Một động thái từ các CTCK làm dịu bớt lo ngại ảnh hưởng của Thông tư 06 tới dòng vốn chứng khoán
Trong khoản 7, điều 8 của Thông tư 06 được Ngân hàng Nhà nước phát hành liên quan đến việc cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có quy định các tổ chức tín dụng không được cho vay "để gửi tiền”. Cách hiểu của nhiều nhà phân tích "để gửi tiền" bao gồm cả việc mua chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng phát hành khiến giới đầu tư lo ngại đến hoạt động của công ty chứng khoán.
Trong trên thực tế, nhiều công ty chứng khoán vẫn tối ưu nguồn vốn bằng các nghiệp vụ như gửi tiết kiệm, mua chứng chỉ tiền gửi. Theo dõi danh mục đầu tư các công ty chứng khoán lớn trên thị trường, chứng chỉ tiền gửi chiếm tỷ trọng lớn. Đây còn gọi là hoạt động kinh doanh nguồn khi công ty chứng khoán thu được lợi nhuận từ chênh lệch lãi suất từ vay ngắn hạn và lãi suất từ chứng chỉ tiền gửi với kỳ hạn dài hơn.
Nhiều công ty chứng khoán sử dụng chứng chỉ tiền gửi tiếp tục được sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tạo nguồn cho hoạt động cho vay margin. Với quy mô lớn có thể lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng, nghiệp vụ kinh doanh nguồn đóng góp lớn vào lợi nhuận của các công ty, lãi từ mảng này có thể tương đương nghiệp vụ cho vay - môi giới.
Do đó, theo một nhà phân tích, trường hợp nếu bị hạn chế tiếp cận vốn sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của CTCK. Bên cạnh đó, quy định không dùng vốn vay đầu tư vào sản phẩm tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi sẽ phần nào giảm khả năng tối ưu hóa nguồn vốn.
Vị chuyên gia này chỉ ra vấn đề là do chưa có hướng dẫn, giải thích rõ hơn từ cơ quan quản lý, đồng thời, không thể phân biệt được đâu là tiền CTCK vay, tiền tự có mua chứng chỉ tiền gửi nên xuất hiện cách hiểu như trên.
Trong bối cảnh giới đầu tư đang lo ngại tác động của quy định đến hoạt động kinh doanh nguồn và dòng tiền trên thị trường, nhiều công ty chứng khoán công bố gia hạn và ký mới hạn mức tín dụng tại các ngân hàng với quy mô hàng nghìn tỷ đồng.
Mới nhất, ngày 6/10, Chứng khoán ACB (ABCS) thông qua khoản vay 1.500 tỷ đồng tại BIDV - Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Mục đích vay là tài trợ hoạt động đầu tư, kinh doanh trái phiếu Chính phủ và chứng chỉ tiền gửi.
Ngày 5/10, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Chứng khoán VPS thông qua việc nhận cấp tín dụng tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với hạn mức vay vốn tối đa 7.000 tỷ đồng. Mục đích vay để đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi.
Ngày 2/10, chứng khoán PineTree công bố việc ký kết hợp đồng vay hạn mức 400 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB). Mục đích cấp tín dụng là đầu tư, kinh doanh giấy tờ có giá; đầu tư kinh doanh cổ phiếu và/hoặc cho vay giao dịch ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán, phù hợp với quy định. Thời hạn cấp tín dụng là 12 tháng.
Trước đó, PineTree cũng đã ký kết hợp đồng vay hạn mức 300 tỷ đồng bổ sung vốn lưu đồng với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vào 30/8. Tổng cộng hai đợt, CTCK bổ sung hạn mức tín dụng của mình thêm 700 tỷ đồng.
Cùng ngày 30/8, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) công bố việc gia hạn hạn mức tín dụng với loạt ngân hàng, với thời hạn trong vòng tối đa 1 năm, trong đó lớn nhất là Vietcombank (500 tỷ đồng), VPBank (200 tỷ đồng), CTBC (10 triệu USD). Tổng hạn mức tín dụng đạt xấp xỉ 1.800 tỷ đồng.
Trong quý III vừa qua, thị trường cũng còn ghi nhận nhiều trường hợp tương tự khi CTCK công bố việc HĐQT chấp thuận hoặc đã ký hợp đồng vay hạn mức tín dụng với ngân hàng, gồm: Chứng khoán Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Mã: CTS) (250 tỷ đồng), Chứng khoán DSC (900 tỷ đồng), Chứng khoán Tiên Phong (TPS, mã: ORS) (900 tỷ đồng), Chứng khoán MartInvest (250 tỷ đồng), Chứng khoán MB (Mã: MBS) (1.500 tỷ đồng).