|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán đối mặt nhiều tác nhân gây lo ngại, NĐT cần ‘đãi cát tìm vàng’ trong quý IV

06:30 | 06/10/2023
Chia sẻ
Một số chuyên gia chứng khoán đánh giá nhà đầu tư đang thận trọng hơn trước khi đối mặt với nhiều tác nhân ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán theo chiều hướng tiêu cực. Sang tới quý IV, nhà đầu tư có thể phải “đãi cát tìm vàng” trong thời gian tới, khi dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý III của doanh nghiệp sẽ phân hóa.

Thị trường trong nhịp điều chỉnh khi nhiều tác nhân gây lo ngại

Thị trường chứng khoán (TTCK) trải qua quý III đầy biến động. VN-Index từ vùng đỉnh 1.245 điểm vào đầu tháng 9 liên tục giảm sâu, kéo dài qua đầu tháng 10. Chỉ số đại diện thị trường kết phiên 5/10 tại 1.114 điểm, mất 131 điểm trong chưa đầy 1 tháng, tương ứng tỷ lệ 10,5%

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank, chỉ ra giai đoạn trước đó thị trường ghi nhận hàng loạt thông tin tốt, nhất là việc hạ lãi suất. Tuy nhiên trong thời gian gần đây Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phát đi tín hiệu mới về mặt bằng lãi suất cao hơn trong năm 2024. Song song với đó, chỉ số DXY (Dollar Index) đã liên tục tăng lên mức cao. Trong khi một số chỉ báo kinh tế vừa công bố không được tốt như dự kiến. Đó là những yếu tố chính gây rung lắc thị trường thời gian qua. Không chỉ Việt Nam, các TTCK khác trên thế giới cũng đồng pha đi xuống trong ngắn hạn.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Phương Lam, Giám đốc khối Phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định việc Fed duy trì mặt bằng lãi suất cao trong hai năm tới là một thông tin bất lợi đối với việc điều hành tỷ giá, nhất là khi giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Fed đang có sự ngược pha trong chính sách tiền tệ.

NHNN phát hành tín phiếu, cùng với kỳ vọng tăng trưởng tín dụng tăng tốc cuối năm có thể sẽ giúp cho chênh lệch lãi suất VNĐ và USD thu hẹp hơn. Tỷ giá đã tăng 3,5% kể từ đầu năm, nhà phân tích của VDSC không kỳ vọng các hoạt động carry trade (giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ) tạo thêm áp lực lên tỷ giá.

Nhưng trong kịch bản tiêu cực nhất, DXY tăng vượt 110, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải can thiệp bằng bán ngoại hối kết hợp hút ròng trên kênh tín phiếu, điều này có thể làm trầm trọng thêm tâm lý đầu tư do lo ngại về sự thay đổi sâu sắc hơn trong điều hành chính sách tiền tệ.

Bà Lam không cho rằng đây là một tín hiệu đảo chiều chính sách khi tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp (tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm ở mức 4,24%) và lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, không gian để nới lỏng thêm chính sách tiền tệ tương đối hạn chế, và điều này không phải là thông tin tích cực đối với TTCK trong giai đoạn cuối năm.

Trên thực tế, tâm lý thị trường đã nhanh chóng thay đổi thể hiện qua sụt giảm mạnh của thanh khoản toàn thị trường. Đặc biệt dòng tiền tại các nhóm ngành dẫn dắt tâm lý đợt vừa qua, như chứng khoán, bất động sản, xây dựng (đầu tư công) dấu hiệu suy yếu rõ rệt. Điều này củng cố thêm quan điểm rằng xu hướng tăng điểm diện rộng của thị trường trên hiệu ứng chính sách từ tháng 5 sẽ dần nhường chỗ cho trạng thái lình xình.

 Diễn biến của VN-Index kể từ đầu tháng 3 khi thị trường bắt đầu nhịp tăng điểm. Nguồn: TradingView.

Việc lựa chọn cổ phiếu sẽ cần chắt lọc hơn trước

Về định giá thị trường, các chuyên gia có nhiều ý kiến trái chiều về câu chuyện đắt hay rẻ. Theo ông Phan Dũng Khánh, chính sách điều hành, xu hướng lãi suất, kết quả kinh doanh... là các yếu tố có thể tác động đáng kể đến TTCK mà nhà đầu tư nên chú trọng. Mặt khác, việc vận hành KRX (dự kiến vào cuối năm 2023) được đánh giá mang yếu tố kỹ thuật hệ thống là chính.

Dù đã điều chỉnh, thị trường vẫn được đánh giá là tăng nhanh so với bối cảnh vĩ mô, lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết chưa cải thiện rõ ràng. Ông Khánh cho rằng định giá thị trường đang có phần đắt trong ngắn hạn.

Chia sẻ trong buổi toạ đàm ngày 4/10, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu của Chứng khoán MB (MBS) đánh giá đợt điều chỉnh vừa qua đã đưa định giá P/E thị trường xuống xấp xỉ 13,5 lần, thấp hơn 10% so với P/E trung bình ba năm.

Trong tương quan giữa lãi suất huy động và định giá thị trường, lãi suất huy động 12 tháng của các ngân hàng thương mại lớn đã trở về mức tương đương giai đoạn 2021 - 2022, trong khi định giá thị trường hiện nay vẫn thấp hơn so với giai đoạn 2021 - 2022 khoảng 16,7%. Điều này có thể cho thấy định giá thị trường hiện tại đã trở nên hấp dẫn hơn, người đứng đầu khối phân tích của MBS nêu quan điểm.

Một góc nhìn khác, ông Đỗ Hiệp Hòa, Giám đốc Đầu tư MB Capital đánh giá thị trường chung hiện đang ở trạng thái “lưng chừng”, không đắt cũng không rẻ. Thời điểm thị trường rẻ nhất là đáy COVID-19 có P/E khoảng 10,4 lần, với đáy tháng 11/2022 với P/E khoảng 9,2 lần khi VN-Index quanh 870 điểm. Đỉnh gần nhất trong 5 năm gần đây P/E đạt khoảng 20,8 - 21 lần.

(Nguồn: MBS).

Về ý tưởng đầu tư, ông Phan Dũng Khánh hướng sự quan tâm của mình đến các ngành có câu chuyện phục hồi (qua đáy) kết quả kinh doanh như bán lẻ, chứng khoán, sản xuất. Còn theo khối phân tích của VDSC, thị trường khó có thể sẽ có mùa công bố kết quả kinh doanh lạc quan trên diện rộng. Thay vào đó, mức độ phục hồi sẽ phụ thuộc từng ngành nghề và chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp.

Do vậy, VDSC cho rằng nhà đầu tư đón sóng kết quả kinh doanh quý III sẽ cần có sự chọn lọc từng cổ phiếu riêng lẻ, thay vì kỳ vọng vào sự phục hồi chung của toàn ngành. Xét về tăng trưởng so với cùng kỳ, các nhóm ngành dầu khí, dược phẩm, công nghệ được dự báo sẽ ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận sau thuế ở mức hai chữ số trong quý III. Ở chiều ngược lại, các ngành thủy sản, bất động sản, phân bón, bán lẻ, điện dự báo sẽ giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

VDSC dự báo triển vọng tăng trưởng lợi nhuận sau thuế khả năng cao sẽ tích cực hơn trong quý IV do cùng kỳ năm trước nhiều nhóm ngành có mức nền thấp như ngân hàng, thép, hàng tiêu dùng, bất động sản và chứng khoán. 

Xuân Nghĩa