|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

VN-Index mốc 1.100 điểm có ý nghĩa thế nào?

08:30 | 04/10/2023
Chia sẻ
Sau phiên lao dốc khiến chỉ số giảm hơn 37 điểm, nhà đầu tư lo ngại VN-Index tiếp tục rơi xuống dưới mốc 1.100 điểm. Vậy con số 1.100 điểm có ý nghĩa thế nào với thị trường giai đoạn hiện tại.

Vietcap: VN-Index mất mốc 1.100 điểm phát tín hiệu bước vào thị trường giá xuống

Trên thị trường, những ngưỡng số tròn thường được nhà đầu tư quan tâm bởi không chỉ thể hiện mốc kháng cự hay hỗ trợ theo trường phái phân tích kỹ thuật mà còn mang yếu tố tâm lý. Những con số tròn ưu điểm dễ nhớ, nhưng có thể là chốt chặn khiến nhà đầu tư lo ngại khi thị trường không thể chinh phục, hay niềm tin cuối cùng quyết định bán ra. Nhưng ở bên mua, những mốc điểm tròn lại giải tỏa tâm lý thị trường mỗi khi chỉ số vượt qua.

Tham gia thị trường nhiều năm, nhà đầu tư dễ dàng bắt gặp “ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm” xuất hiện trên báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán. Đây là con số đi theo thị trường chứng khoán Việt Nam trong hơn 20 năm nay.

Năm 2018, thị trường bị chốt lời khi VN-Index quay trở lại vùng 1.200 điểm sau 10 năm. Ba năm sau đó, bối cảnh thay đổi khi dòng tiền đổ vào kênh chứng khoán nhiều hơn nhưng VN-Index cũng phải mất 4 lần để có thể băng qua mốc 1.200 điểm đầu năm 2021.

Thị trường chuyển sang giai đoạn hưng phấn khi VN-Index vượt qua mốc đỉnh lịch sử, chỉ số liên tiếp chinh phục những mốc đỉnh mới, cao nhất đạt quanh 1.500 điểm đầu quý II/2022.

Tuần giao dịch cuối tháng 9, việc VN-Index lao xuống dưới mốc 1.200 điểm khiến giới đầu tư lo ngại. Lực bán trở nên quyết liệt hơn khi chỉ số tiến về sát ngưỡng 1.100 điểm, vậy mốc điểm này có ý nghĩa thế nào với thị trường trong giai đoạn này?

Góc nhìn từ khối phân tích Chứng khoán BSC, thị trường có thể theo quán tính giảm tiếp đẩy VN-Index xuống dưới ngưỡng 1.100 điểm, thậm chí thấp hơn. Khía cạnh phân tích kỹ thuật, chỉ số khi rơi về vùng 1.100 – 1.105 điểm sẽ chạm đường hỗ trợ MA200.

Nhà phân tích của Chứng khoán Vietcap kỳ vọng lực cầu sẽ gia nhập ở vùng trên để cân lực bán ra. Trạng thái cân bằng nếu được thiết lập, VN-Index có khả năng hồi phục. Tuy nhiên, nếu kịch bản xấu xảy a, VN-Index lao xuống dưới ngưỡng 1.100 điểm sẽ phát tín hiệu bước vào thị trường giá xuống (bear market).

Báo cáo giao dịch sau phiên thị trường bị bán tháo hôm qua, Mirae Asset (Việt Nam) cũng chuyển góc nhìn ngắn hạn từ trung tính sang tiêu cực. Đây cũng là góc nhìn chung của số đông nhà đầu tư và giới phân tích. Lo ngại có cơ sở khi những mối nguy của thị trường vẫn đang hiện hữu. 

Thị trường chứng khoán Mỹ vẫn chưa ngừng đà giảm và đang trở về vùng đáy 6 tháng. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD vẫn chưa phát tín hiệu đảo chiều. Sợi dây kết nối nữa thị trường chứng khoán Việt Nam với quốc tế là cổ phiếu VFS của VinFast chưa ngừng rớt giá khi mất thêm gần 5% hôm qua, còn 9,33 USD/cp. Trong sự kiện mới đây, một lãnh đạo cấp cao của công ty quản lý quỹ top đầu thị trường đánh giá nhịp giảm của cổ phiếu VinFast đã tác động lên tâm lý thị trường.

 Thị trường lo ngại khi VN-Index sắp rơi về vùng 1.100 điểm. Nguồn: TradingView.

Nhà đầu tư nên hành động ra sao: Cắt lỗ hay bắt đáy?

Tuy nhiên, trong bối cảnh tâm lý khá bi quan bao trùm, hai kịch bản hành động đối lập xuất hiện trên thị trường. Thứ nhất là bán cắt lỗ danh mục, đứng ngoài thị trường. Thứ hai là tham gia bắt đáy khi phần đông sợ hãi.

Về quyết định bán ra thời điểm này, các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư cân nhắc, không nên bán bất chấp bằng mọi giá vì nhiều cổ phiếu đã chiết khấu khá sâu từ vùng đỉnh, bước vào vùng quá bán. Nếu theo dõi, nhóm cổ phiếu có độ nhạy cao nhất thị trường như bất động sản, chứng khoán đều có mức giảm 30 – 40% từ đỉnh.

Ở chiều mua thời điểm này, quyết định phụ thuộc nhiều vào vị thế của nhà đầu tư. Về tổng quan, giới phân tích đang tương đối thận trọng và lựa chọn phương án phòng thủ.

Theo Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), thị trường đang trong nhịp điều chỉnh mạnh và chưa thấy đáy ngắn hạn để hồi phục. Do đó, với vị thế trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng thấp, quản trị danh mục, tận dụng nhịp hồi phục để hạ tỷ trọng xuống mức an toàn. Nhà đầu tư trung và dài hạn nên tiếp tục nắm giữ danh mục và theo dõi thêm.

Nhà phân tích của VCBS khuyến nghị nhà đầu tư nâng cao tỷ trọng tiền mặt, tỷ trọng cổ phiếu 10 – 20% tài khoản là hợp lý giai đoạn này. Quyết định bán giảm có thể được thực hiện với những mã chứng khoán đánh mất vùng hỗ trợ.

Tương tự, Yuanta Việt Nam đưa chiến lược, “các nhà đầu tư có thể dừng bán và nếu thị trường hồi phục nhẹ trong phiên kế tiếp thì các nhà đầu tư có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp. Tuy nhiên, nếu nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp thì vẫn nên đứng ngoài thị trường”.

Hoàng Linh