ làm giảm sự hưng phấn của dòng tiền vào chứng khoán
Báo cáo mới đây của The Ballad Fund thuộc SGI Capital, thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 9 có sự đồng pha với S&P 500 của Mỹ giảm 4,87%, Châu Âu Stoxx 50 giảm 2,85%, Kospi (Hàn Quốc) giảm 3,57%, Shanghai Composite của Trung Quốc giảm 0,3% trong khi VN-Index giảm mạnh nhất với mức -5,71%.
Thị trường tài chính thế giới bắt đầu chuyển tâm điểm trong tháng vừa qua vào USD Index và lợi tức trái phiếu của các quốc gia phát triển. Cả hai đều đã tăng mạnh trong bối cảnh Fed và ECB vẫn đang hút tiền về ở tốc độ cao nhất. Hệ quả điều kiện tài chính trở nên khó khăn, tác động trước hết vào các nhóm doanh nghiệp nhỏ và những cá nhân không cố định được khoản vay lãi suất thấp trong giai đoạn COVID-19.
Những vết rạn nứt đang dần xuất hiện trong thị trường lao động Mỹ, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới tiêu dùng và thị trường nhà đất. Kịch bản “hạ cánh mềm” đang được phần lớn các bên dự báo sẽ xảy ra khi lạm phát hạ xuống đủ nhanh để lãi suất kịp giảm trước khi có tác động tiêu cực đáng kể lên nền kinh tế.
Tuy vậy, các động cơ của tăng trưởng đều đang suy giảm. Phần đông người dân không còn nhiều tích lũy, doanh nghiệp e ngại mở rộng đầu tư, tín dụng ách tắc do lãi suất cao và ngân hàng nâng tiêu chuẩn cho vay, trong khi ngân sách chính phủ Mỹ đã thâm hụt quá mức. Thất nghiệp và số doanh nghiệp phá sản trong những tháng tới sẽ quyết định kinh tế Mỹ hạ cánh mềm hay đi vào suy thoái trong năm 2024.
Trong ngắn hạn, diễn biến giá dầu tăng mạnh gần đây đang tạo sức ép lạm phát cho nhiều quốc gia, hạn chế đáng kể khả năng giảm lãi suất để kích cầu của các Ngân hàng Trung ương.
SGI Capital duy trì quan điểm với kịch bản Fed sẽ không tiếp tục nâng lãi suất. Tuy nhiên, lợi tức trái phiếu Mỹ vẫn chịu sức ép tăng và neo cao do lượng phát hành rất lớn của Chính phủ. Mỹ bù đắp cho thâm hụt ngân sách kỷ lục. Cả USD Index và lợi tức trái phiếu cùng tăng đang hút dòng vốn toàn cầu về Mỹ, gây sức ép lên dòng vốn FDI tại các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam.
Đối với Việt Nam, trong khi một số chỉ tiêu vĩ mô bắt đầu có cải thiện như cán cân xuất nhập khẩu, FDI, doanh số bán lẻ, lạm phát 3 tháng qua đã tăng mạnh trở lại cùng với lạm phát lõi neo cao đang thu hẹp dư địa hỗ trợ kinh tế qua chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Thâm hụt ngân sách tăng về cuối năm theo đà giải ngân đầu tư công cũng sẽ khiến nhu cầu phát hành trái phiếu dự kiến tăng 10% trong 2024 và lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng lên trong những tháng tới.
Lãi suất ngắn và dài hạn hạ nhanh đã tạo chênh lệch âm lớn giữa lãi suất VND với lãi suất các đồng tiền mạnh như USD, Euro và cả các đồng tiền trong khu vực. Điều này góp phần, cùng với đà tăng của USD Index, tạo áp lực lên tỷ giá trong suốt 2 tháng qua. Để giảm bớt áp lực này, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động sử dụng công cụ phát hành tín phiếu và đẩy tăng lãi suất ngắn hạn từ tuần cuối tháng 9 để hạn chế các hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ) tỷ giá.
Trên thị trường trái phiếu, các lãi suất trái phiếu dài hạn cũng tạo đáy và nhích lên. Điều kiện tài chính trong quý IV sẽ không còn ở trạng thái dư thừa và nới lỏng như quý III.
Các diễn biến mới trên thị trường tiền tệ đã làm giảm sự hưng phấn của dòng tiền vào thị trường chứng khoán, khiến lực mua thận trọng và thanh khoản thị trường giảm dần từ cuối tháng 9.
Nhiều cổ phiếu sẽ có đáy mới trong 2024
Trên một nền tảng không còn thuận lợi, những cổ phiếu hút mạnh dòng tiền đầu cơ vào đẩy giá lên cao như bất động sản, chứng khoán đã giảm mạnh. Áp lực bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài đồng thời gây sức ép lên nhóm cổ phiếu lớn khiến VN-Index giảm mạnh trong tháng qua.
Sau pha điều chỉnh của VN-Index về sát 1.100 điểm, SGI Capital cho rằng thị trường sẽ bước vào giai đoạn phân hoá bởi 3 lý do chính. Thứ nhất, định giá thị trường đã về vùng hợp lý khi P/B ở mức 1,6x và P/E giảm về 13 lần. Thứ hai, lãi suất vẫn còn ở vùng thấp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi. Thứ ba, một số doanh nghiệp đã liên tục cải thiện những yếu tố cơ bản, đi qua đáy khó khăn, và tiếp tục duy trì tăng trưởng trong 2024.
Trong vài tuần tới, thị trường vẫn sẽ thận trọng khi chưa đánh giá được việc hút thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước sẽ làm tăng các lãi suất ngắn hạn lên bao nhiêu, kéo dài trong bao lâu, tác động như thế nào tới lãi suất trái phiếu dài hạn và cả lãi suất huy động (có mối quan hệ chặt chẽ với dòng tiền và định giá thị trường).
Kịch bản khó khăn nhất sẽ là Ngân hàng Nhà nước hút về lượng dư thừa thanh khoản nhưng tỷ giá vẫn chịu áp lực tăng. Khi đó việc bán can thiệp tự dự trữ ngoại hối có thể được thực hiện và gián tiếp tạo thêm sức ép thanh khoản lên VND, tương tự diễn biến quý III/2022.
Tuy vậy, đơn vị quản lý quỹ không coi đây là kịch bản cơ sở. Lý do là cán cân thanh toán của Việt Nam năm nay tích cực hơn nhiều so với 2022, Ngân hàng Nhà nước kiểm soát thị trường tự do và dòng vốn ra ngoại tệ chặt chẽ hơn, và lãi suất điều hành của Fed cũng đã ổn định ở vùng đỉnh.
Dù kịch bản nào xảy ra, nhiều khả năng mặt bằng lãi suất nếu điều chỉnh vẫn sẽ giữ ở mức thấp và các căng thẳng về thanh khoản sẽ không kéo dài hay khốc liệt như 2022. Quý IV sẽ là một môi trường không quá dư thừa thanh khoản, cũng không quá tích cực về tăng trưởng, nhưng phù hợp cho sự phân hóa trong cả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như diễn biến giá cổ phiếu.
Nhiều cổ phiếu sẽ có đáy mới trong 2024, nhưng cũng không ít cổ phiếu có lợi nhuận và giá vượt đỉnh lịch sử. Nhịp điều chỉnh này của VN-Index sẽ mở ra cơ hội mới để lựa chọn và tích lũy cổ phiếu tốt ở định giá rẻ cho năm đầu tư mới 2024.
Về phần The Ballad Fund ghi nhận giá trị tài sản ròng trên mỗi chứng chỉ quỹ (NAV/ccq) giảm 1,5% tại tháng 9, trong khi VN-Index giảm 5,7%. Hiệu quả đầu tư lũy kế 9 tháng thu hẹp còn 8,4% (VN-Index tăng 14,6%). Tại cuối tháng 9, quỹ thành viên SGI Capital nắm giữ lượng tiền mặt chiếm 43,8% danh mục. Ba ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất gồm ngân hàng 15%, hàng tiêu dùng 13% và bán lẻ 9,4%.